Câu chuyện chuyển giao di sản

Tuần này chúng ta lại cùng nhau bàn về một câu chuyện liên quan đến việc chuyển giao di sản giữa các thế hệ. Rõ ràng câu chuyện chuyển giao là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta, khi phải đối mặt với việc truyền lại những thành quả dày công xây dựng cho thế hệ sau này. Và những gì được chuyển giao ở đây tôi gọi đó là di sản chứ không phải tài sản vì thực chất di sản mang rất nhiều ý nghĩa hơn.

Tóm lược

  • Những Doanh nghiệp thành lập vào thời kỳ cải cách kinh tế bắt đầu đứng trước giai đoạn chuyển giao.
  • Câu chuyện chuyển giao của người Việt sống ở những quốc gia khác
  • Bài học về câu chuyện chuyển giao

Việc chuyển giao quyền lực của các doanh nghiệp Việt Nam

      Sau khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế từ năm 1986 thì cũng là lúc các doanh nghiệp tư nhân ngày càng gia tăng số lượng về quy mô. Những người ở độ tuổi 20 những năm đó giờ đây đã bắt đầu bước sang độ tuổi giữa 50 đến 60. Chúng tôi thực hiện một thống kê về độ tuổi trung bình của 100 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam thì đã xác nhận được những giả thuyết của chúng tôi ở trên độ tuổi trung bình được xác định là 54 buổi. Nếu chúng ta mổ xẻ chi tiết hơn về những con số này thì sẽ thấy rằng độ tuổi trung bình của các doanh nghiệp liên quan đến nhà nước là 56 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của các doanh nghiệp tư nhân là 52 tuổi. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển sớm hơn của các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn sau cải cách kinh tế 1986.

      Tại sao tôi lại đưa ra cho các bạn những con số phân tích trên đây? Điều đó có nghĩa rằng trong vòng 10 năm nữa sẽ có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực. Liệu thế hệ kế cận của những doanh nhân này có thể tiếp quản thành công những doanh nghiệp đó hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Nếu bạn cũng là một trong số những doanh nhân nói trên thì tôi nghĩ tôi vừa chạm đến một câu hỏi bạn đang bắt đầu trăn trở từng ngày bên cạnh việc quản lý kinh doanh của mình.

      Còn nếu bạn là một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thì bạn cũng cần phải quan tâm đến vấn đề này vì điều đó sẽ thật sự ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của các công ty trong danh mục đầu tư của các bạn. Việc xác định công ty nào sẽ có một kế hoạch kế nhiệm thành công hay công ty nào sẽ có thể gặp vấn đề trong quá trình kế nhiệm, có thể cho bạn rất nhiều lợi thế trong việc bảo vệ và gia tăng giá trị đầu tư của bạn.

Xu hướng đó thậm chí diễn ra với các người Việt tại Mỹ

      Đây thực sự là một thời điểm thú vị khi tôi thấy có rất nhiều sự trùng khớp về những xu hướng đang xảy ra đối với người Việt trên toàn thế giới. Ước tính hiện tại có khoảng 4 triệu người Việt đang sống tại hải ngoại, và 50% trong số đó đều đang sống tại Mỹ và tập trung tại hai tiểu bang California và Texas. Là một người sinh ra trong một gia đình người Việt Nam định cư tại Bắc Mỹ, tôi có thể cảm nhận được sự thay đổi lớn lao đó bằng cảm nhận cá nhân.

      Hiện tại thì tháp dân số cho những người Việt tại Mỹ đã bắt đầu chuyển dần sang dân số già. Kết quả điều tra gần nhất chỉ ra rằng có hơn 22% người Mỹ gốc Việt hiện tại đang có độ tuổi xấp xỉ 55 trở lên. Thực tế thì phần lớn người Việt di cư sang Mỹ trong giai đoạn từ 1975-1980 nên phần lớn họ lúc này cũng đã rơi vào độ tuổi từ 55-70. Điều đó có nghĩa là sau một thời gian dài lao động thì nhóm đối tượng này cũng đã bắt đầu bước vào độ tuổi chuyển giao tài sản cho các thế hệ sau, tương tự như những gì đang diễn ra cho các hộ gia đình tại Việt Nam.

