Làm sao để đánh giá năng lực tài chính cá nhân?

Các chỉ số xác định năng lực tài chính cá nhân sẽ cho chúng ta biết được năng lực tài chính hiện tại cũng như tiềm năng tăng trưởng về khía cạnh tài chính của một người. Điều này cũng giống như việc chúng ta xác định những chỉ số sức khỏe để đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể.

Tóm lược:

  • Chỉ số thể hiện năng lực tài chính cá nhân
  • Chỉ tiêu thu nhập
  • Chỉ tiêu tài sản
  • Chỉ tiêu tiềm năng cá nhân

         Với những bài viết trước trong chuyên mục Tài chính cá nhân chúng ta đã điểm qua được những nội dung xung quanh câu chuyện tài chính cá nhân, vậy rốt cuộc năng lực tài chính cá nhân được xác định thông qua những chỉ số nào? Trong bài viết lần này chúng ta sẽ cùng nhau đi trả lời câu hỏi đó.

         Các chỉ số xác định năng lực tài chính cá nhân sẽ cho chúng ta biết được năng lực tài chính hiện tại cũng như tiềm năng tăng trưởng về khía cạnh tài chính của một người. Điều này cũng giống như việc chúng ta xác định những chỉ số sức khỏe để đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể. Việc chúng ta hiểu và xác định được các chỉ số năng lực tài chính cá nhân sẽ giúp cho kế hoạch tài chính cá nhân đạt được kết quả tốt hơn.

         Chỉ số tài chính cá nhân đầu tiên liên quan đến thu nhập của chúng ta. Việc thu nhập hiện tại đang diễn ra như thế nào, sẽ phản ảnh cho chúng ta ta biết được tình hình công việc đang ổn định hay bất ổn. Giữa công việc có thu nhập ổn định 20-30 triệu đồng một tháng sẽ khác hoàn toàn với việc có vài tháng kiếm được 20-30 triệu đồng. Trong chỉ tiêu thu nhập, tính ổn định và khả năng tăng trưởng có nghĩa rất quan trọng đối với việc đánh giá năng lực tài chính cá nhân. Đối với chỉ tiêu đầu tiên này sẽ cho chúng ta biết được khả năng đảm bảo, khả năng tăng trưởng thu nhập sẽ có xu hướng như thế nào trong tương lai.

         Chúng ta cùng nhau đi tiếp một chỉ tiêu trong năng lực tài chính cá nhân đó là số tài sản của mình đang có. Trước khi đi vào nội dung của chỉ tiêu này, chúng ta cần được làm rõ tài sản ở đây chính là những gì còn lại sau khi đã trừ đi tất cả nợ. Việc chúng ta có tài sản 100 triệu đồng và không có nợ sẽ tốt hơn rất nhiều với một người có 100 tỷ đồng mà phải gánh khoản nợ 200 tỷ đồng. Trong chỉ tiêu tài sản này chúng ta sẽ cùng quan sát dưới góc nhìn bạn đang có những gì? Những tài sản đó có mức độ sinh lời và tăng trưởng ra sao trong tương lai?

         Dưới góc độ tài sản tài chính, người ta chia làm hai loại. Loại thứ nhất là tạo ra thu nhập đều đặn và loại thứ hai là không tạo ra thu nhập đều đặn. Nhìn chung sự khác nhau cơ bản giữa hai loại tài sản này đó chính là giá trị của của tài sản tạo ra thu nhập đều đặn  khó có thể tăng thêm, còn ngược lại đối với tài sản không tạo ra thu nhập đều đặn sẽ có khả năng tăng giá trị trong tương lai cao hơn. Có một loại tài sản đặc biệt đó là bất động sản, nếu chúng ta đầu tư và không cho thuê thì không tạo ra thu nhập, nhưng bù lại có tiềm năng tăng trưởng giá trị rất lớn.

         Loại tài sản vừa tạo ra thu nhập vừa tăng giá trị cũng tồn tại, tuy nhiên sẽ không bằng hai loại tài sản trên. Điều này được thể hiện thông qua việc cổ phiếu có trả cổ tức và cũng tăng trưởng khi hoạt động kinh doanh của công ty đang diễn ra tốt. Đối với loại tài sản này, tính thanh khoản là một vấn đề chúng ta cần quan tâm.

         Cuối cùng chúng ta cùng nhau đi đến một chỉ số năng lực đó là tiềm năng tăng trưởng của bản thân. Nhìn chung đây không phải là một yếu tố định lượng nên sẽ rất khó khăn cho việc đo lường. Nếu xét trên khía cạnh doanh nghiệp chúng ta có thể thấy rằng những yếu tố định lượng như có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu tài sản cố định, có bao nhiêu hàng tồn kho và có bao nhiêu nợ sẽ rất dễ đo lượng. Tuy nhiên, trong quá trình định giá doanh nghiệp, người ta vẫn đề cập đến một vấn đề đó là giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

         Tiềm năng tăng trưởng của cá nhân có thể được xem là tiềm năng gia tăng thu nhập của bản thân hoặc có thể là tiềm năng một người trong việc tạo ra tài sản. Mặc dù, đây là một trong những chỉ số đánh giá năng lực tài chính cá nhân, tuy nhiên chúng ta không nên đánh giá một cách trực tiếp vì đây là yếu tố tiềm năng. Những kết quả của chỉ số tiềm năng tăng trưởng được phản ánh trong tương lai còn việc đánh giá năng lực tài chính cá nhân thì trọng số của hiện tại đóng vai trò rất quan trọng.