Tư duy đa chiều (P2)
Xin mến chào quý bạn độc giả, lại một tuần nữa trôi qua rồi. Hôm nay chúng ta lại tiếp tục cùng nhau bàn về câu chuyện tư duy đa chiều mà tuần trước đã nhắc đến. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau bàn về vấn đề độ tin cậy của những giả thuyết để chúng ta có thể đưa ra được các nhận định. Một ví dụ cụ thể mà tôi sẽ dẫn chứng cho các bạn đó là việc dự báo kinh tế thông qua những số liệu vĩ mô.
Tóm lược:
- Việc áp dụng rập khuôn các lý thuyết
- Mô hình phân tích kinh tế
- Độ tin cậy của những dữ liệu
Việc phát triển tư duy đa chiều cho người lao động đặc biệt rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong bối cảnh cần phải thay đổi vị trí trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Muốn phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính và tư vấn tài chính cá nhân thì chúng ta cần những con người có khả năng tư duy phức tạp trong việc giải quyết các nhu cầu cấp cao. Đây là một đòi hỏi rất quan trọng mà hệ thống giáo dục cần phải tạo ra những đột phá rất lớn thì mới bắt kịp các nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy ở cách giáo dục Việt Nam là nơi đào tạo lý thuyết vẫn đang không thể bắt kịp được yêu cầu thực hành của xã hội.
Việc áp dụng rập khuôn các lý thuyết kinh tế mà không cân nhắc đến các yếu tố điều kiện môi trường đặc thù cũng làm cho quá trình nhận thức của chúng ta bị mắc kẹt lại trong một thời gian dài. Đối với các quyết định kinh tế, tôi nhận thấy rằng trong suốt một thời gian dài chúng ta lại đang phụ thuộc quá nhiều vào các số liệu vĩ mô từ chính phủ để đưa ra các dự báo kinh tế. Chúng ta phụ thuộc vào các con số từ tổng cục thống kê như chỉ số lạm phát, chỉ số tăng trưởng kinh tế, chỉ số PMI để đánh giá về sức khỏe của nền kinh tế từ đó đưa ra các quyết định đầu tư tương ứng.
Tôi thấy có hai vấn đề liên quan đến cách làm phổ biến nói trên của các nhà kinh tế học cũng như các chuyên gia phân tích đầu tư trên thị trường liên quan đến việc phân tích các chỉ số vĩ mô để đánh giá sức khỏe của các nền kinh tế.
Vấn đề thứ nhất, về mặt mô hình phân tích thì vấn đề đang nằm ở chỗ mỗi mô hình kinh tế có những yếu tố đặc thù trong các yếu tố cấu trúc của nền kinh tế dẫn đến việc sử dụng các chỉ số kinh tế chuẩn hóa sẽ không phải là một mô hình phân tích yếu tố năng động của các nền kinh tế. Hơn nữa việc phân tích quá nhiều các thông số đầu vào trong khi không dựa các yếu tố bản chất của nền kinh tế sẽ khiến cho quá trình phân tích mang tính hình thức và không thể rút ra các vấn đề đặc thù của nền kinh tế.
Vấn đề thứ hai đó là tính tin cậy của các dữ liệu. Việc chỉ dựa vào các thông tin kinh tế được công bố định kỳ mà chúng ta hoàn toàn không thể kiểm tra được tính tin cậy của các dữ liệu. Trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn thì số liệu nợ xấu tại các ngân hàng đã được báo cáo thấp hơn số thực tế rất nhiều. Các tổ chức quốc tế cũng cho rằng nợ xấu của Việt Nam thực tế phải cao gấp 3-4 lần những con số được báo cáo. Thậm chí những ước tính của ngân hàng nhà nước cũng cao hơn hẳn con số từ ngân hàng thương mại.
Sau hai vấn đề trên tôi cũng xin phép kết thúc bài viết về tư duy đa chiều phần hai ở đây. Chúng ta hãy cùng nhau chậm lại và suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này. Bài viết vào tuần sau sẽ là một ví dụ cụ thể hơn cho các bạn thấy tầm quan trọng của độ tin cậy của những liệu. Cuối cùng, xin mến chúc quý độc giả và gia đình có nhiều sức khỏe và hẹn gặp lại vào bài viết tuần sau.