 1.3: Biểu đồ phân bổ tuổi của người Mỹ gốc Việt tại Mỹ năm 2017

      Phần lớn người Mỹ đều sử dụng các quỹ tín thác nhằm để lại tài sản cho người thân của mình. Quỹ tín thác được hiểu là một hình thức pháp lý được lập ra để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân có thể để lại di sản của mình cho những người họ yêu thương. Tại sao lại không để lại tài sản một cách trực tiếp mà lại bỏ các tài sản đó (tiền, chứng khoán, bất động sản chẳng hạn) vào các quỹ tín thác? Điều đó rất có lợi khi bạn chỉ cho phép những người thân của mình nhận một phần trợ cấp định kỳ từ nguồn tài sản đó, đặc biệt là nếu như họ không phải là những người có khả năng quản lý tài chính tốt như bạn. Một khi bạn đã thành lập quỹ tín thác không hủy ngang thì bạn sẽ không thể thay đổi chúng, và cả những người thụ hưởng cũng vậy. Mới chỉ vài trang trước chúng ta đã thảo luận về vấn đề tài sản vất vả kiếm được của bạn sẽ mất đi như thế nào chỉ sau vài thế hệ. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra cho con bạn khi bạn ra đi đột ngột và để lại cho chúng khoản thừa kế một triệu đô la Mỹ. Tôi vẫn biết có rất nhiều người luôn có một sự trân trọng tuyệt vời đối với đồng tiền, tuy nhiên tôi tin rằng phần lớn chúng ta đều không, đặc biệt là đối với những đồng tiền thừa kế.

      Đến đây thì tôi nghĩ bạn đã hiểu vai trò của những quỹ tín thác này là như thế nào rồi. Nó thực sự giúp cho tài sản của bạn kéo dài qua nhiều thế hệ và nó cũng thực sự giúp duy trì sự hỗ trợ tài chính cho những người thân yêu của bạn đối với những nhu cầu hợp lý nhất. Bạn có thể chỉ giới hạn những nhu cầu chi tiêu liên quan đến việc giáo dục hay thậm chí chỉ là một số tiền tối thiểu được rút ra định kỳ. Chính các luật sư và các đơn vị quản lý tín thác như ngân hàng sẽ đảm bảo rằng những quy định ban đầu của bạn khi lập quỹ có thể được thực thi.

      Trong phạm vi bài viết này, tôi không muốn thảo luận quá nhiều về các kế hoạch tài chính cho cá nhân với các quỹ tín thác, đó có thể là chủ đề cho một bài viết khác trong tương lai. Điều tôi muốn bàn với các bạn, những người Mỹ gốc Việt hay là những người Mỹ khác xung quanh bạn có thể đã rất quen thuộc với các sản phẩm thừa kế như thế này để quản lý tài sản của gia đình. Tuy nhiên, có lẽ các bạn vẫn còn chưa nhận ra giá trị của những cấu trúc này sau những năm tháng bôn ba vất vả gầy dựng tài sản. Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ thay đổi rất nhiều trong thời gian sắp tới. Hãy suy nghĩ về cách bạn sẽ gìn giữ tài sản của mình như thế nào thậm chí sau khi bạn ra đi chứ không phải chỉ việc tạo ra bao nhiêu tài sản là đủ. Các bạn thấy đó, tôi luôn thích dùng từ di sản hơn tài sản khi nói về những gì chúng ta có thể để lại sau này. Tài sản rồi sẽ có thể mất đi (tôi không muốn nói là chắc chắn), chỉ có những di sản sẽ còn ở lại, vì nó bao gồm được yếu tố văn hóa và những nét đặc trưng của thế hệ trước. Hãy nghĩ về những gì bạn xây dựng trong quỹ tín thác, chẳng phải bạn đang truyền lại cho các thế hệ mai sau của bạn về những thói quen quản lý tài chính và sử dụng tài chính cho những mục đích mang lại hiệu quả lớn nhất cho gia đình bạn sao?

      Làm thế nào để có thể xây dựng kế hoạch di sản tốt sẽ là câu hỏi với rất nhiều người Việt tại hải ngoại. Tôi nghĩ rằng cách người Hoa sống trên đất Mỹ sẽ gợi ý cho các bạn rất nhiều về cách chúng ta đang để lại di sản của bản thân và gia đình cho các thế hệ sau như thế nào.