Liệu tự do có phải lúc nào cũng tốt

     Xin mến chào các bạn độc giả, những người tri kỷ ngôn từ chúng ta lại gặp nhau vào sáng thứ sáu hàng tuần. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đi qua một bài viết ngắn, có lẽ sau khi đọc xong những đoạn tâm tình ngắn này các bạn lại tự có cho mình một khoản không dài để đi tìm câu trả lời cho sự tự do của bản thân.

Tóm lược:

  • Sự tư do tác động khác nhau như thế nào ở phưởng Tây và phương Đông.
  • Liệu tự do có thật sự mang đến sự thịnh vượng

     Bài học từ các quốc gia Đông Nam Á cũng như từ những câu chuyện tôi đang cảm nhận hằng ngày trong cuộc sống tại Việt Nam bỗng đưa tôi đến một suy nghĩ về vấn đề tự do cá nhân. Điều này khác biệt hoàn toàn trong văn hóa phương Tây mà tôi tiếp nhận rằng chính sự tự do tạo ra thịnh vượng. Tuy nhiên những gì diễn ra tại Châu Á lại cho thấy rằng đôi khi không hẳn tự do có thể tạo ra sự thịnh vượng mà chính cấu trúc chặt chẽ của nền kinh tế từ chính phủ lại đang tạo ra sự thịnh vượng. Những gì mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm trong những thập niên 50 đến 90 của thế kỷ trước, và nền kinh tế hiện tại của Trung Quốc, với một nền kinh tế đóng cửa và được quản lý chặt chẽ bởi sự định hướng của chính phủ lại đang tạo ra những nền kinh tế thịnh vượng nhất Châu Á. Khi chính phủ định hướng phát triển một nền kinh tế sản xuất hướng về xuất khẩu thì nhà nhà và doanh nghiệp đều tuân theo định hướng đó với một mục tiêu kiên định xuất khẩu, thông qua quá trình sàng lọc gay gắt mà cuối cùng các quốc gia này đã tạo nên các tập đoàn khổng lồ có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

     Đôi khi chúng ta đòi hỏi tự do như một điều gì đó theo lẽ tự nhiên nhưng đa phần lại không biết làm thế nào để có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả. Sự khác biệt giữa người Á Đông và người phương Tây xét về phương diện tự do là người phương Tây họ có khả năng tự chủ bản thân cao hơn. Tự do không có nghĩa là hoang dại, muốn làm điều gì thì làm. Ví dụ như khi công ty cho bạn thời gian làm việc linh hoạt thì lúc đó bạn phải biết sử dụng sự tự do đó như thế nào cho hợp lý. Nếu sự tự do đó chuyển thành sự lạm quyền thì khi đó vô tình sự tự do không còn nâng cánh cho bạn được nữa mà nó sẽ hủy diệt bạn.

     Những người thực sự làm chủ được sự tự do sẽ biết rõ mình cần phải làm gì để đạt được những mục tiêu đó. Văn hóa Á Đông đi liền với sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Khổng giáo và chủ nghĩa phong kiến tập quyền trong một thời gian dài đã tạo nên một nét văn hóa quen thuộc với sự trật tự và khuôn khổ. Khi đó cái tôi của sự tự do cá nhân đã không được rèn luyện nhiều trong các nét văn hóa của các quốc gia. Người Á Đông cũng khao khát tự do nhưng lại không xác định một cách cụ thể mình cần tự do để làm gì. Nên đôi khi sự tự do cá nhân được trao trong những hoàn cảnh đó thì lại có thể trở thành thảm họa.