Giải mã xu hướng dịch chuyển đầu tư sang vàng nhẫn
Trong những năm gần đây, xu hướng đầu tư vào vàng, đặc biệt là vàng nhẫn, đã trở thành tâm điểm chú ý tại Việt Nam. Sự biến động của các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản và cổ phiếu, kết hợp với lãi suất ngân hàng thấp, đã đẩy nhiều người dân tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong vàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức rõ những rủi ro tiềm ẩn đằng sau.
Lãi suất ngân hàng thấp trong những năm gần đây cùng với việc các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản vẫn đang rất khó khăn về thanh khoản thì dòng tiền tiết kiệm của người dân bắt đầu hướng đến kênh vàng. Điều đó bắt đầu dẫn đến cơn sốt khi giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức kỷ lục. Tuy nhiên sự can thiệp mạnh mẽ của của NHNN vào đầu tháng 6 đã giúp cho giá vàng trong nước bắt đầu được bình ổn.
Khi vàng miếng bị quản lý chặt chẽ, nhiều người dân đã tìm đến vàng nhẫn như một lựa chọn đầu tư thay thế. Điều này đã làm giảm sự chênh lệch giá giữa vàng nhẫn và vàng miếng. Từ mức chênh lệch có thể lên tới hàng chục triệu đồng một lượng, giờ đây giá hai loại vàng này đã tiệm cận nhau hơn. Hiện tượng này phản ánh nhu cầu đầu tư vàng trong người dân vẫn rất lớn.
Nguyên nhân dịch chuyển sang vàng nhẫn
Lãi suất ngân hàng trong năm 2023-2024 vẫn duy trì ở mức thấp, từ 4%-5%/năm, khiến dòng tiền rút ra từ hệ thống ngân hàng chuyển sang đầu tư vào vàng nhẫn. Số liệu công bố từ NHNN cho thấy tăng trưởng tiền gửi từ đầu năm vẫn đạt mức 5,28%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng gần 9%. Quy mô chênh lệch giữa mức tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi đang đạt mức kỷ lục với mức chênh hơn 600.000 tỷ đồng.
Khi hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền gửi của hệ thống ngân hàng chảy ra thị trường thì đã tạo áp lực lớn lên thị trường vàng, đặc biệt là vàng nhẫn, khi nhu cầu đầu tư tăng cao trong khi nguồn cung lại hạn chế. Điều này đến từ bối cảnh lãi suất huy động thấp, việc giữ tiền trong ngân hàng không còn hấp dẫn và vàng trở thành kênh đầu tư khả thi, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu. Vàng SJC có sự đảm bảo về chất lượng liên quan đến hàm lượng vàng tuy nhiên hàm lượng vàng nữ trang sẽ phụ thuộc vào uy tín của các cửa hàng vàng khắp cả nước, vốn có mức chất lượng không đồng bộ. Sự gia tăng trong nhu cầu đầu tư vàng nữ trang sẽ có thể đặt một vấn đề cần thiết cho NHNN sẽ phải từng bước can thiệp để tránh việc giá vàng nhẫn tiếp tục tăng sốt và bên cạnh đó cơ quan quản lý thị trường vàng kinh doanh nữ trang cũng sẽ cần phải can thiệp.
Nguồn: widata.vn
Biểu đồ bên trên thể hiện một lượng tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn của hệ thống ngân hàng đã tăng rất chậm trong 6 tháng đầu năm. Số liệu được tính từ các ngân hàng thương mại đang niêm yết trên sàn chứng khoán, những ngân hàng này đã duy trì một mức tăng trưởng tín dụng trung bình trên 8%, tuy nhiên phần tăng trưởng tiền gửi lại rất thấp. Cá biệt một số ngân hàng như Vietcombank, tiền gửi có kỳ hạn đã giảm mạnh từ cuối quý 4.2023 đến nay. Nếu như cuối quý 2 năm ngoái tổng tiền gửi có kỳ hạn của Vietcombank đạt mức 929 nghìn tỷ đồng thì con số này đến cuối quý 2.2024 chỉ là 888 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm có thể được giải thích một phần bởi xu hướng dòng tiền đầu tư bị rút mạnh ra khỏi thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn có không nhỏ một lượng tiền nhàn rỗi từ dân cư được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Với quy mô ước tính hàng trăm nghìn tỷ thì đây là một lượng cầu đầu tư đáng kể, giúp đẩy giá vàng tăng vọt.
