Các gia đình giàu có bảo tồn di sản như thế nào
Việc tạo ra di sản đã là một vấn đề khó nhưng việc duy trì và gìn giữ những di sản đó lại còn là một vấn đề khó khăn gấp bội phần. Khi trách nhiệm quản lý tài sản được chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp thì rủi ro bắt đầu xuất hiện. Những tài sản mà các thế hệ sáng lập ban đầu đã khó khăn gầy dựng đang đứng trước một rủi ro mất mát rất lớn.
Tóm lược:
- Khó khăn trong việc gìn giữ những di sản
- Phần lớn những di sản sẽ bị tiêu hao qua nhiều thế hệ
- Gia tộc nào đã làm tốt câu chuyện để lại di sản cho thế hệ sau
Việc tạo ra di sản đã là một vấn đề khó nhưng việc duy trì và gìn giữ những di sản đó lại còn là một vấn đề khó khăn gấp bội phần. Khi trách nhiệm quản lý tài sản được chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp thì rủi ro bắt đầu xuất hiện. Những tài sản mà các thế hệ sáng lập ban đầu đã khó khăn gầy dựng đang đứng trước một rủi ro mất mát rất lớn. Rõ ràng, các thế hệ sau sẽ dần thiếu đam mê kinh doanh, họ dần muốn lựa chọn một cuộc sống hưởng thụ hay là theo đuổi một điều gì đó mà họ cho là đam mê của bản thân. Những cuộc chuyển tiếp tài sản như vậy không phải là một điều dễ dàng. Để nó có thể diễn ra thành công, với vai trò một người sáng lập ban đầu bạn cần phải nắm rất rõ vấn đề này, nếu bạn không muốn tâm huyết cả đời của mình sẽ lọt vào tay người khác hay là cơ nghiệp đó sẽ có thể bị hủy trong tay con hoặc cháu bạn.
Tại Việt Nam có câu là “Không ai giàu ba họ và cũng không ai khó ba đời”. Đó là câu nói dân gian truyền từ đời này qua đời khác nhằm mục tiêu khẳng định tính chu kỳ trong thịnh vượng của mỗi gia đình. Đời của bạn tạo dựng được 100 đồng, nhưng đến đời con của bạn chỉ còn 50 đồng và đời cháu của bạn chỉ còn 10 đồng. Đó dường như là một quy luật mà tôi nghĩ rằng bạn có thể dựa trên kinh nghiệm sống của mình để kiểm chứng lại những câu chuyện mà bạn đã từng trải qua hoặc nghe thấy.
Nếu bạn là một người quan tâm đến lĩnh vực báo chí thì ắt hẳn bạn đã từng nghe đến giải thưởng Pulitzer danh giá cho lĩnh vực báo chí. Giải thưởng Pulitzer được lấy từ tên của Joseph Pulitzer, người đã xây dựng một đế chế xuất bản sách vào những thập niên cuối thế kỷ 19. Khối lượng tài sản của gia đình này đã từng lên đến hơn 1.6 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên sự nghiệp lẫy lừng của người sáng lập Joseph dần bị tiêu tán bởi lối sống xa hoa của các đời con cháu về sau. Khi đến đời của cháu trai Peter Pulitzer thì gần như toàn bộ di sản đã bị phá mất. Nói như vậy để thấy rằng việc bảo tồn di sản còn khó hơn rất nhiều so với tạo ra khối lượng di sản đó.
Thậm chí việc chia nhỏ tài sản qua các thế hệ cũng là lý do khiến khối tài sản của gia đình có thể mất đi theo thời gian. Hãy thử theo dõi ví dụ sau đây để hiểu rõ hơn những gì tôi vừa nói với các bạn. Giả sử như người sáng lập của gia đình đã tạo nên khối tài sản 100 tỷ đồng. Với việc có 3 người con thì khối tài sản của gia đình sẽ chia làm 3 khi người sáng lập gia đình qua đời, tương ứng với mỗi người nắm giữ 33 tỷ đồng. Những người con cũng có cho mình 3 người con và số tiền sẽ lại tiếp tục được chia nhỏ còn 11 tỷ đồng. Với cách tính như vậy thì số tiền mà mỗi thành viên của thế hệ thứ 5 nhận của gia đình chỉ còn 200 triệu đồng mà thôi. Qua 5 thế hệ thì số người trong gia đình đã tăng lên 243 thành viên, tuy nhiên khối tài sản 100 tỷ ban đầu đang trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết. Việc gia đình chúng ta ngày càng gia tăng về số lượng thành viên là một điều tốt nhưng có vẻ như điều đó đang không tốt cho việc bảo tồn di sản của gia đình. Xin đừng hiểu lầm tôi về việc khuyên các bạn không nên phát triển một thế hệ con cháu hùng hậu cho gia đình bạn nhé. Tôi chỉ đang chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về việc quan sát các khối tài sản khổng lồ của các gia đình đã bốc hơi như thế nào theo thời gian thôi. Và tôi hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra với bạn. Chúng ta đều muốn khối di sản mà chúng ta đã cất công tạo dựng có thể tồn tại mãi mãi để bảo vệ an toàn về tài chính cho các thế hệ mai sau của chúng ta.
