Nếu chỉ có tư duy chiến lược thì khó mong tới đích

 Một quan sát mà mọi người đều nhận ra là có những ý tưởng rất hay và dường như rất phù hợp, nhưng khi triển khai thì lại thất bại. Ý tưởng là điểm khởi đầu, nhưng chính khả năng triển khai lại là yếu tố quyết định thành công. Việc không nhận thức đầy đủ hoặc chưa quan tâm đúng mức về tư duy và năng lực vận hành sẽ khiến chúng ta mãi mắc kẹt trong các ý tưởng.


Tóm lược

  • Thay đổi từ tư duy chiến lược sang tư duy vận hành
  • Tư duy vận hành và tầm quan trọng của việc chuẩn hóa

“Tư duy chiến lược” là một cụm từ được nhiều người ưa chuộng, có lẽ phần nhiều người Việt chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi các câu chuyện lịch sử của Trung Quốc.

      Ở đó khắc họa hình ảnh của các chiến lược gia có thể đưa ra các chiến lược sâu sắc với tầm nhìn sâu rộng có thể thay đổi cục diện như thế nào. Ít khi nào trong các bộ truyện hay các bộ phim bàn nhiều về việc triển khai chi tiết các kế hoạch.

      Có rất nhiều dự án startup thất bại trong những năm qua, không phải vì ý tưởng của họ không tốt mà do năng lực triển khai trên thực tiễn. Các thất bại vận hành không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp startup mà ngay cả những doanh nghiệp khổng lồ khi triển khai các dự án mới cũng gặp muôn vàn khó khăn, dù với tiềm lực tài chính khổng lồ.

      Một số tập đoàn lớn có tầm nhìn và hoài bão về việc xây dựng lại ngành nông nghiệp ở Việt Nam theo hướng hiện đại, nhưng kết quả thì lại không như mong muốn sau một thời gian vật lộn khá dài.

      Đầu tư nông nghiệp luôn là một thiên trường ca bi kịch cho một tầm nhìn chiến lược. Chiến lược quay về phát triển nông nghiệp hoàn toàn phù hợp với xu hướng khi Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp và cần phải giải quyết vấn đề nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến cũng như đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu nông sản lớn và ổn định.

      Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến việc phải chuẩn hóa nông nghiệp và quản lý vận hành lại chưa được quan tâm ngay từ ban đầu.

      Vấn đề là tư duy chiến lược ở các doanh nghiệp đang diễn ra ở cả các cấp quản lý và cấp triển khai, điều đó khiến cho mọi người đều trở thành những nhà chiến lược. Tuy nhiên, chúng ta lại đang thiếu người có năng lực triển khai, đặc biệt là những người có thể triển khai tốt thông qua việc phối hợp các nguồn lực.

      Tư duy chiến lược là điều quan trọng vì nó giúp chúng ta định hướng một con đường đi trong dài hạn, nhưng có một thứ khác cũng quan trọng không kém là tư duy vận hành và việc chuẩn hóa.

Tư duy vận hành và tầm quan trọng của việc chuẩn hóa

Một câu chuyện đơn giản người viết muốn lấy làm ví dụ minh họa. Đó là câu chuyện khi tôi đi làm lại passport và hỏi hai người bạn về thông tin. Một người cho biết cần đi đến đâu và đích đến là gì và người còn lại thì cho tôi biết cần phải làm gì ở các bước và ở mỗi bước đó cần phải lưu ý điều gì để hạn chế rủi ro.

      Ở những quốc gia phát triển được nền công nghiệp, doanh nghiệp của họ không chỉ có những giám đốc chiến lược mà còn có những giám đốc vận hành giỏi để quản lý các tiêu chuẩn và chất lượng trong việc triển khai sản xuất và kinh doanh.

      Tư duy vận hành không phải là tư duy tiểu tiết, mà thay vào đó người lao động cần biết mình phải làm gì trong từng hoàn cảnh cụ thể và những tiêu chuẩn chất lượng công việc cần được hướng đến.

      Những doanh nghiệp ở Việt Nam có thể thành công và phát triển mạnh cũng xuất phát từ việc suy nghĩ đến việc quản trị vận hành thông qua áp dụng các tiêu chuẩn vận hành.