Giải pháp phát triển thị trường vàng trong dài hạn
Mấu chốt của vấn đề tăng trưởng giá vàng SJC trước đây và giá vàng nhẫn hiện tại vẫn là do lượng cung vàng vật chất hiện tại khá hạn chế. Việc kiểm soát lượng cung vàng là điều có thể thông cảm nhằm vừa hạn chế việc vàng hóa trong nền kinh tế, cũng như các ảnh hưởng đến việc chảy máu ngoại tệ và ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế phải thừa nhận rằng nhu cầu đầu tư là một nhu cầu chính đáng của người dân đối với số tiền tiết kiệm. Trong bối cảnh kênh đầu tư truyền thống gặp nhiều khó khăn và kênh chứng khoán vẫn nhiều rủi ro thì môi trường lãi suất thấp bắt buộc dòng tiền phải tìm kiếm đến những kênh đầu tư khác là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề mấu chốt hiện tại là làm sao thừa nhận việc đầu tư vàng là một nhu cầu tất yếu và cần phải xây dựng những kênh đầu tư vàng một cách hữu hiệu cho người dân, để việc đầu tư không ảnh hưởng các bài toán vĩ mô của NHNN. Bởi nếu tiền gửi chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng trong bối cảnh vẫn cần phải thúc đẩy tăng trưởng để hỗ trợ kinh tế thì sẽ tạo áp lực thanh khoản lên hệ thống, từ đó làm gia tăng mặt bằng chung của lãi suất, từ đó lại ảnh hưởng đến chi phí vốn mà doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận.
Một giải pháp dài hạn để giảm áp lực lên thị trường vàng vật chất là phát triển các sản phẩm tài chính hóa liên quan đến vàng. Các chứng chỉ quỹ đầu tư vàng có thể là một lựa chọn khả thi. Theo mô hình này, người dân không cần mua vàng vật chất mà có thể đầu tư thông qua các quỹ vàng. Các quỹ này sẽ giúp kiểm soát nguồn cung vàng trên thị trường, từ đó giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối và hạn chế việc giá vàng bị đẩy lên quá cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước năm 2023, việc phát triển các quỹ đầu tư vàng sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc đầu tư mà không cần tích trữ vàng vật chất. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư mà còn giúp kiểm soát cung cầu vàng tốt hơn, góp phần ổn định thị trường tài chính.
Việc quản lý nhập khẩu vàng cũng là một yếu tố quan trọng. Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ vai trò điều tiết nhập khẩu vàng nhằm đảm bảo rằng lượng ngoại tệ không bị thâm hụt. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vàng đang tăng cao. Nếu việc nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ, dự trữ ngoại hối sẽ bị suy giảm, gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế vĩ mô, bao gồm lãi suất tăng cao và áp lực thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Giải pháp tài chính hóa và quản lý chặt chẽ thị trường vàng là những cách hiệu quả để cân bằng giữa nhu cầu đầu tư của người dân và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Việc phát triển các sản phẩm tài chính liên quan đến vàng, kết hợp với quản lý nhập khẩu vàng và phát triển các quỹ đầu tư vàng uy tín, sẽ giúp giảm rủi ro từ việc tích trữ vàng vật chất quá mức. Điều này không chỉ giữ cho giá vàng ổn định mà còn giúp duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, từ đó hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Lê Hoài Ân, CFA
Nguyễn Thị Ngọc An - HUB