Bạn có thể hỏi tôi là liệu các gia đình giàu có trên thế giới đã gìn giữ tài sản của gia đình họ theo thời gian như thế nào, để sau khi họ mất thì khối tài sản đó không những không mất đi mà còn tiếp tục tăng trưởng theo thời gian, để tiếp tục trở thành vị thần sức mạnh về tài chính để bảo hộ cho gia đình họ.
Tôi sẽ kể cho bạn về một trong những gia đình huyền thoại đó.
Có một tập đoàn bán lẻ của Pháp xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 2012. Khác với chiến lược mua lại các chuỗi siêu thị trong nước của các đại gia bán lẻ khác như Central Group của Thái Lan hay Aeon của Nhật, tập đoàn bán lẻ này chọn cách liên kết với các chủ đầu tư bất động sản để phát triển các siêu thị và cửa hàng tiện lợi bên trong các chung cư. Việc này đều mang lại lợi ích cho đôi bên. Trung tâm mua sắm đông người sẽ giúp chủ đầu tư có cơ hội bán căn hộ, ngược lại chung cư sẽ mang lại nguồn khách nội khu và lân cận cho siêu thị. Cho đến nay họ đã mở gần 20 siêu thị tại Việt Nam và đã có mặt khắp các tỉnh thành lân cận khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Đó là tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp. Tập đoàn Auchan này thuộc sở hữu của gia đình Gerard Mulliez nổi tiếng bậc nhất nước Pháp từ cuối thế kỷ 20 đến nay.
Người sáng lập của tập đoàn này là ông Gerard Mulliez, ông đã tạo nên một gia đình Mulliez nổi tiếng khắp thế giới ngày nay. Gia đình này bắt đầu việc kinh doanh không được suôn sẻ lắm khi mà cơ sở kinh doanh dệt may bị sụp đổ vào năm 1950, sau khi đã vận hành được 200 năm. Gerard đầu tư toàn bộ số tiền còn lại của gia đình để phát triển các cửa hàng bán lẻ cung cấp nhu yếu phẩm, từ một cửa hàng họ lại mở thêm một cửa hàng, rồi mười … rồi một trăm rồi đến hơn hàng ngàn cửa hàng… Cứ thế họ trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu trên thế giới ngày nay. Doanh thu hằng năm của tập đoàn bán lẻ vào khoảng 50 tỷ Euro và con số lợi nhuận sau thuế là hơn 400 triệu Euro.
Gia đình Mulliez rất kín tiếng với truyền thông và thậm chí chắc bạn chưa bao giờ thấy một tấm hình của họ trên mạng xã hội. Đôi khi những người thật sự giàu có quá mức thì họ lại bắt đầu yêu thích sự yên tĩnh và chán ghét sự ồn ào của truyền thông. Tôi tin rằng đó là sự giàu có thật sự.
Gia đình này có một chuỗi các cửa hàng giá rẻ khắp Châu Âu. Sau đó họ lan nhanh sang thị trường các quốc gia đang phát triển tại Châu Á. Chìa khóa thành công của gia đình này trong việc kinh doanh lĩnh vực bán lẻ đó là làm sao để vận hành một chuỗi các cửa hàng khổng lồ trên một khu vực địa lý lớn với mức giá hết sức cạnh tranh nhưng đồng thời cũng tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trong quá trình mua sắm.
Khi mô hình kinh doanh bán lẻ bắt đầu vận hành tốt thì họ bắt đầu áp dụng chúng vào trong các lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm khác. Và cứ thế thì một đế chế đã hình thành. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nó lại là mồ hôi và công sức của biết bao nhiêu thế hệ gia đình.
Công ty này đã hoạt động kinh doanh hơn hai thế kỷ nhưng chỉ trong 50 năm cuối thì nó mới xây dựng được một cỗ máy kiếm tiền toàn cầu như vậy. Thông qua việc xây dựng một doanh nghiệp thành công thì họ đã cùng nhau tạo dựng một trong những gia đình thành công nhất thế giới. Những chia sẻ về bí quyết thành công của gia đình Mulliez tôi xin để dành lại vào một bài khác, khi đó chúng ta sẽ nói với nhau về cách làm thế nào để học tập những kinh nghiệm quý báu đó.