      Hãy xem câu chuyện của các công ty như Thế giới Di động (TGDĐ) trong ngành bán lẻ hay Techcombank trong lĩnh vực ngân hàng. Mười lăm năm trước, TGDĐ dường như vô danh trên thị trường, còn Techcombank dường như lép vế hơn hẳn so với các đối thủ khác trong ngành. Họ vươn lên mạnh mẽ được là có dấu ấn của chiến lược chuẩn hóa vận hành.

      Câu chuyện trong 15 năm qua khắc họa lại con đường không ngừng cải thiện quy trình và áp dụng các tiêu chuẩn chuẩn hóa không chỉ trong việc vận hành mà còn trong việc đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực.

Thay đổi từ tư duy chiến lược sang tư duy vận hành

Câu chuyện phát triển tư duy vận hành không chỉ là chuyện của các chủ doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp mà nó cũng hoàn toàn được áp dụng trong mỗi chúng ta. Những ai đã trải qua nhiều lần thất bại trong việc triển khai ý tưởng sẽ thấy nó càng đóng vai trò quan trọng.

      Chuyển đổi thói quen từ tư duy theo hướng chiến lược như cách chúng ta vẫn thường suy nghĩ sang tư duy vận hành là điều không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi không chỉ quyết tâm mà còn cả về phương pháp tiếp cận vấn đề.

      Một trong những giải pháp đó là rèn luyện thói quen chia nhỏ mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ với các tiêu chuẩn cụ thể, kèm theo đó là việc đo lường chi tiết từng kế hoạch hành động cho từng mục tiêu nhỏ đã đề ra.

      Trong cuộc sống, kế hoạch chính là hiện thân của tư duy chiến lược, nhưng phần lớn chúng ta đều không thể xây dựng được một kế hoạch hành động để từng bước thực hiện các mục tiêu của mình.

      Điều đó có nghĩa là chúng ta có mục tiêu rất lớn nhưng lại không thể chia nhỏ mục tiêu đó ra thành các việc cần thực hiện một cách cụ thể. Chúng ta cần phải xây dựng được một kế hoạch chi tiết và đánh giá một cách phù hợp ở các cột mốc thực hiện.

      Khác với một người chỉ nhìn theo tầm nhìn chiến lược, người nhìn theo tư duy vận hành luôn theo dõi được các kết quả và biết liệu nỗ lực và kết quả đã thực hiện còn cách bao xa so với mục tiêu đặt ra ban đầu.

      Lấy ví dụ việc một cá nhân lên kế hoạch và triển khai việc cải thiện chất lượng sức khỏe của mình như thế nào. Thay vì đặt ra các kế hoạch chung chung về việc sẽ phát triển trong năm tới như cải thiện sức khỏe, nâng cao kỹ năng, học một ngôn ngữ mới và cải thiện nguồn thu nhập… thì chúng ta cần thiết kế một hệ thống có thể đo lường kết quả đạt được của các mục tiêu.

      Quá trình đi từ xác định các mục tiêu lớn rồi từ đó xác định các mục tiêu cụ thể, xây dựng các tiêu chí đo lường cho từng mục tiêu cụ thể đó và cuối cùng là theo dõi từng cột mốc thực hiện.

      Hệ thống theo dõi vận hành giúp chúng ta biết được mục tiêu đó được thực hiện như thế nào và còn cách bao xa so với mục tiêu ban đầu. Việc quản lý mục tiêu chi tiết như vậy có thể sẽ khó chịu đối với những người tư duy tổng thể, nhưng nó giúp tăng khả năng ý tưởng có thể được triển khai.

      Tư duy chiến lược vẽ ra đích đến, nhưng tư duy vận hành lại vẽ ra đường đi để đến được đích. Từ trong thâm tâm, chắc ai cũng muốn trở thành nhà chiến lược hơn vì có vẻ “cao cấp” hơn so với một người vận hành hay quản lý vận hành.

      Tuy nhiên, đến một một thời điểm nào đó chúng ta lại chợt nhận ra chính tư duy vận hành mới lại là chìa khóa để biến tầm nhìn của tư duy chiến lược thành hiện thực.

Saigontimes, 10/2022