Chọn trường, chọn nghề hay là chọn vấn đề để giải quyết?
Mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại đến như mọi năm, nó mang theo những lo lắng và hy vọng không những đối với các sĩ tử mà còn đối với các bậc phụ huynh. Kỳ thi tốt nghiệp là cột mốc quan trọng đối với các sĩ tử, nhưng phần lớn những ai đã trải qua rồi thì khi nhìn lại đều tiếc rằng lẽ ra họ nên có một góc nhìn thấu đáo hơn.
Tóm lược
- Đầu tư quá trình hay chỉ đầu tư thời điểm
- Học để lựa chọn vấn đề để giải quyết
Cứ đến mùa tuyển sinh, người viết lại nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các phụ huynh để hỏi về việc chọn trường và chọn ngành học cho con em họ, nào là trường nào tốt, ngành nào học ra dễ có việc làm hay có thu nhập tốt. Khi trải qua và nhìn lại khoảng thời gian ấy, ai cũng nhận thấy điều làm chúng ta phát triển hay hạnh phúc không phải là việc đã từng học đại học hay không, học trường gì hay ngành gì, hay có một công việc ổn định… mà đó là sự đam mê trong công việc mình đang làm hàng ngày.
Từng là sĩ tử và sau đó tham gia đào tạo ở giảng đường đại học, mỗi lần như vậy tôi luôn nghĩ về những sai lầm không chỉ cho các phụ huynh mà còn cả cho các sĩ tử cứ lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ khi phần nhiều chúng ta đều quan tâm đến những thứ thực sự không quan trọng đến chúng ta sau này.
Đầu tư quá trình hay chỉ đầu tư thời điểm
Tôi nghĩ rằng câu hỏi khó nhất đối với những người đã từng đi học không phải là mức độ khó của các lý thuyết và các bài tập, mà là cuối cùng học để làm gì và giá trị của việc học là gì ngoài việc đảm bảo một cuộc sống tốt cho chúng ta? Mục tiêu học tập khác nhau thì động lực cũng sẽ khác nhau.
Một khảo sát với các sinh viên đại học được thực hiện gần đây chỉ ra, hơn 75% sinh viên được khảo sát cho thấy họ thiếu hiểu biết về ngành học và có đến hơn 50% không biết học xong sẽ làm gì. Chính những điều đó đang tạo nên những con số thống kê về việc hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp hay tỷ lệ rất lớn sinh viên ra trường phải làm trái ngành hay dẫu có làm đúng ngành thì còn một tỷ lệ rất lớn sinh viên cần được doanh nghiệp đào tạo lại.
Phần lớn các phụ huynh quan tâm đến việc học hành của con cái vào các đợt thi chuyển cấp hơn là quan tâm đến quá trình học tập và rèn luyện của con. Để việc tư vấn định hướng cho con có thể hiệu quả, lẽ ra phụ huynh cần phải quan tâm đến việc lựa chọn nghề nghiệp cho con từ 1-3 năm trước khi các em bước vào kỳ thi đại học.
Việc đầu tư cho con không chỉ dừng lại ở việc định hướng cho việc chọn trường hay ngành học khi tham gia một kỳ thi như thế. Quá trình định hướng sẽ cần phải tiếp diễn sau khi con đã bước vào giảng đường đại học. Khi vào đại học thì việc chủ động học sẽ rơi hoàn toàn về phía sinh viên, tuy nhiên vai trò của ba mẹ là rất quan trọng liên quan đến việc theo dõi nhận thức nghề nghiệp của con mình, đồng thời định hướng về sự kỳ vọng thực tế của xã hội đối với nghề nghiệp.
Rất nhiều sinh viên không thể phát triển ở bậc đại học khi gia đình hoàn toàn phó mặc việc học và rèn luyện của con em mình cho nhà trường. Nếu trong truyền thông có khái niệm “viral” thì trong việc học tập và rèn luyện cũng tương tự. Khi chúng ta xác định rõ mục tiêu trong quá trình học, quá trình tiếp thu kiến thức cũng như việc tiếp nhận các kỹ năng nghề nghiệp sẽ diễn ra rất tự nhiên.
Kiến thức thời đại học có sự khác biệt rất lớn so với kiến thức trung học phổ thông vì nó liên quan trực tiếp đến yếu tố nghề nghiệp. Kiến thức đại học không chỉ được hình thành chính thông qua việc học, mà nó còn thông qua quá trình chiêm nghiệm và thực hành của người học.
