Bùng nổ tín dụng tiêu dùng và cá nhân hóa các dịch vụ tài chính

Đầu tư vào các khoản tiêu dùng như điện thoại, xe cộ, vật trang trí đều là những tiêu sản khi nó chỉ tạo ra những khoản giảm trừ cho thu nhập của gia đình bạn. Điều tồi tệ nhất là nó lại càng làm cho bạn trì hoãn hơn trong việc tập trung các nguồn lực về thời gian, tài chính và việc nâng cao giá trị của bản thân. Hãy thật sự tỉnh táo.

Tóm lược

  • Bức tranh tín dụng tiêu dùng
  • Lưu ý khi sử dụng những công cụ tín dụng

Với bài viết vừa rồi, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu những chỉ số giúp đánh giá năng lực tài chính cá nhân. Lần này, ở một góc nhìn khác về về việc tận dụng các khoản nợ để gia tăng tài sản và thỏa mãn một số nhu cầu trong cuộc sống. Liệu việc này có an toàn hay không?

Một trong những xu hướng đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đó là sự gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu tín dụng tiêu dùng từ các hộ gia đình. Các bạn thấy đấy, chỉ trong một thời gian ngắn từ 2013 đến 2017 mà tín dụng tiêu dùng và bất động sản đã gia tăng gấp 8 lần lên mức 1,600,000 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2017, tín dụng tiêu dùng và bất động sản đã tăng hơn 60% so với năm 2016 và mức tăng trưởng này được dự kiến sẽ tăng trưởng tiếp tục ở mức 20-30%/năm trong những năm kế tiếp.

Biểu đồ: mức độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng và tỷ lệ tiết kiệm tại Việt Nam

Sau một thời gian dài nền kinh tế Việt Nam chỉ tập trung tín dụng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn thì giờ đây hộ gia đình là đối tượng chính của những dòng tín dụng trên. Từ các ngân hàng thương mại cho đến các công ty tài chính, và đến cả hệ thống cho vay ngang hàng (peer to peer lending) đang bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian qua. Có lẽ chưa bao giờ hoạt động cho vay bán lẻ cho các đối tượng cá nhân được các ngân hàng thương mại quan tâm đến như vậy. Với những công ty tài chính thì bạn sẽ rất quen thuộc với những thương hiệu như FE Credit hay Home Credit khi đi mua sắm tại các trung tâm điện máy cũng như các cửa hàng bán lẻ điện thoại của Thế Giới Di Động và FPT Shop, họ thực sự ăn nên làm ra trong những năm qua. Chưa bao giờ việc tiếp cận nguồn tín dụng lại có thể dễ dàng đến như vậy. Bạn có tài sản đảm bảo thì tốt mà không có thì cũng không sao, bạn có sao kê lương để chứng minh nguồn thu nhập hay không cũng không quan trọng. Luôn có những tổ chức sẵn sàng cung cấp cho bạn các khoản vay tiêu dùng, quan trọng là ở mức lãi suất bao nhiêu mà thôi.

Tỷ lệ tiết kiệm trên GDP của Việt Nam đã lần đầu giảm xuống mức thấp hơn 30%. Đây là mức rất thấp nếu so sánh với mức của các quốc gia đang phát triển, vốn thường duy trì tỷ lệ tiết kiệm cao trong dân cư để phục vụ nhu cầu đầu tư của quốc gia. Hãy nhìn các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc với tỷ lệ tiết kiệm lên đến 46% trong khi đó tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam lại đang tương đương với một quốc gia đã bão hòa kinh tế như Nhật Bản. Đó thực sự là một dấu hiệu đáng lo cho nền kinh tế của chúng ta.

Điều này đang thể hiện xu hướng lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai nên sẵn sàng đánh đổi tiêu dùng hiện tại. Mặc dù việc gia tăng tín dụng tiêu dùng có thể tạo ra sự gia tăng trong sức cầu tiêu dùng, qua đó góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Tuy nhiên, trong dài hạn thì sự sụt giảm trong tiết kiệm có thể dẫn đến cả sự sụt giảm về tiêu dùng và đầu tư trong dài hạn, do khi đó phần lớn thu nhập của người dân sẽ được dùng để trả nợ hơn là chi tiêu và đầu tư, điều này làm sức khỏe nền kinh tế yếu đi trong dài hạn.

Tôi đã từng thấy điều này diễn ra tại Hàn Quốc trong những năm đầu bước vào giai đoạn phát triển những năm 2000. Khi đó chính phủ Hàn Quốc đã đẩy mạnh việc gia tăng nợ khu vực hộ gia đình để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Người dân thì đua nhau mở các thẻ tín dụng để tiêu xài với một tốc độ tăng nhanh chưa từng có. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn đã dẫn đến việc kiệt quệ tài chính của rất nhiều gia đình. Việc các gia đình không trả được nợ cũng khiến cho hàng loạt công ty tài chính phá sản, phải nhờ đến sự trợ giúp của chính phủ.

Đó là những câu chuyện vĩ mô nhưng nó thật sự liên quan đến bạn đấy. Trong một bối cảnh tín dụng tiêu dùng bùng nổ như hiện nay thì với vai trò là những người làm chủ gia đình, các bạn phải thật sự tỉnh táo để tránh rơi vào vòng xoáy nợ tài chính. Việc chi tiêu để tận hưởng cuộc sống tôi nghĩ nó vừa là một nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân và vừa là động lực để bạn có thể hăng say lao động, tuy nhiên bạn cần hết sức lý trí với chính mình về khả năng tài chính cũng như các kế hoạch tài chính dài hạn của bản thân. Các khoản vay tiêu dùng thường có lãi suất rất cao nên số tiền thực tế bao gồm giá mua ban đầu và cả phần lãi bạn phải trả có thể cao hơn rất nhiều so với mức chi phí bạn suy nghĩ ban đầu. Hãy nghĩ về việc bạn và gia đình bạn đang bị làm phiền như thế nào thông qua email, mạng xã hội và cả tin nhắn cá nhân về các dịch vụ tài chính được cung cấp từ các ngân hàng và các công ty. Tất cả như những con hổ đang rình rập tình hình tài chính của gia đình bạn.

Hơn nữa, những gánh nặng về tài chính trong việc trả nợ có thể khiến bạn quên đi nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tìm cách nâng cấp giá trị của bản thân bạn. Đầu tư vào các khoản tiêu dùng như điện thoại, xe cộ, vật trang trí đều là những tiêu sản khi nó chỉ tạo ra những khoản giảm trừ cho thu nhập của gia đình bạn. Điều tồi tệ nhất là nó lại càng làm cho bạn trì hoãn hơn trong việc tập trung các nguồn lực về thời gian, tài chính và việc nâng cao giá trị của bản thân. Hãy thật sự tỉnh táo.