Do đó, đòi hỏi một sự tập trung và tích lũy đủ nhiều của người học để “lượng có thể chuyển thành chất”. Như chúng ta có thể thấy ở hình minh họa bên dưới, kiến thức phổ thông có thể tăng trưởng tuyến tính. Tuy nhiên, kiến thức thời đại học lại tăng trưởng theo dạng bậc thang.
Phụ huynh đi chùa cầu cho con em thi đậu, nhưng ít khi nào cầu cho chúng yêu thích việc học của mình, họ cầu cho con em có công việc ổn định, chứ ít khi cầu cho các bạn có thể yêu thích công việc mình đang làm. Xã hội phát triển ngày càng đa dạng nên việc tìm kiếm một công việc để kiếm sống không phải là một vấn đề quá khó. Nhưng làm sao có thể tìm được một công việc phù hợp với năng lực và đam mê phát triển của bản thân mới là vấn đề lớn nhất.
Học để lựa chọn vấn đề để giải quyết
Giá trị nghề nghiệp của bản thân chúng ta sẽ phụ thuộc vào vấn đề chúng ta đang lựa chọn giải quyết. Mọi vấn đề đều có giá trị của riêng nó, nó có thể là việc một kỹ sư nông nghiệp tìm kiếm lai tạo một giống lúa mới với năng suất cao hơn; cũng có thể là việc một bác sĩ tìm cách điều trị bệnh cho các bệnh nhân bị di chứng từ Covid-19; hay vấn đề cũng có thể là việc tạo ra một platform để kết nối người rửa xe và người có nhu cầu cần rửa xe. Việc lựa chọn vấn đề sẽ phụ thuộc vào năng lực của bản thân chúng ta và cả khuynh hướng yêu thích của chúng ta đối với một nhóm công việc nhất định.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa người đi học và người đi làm, đặc biệt là người làm chủ doanh nghiệp và người đi học là sinh viên. Khác biệt lớn nhất đó là người đi làm biết được họ cần phải học gì, tầm quan trọng của việc đó ra sao và việc đó giúp họ giải quyết vấn đề họ đang lựa chọn như thế nào.
Người đi học thuần túy có được lợi thế về thời gian học, tuy nhiên lại mất mát rất lớn về việc xác định vấn đề. Khi không thể xác định vấn đề một cách phù hợp thì các nội dung chúng ta đang học sẽ dần mất sự kết nối với mục tiêu của chúng ta.
Ở các nước phát triển, nhiều sinh viên lựa chọn một năm nghỉ học (gap year) để dành thời gian trải nghiệm, từ đó xác định lại đâu thực sự là con đường họ nên đi. Thực tế, sau khi ra trường, chúng ta có đến khoảng hơn 35-40 năm để làm việc. Do đó, việc sống chậm lại để có thể nhận ra thực sự đâu là ngành nghề, hay nói đúng hơn đó là lựa chọn vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết là một điều rất cần thiết.
Nếu các bạn tân sinh viên sắp tới, cũng như các bậc phụ huynh, có thể hiểu được điều này thì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không phải là một vấn đề quá lớn. Với vai trò là các bậc phụ huynh, chúng ta cũng đừng nên tạo quá nhiều áp lực cho con em của mình. Thay vào đó, hãy động viên chúng vì đây chỉ là một kỳ thi kiểm tra năng lực về kiến thức tổng quát. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần dành thời gian để hiểu hơn về năng lực và định hướng nghề nghiệp của các em.
Nếu như con em bạn không may mắn đậu đại học trong năm đầu tiên thì hãy xem như chúng may mắn có thêm một năm để suy nghĩ về con đường sắp tới. Việc chọn ngành hay chọn trường không quan trọng bằng việc các em chọn cho bản thân mình một vấn đề gì sẽ giải quyết sắp tới. Việc học đại học chỉ mới là bước khởi đầu trên hành trình đó.
Mỗi công việc đều có giá trị riêng của nó và khi chúng ta có thể đạt được đỉnh cao của nghề nghiệp thì không công việc nào có thu nhập thấp. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần nhận thức rõ về giá trị nghề nghiệp, đặc biệt là ngay từ khi bắt đầu bước vào giảng đường đại học. Khi yêu thích và tìm được đam mê nghề nghiệp thì chúng ta có thể có được một lộ trình phát triển rõ ràng. Một con số tham khảo đáng suy ngẫm từ một khảo sát lao động ở Mỹ chỉ ra có ít hơn 20% người đi làm cảm thấy yêu thích công việc của họ. Tỷ lệ này ở Việt Nam ắt hẳn sẽ còn thấp hơn nhiều.
Saigontimes, 09/2022