Tại sao Việt Nam không thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa?
Làn sóng dịch chuyển dòng vốn để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia đang được triển khai mạnh mẽ để dần hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Một cơ hội mặc dù rất gay gắt đang mở ra cho các quốc gia xung quanh Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Chúng ta có nhiều lợi thế tuy nhiên vẫn có nhiều lý do để các tập đoàn không chọn chúng ta, trong số đó là cấu trúc của một nền công nghiệp phụ trợ yếu.
Tóm lược:
- Vốn hóa ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam
- Nguyên nhân chính kéo nông nghiệp tụt hậu
- Nền kinh tế Việt Nam thực tế đã bị mắc kẹt lại trong quá trình phát triển dịch vụ khi cả xã hội đang đẩy quá trình phát triển dịch vụ đi quá nhanh
Từ những năm 2000 thì mục tiêu năm 2020 đưa Việt Nam về cơ bản trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại đã được Đảng và Chính phủ đề ra và là trọng tâm quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi cơ hội đến thì thực tế nền công nghiệp của nước ta vẫn còn ngổn ngang sau từng ấy thời gian và Quốc hội đã thừa nhận mục tiêu đã hoàn toàn không thực hiện được.
Những đóng góp trong tỷ trọng của ngành công nghiệp từ các số liệu vĩ mô đang che lấp một thực tế nền công nghiệp của chúng ta đang phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI. Hoạt động xuất khẩu giúp Việt Nam xuất siêu 10 tỷ đô la tuy nhiên đằng sau con số đó là 20 tỷ đô là xuất siêu của khu vực FDI và thâm hụt 10 tỷ đô la từ khu vực trong nước. Các số liệu từ cơ cấu tỷ trọng vốn hóa của các ngành nghề trong chỉ số VN-Index cũng cho thấy sự hạn chế của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam. Ngành công nghiệp chỉ chiếm chưa đến 10% tổng giá trị vốn hóa, thấp hơn nhiều so với các nhóm ngành nghề chiếm tỷ trọng cao là ngân hàng, bất động sản và thực phẩm. Trong đó, nếu các doanh nghiệp xây dựng được loại ra khỏi nhóm công nghiệp thì mức tỷ trọng cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến sẽ còn thấp hơn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 20 năm qua hoàn toàn không thua kém mức tăng trưởng của Nhật Bản và Hàn Quốc trong giai đoạn tăng trưởng nhanh của hai quốc gia này khi tăng trưởng từ giai đoạn 2000-2020 của Việt vào khoảng 7%, so với mức 8% của Hàn Quốc giai đoạn 1961-2000 và 9,4% của Nhật Bản giai đoạn 1955-1973. Tuy nhiên, kết quả đạt được của chúng ta là rất hạn chế so với các hai cường quốc nói trên.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tuy nhiên điều gì đã khiến quốc gia tụt lại phía sau. Sự khác biệt đến từ một yếu tố cơ bản là nền kinh tế đã bỏ qua việc hoàn thiện nông nghiệp khiến sau bao năm nền nông nghiệp vẫn lạc hậu, từ đó không thể tạo tiền đề cho một nền công nghiệp phát triển.
Nguyên nhân chính kéo nông nghiệp tụt hậu
Thực tế sau giai đoạn cải cách kinh tế 1986 thì Việt Nam đã có những bước tiến rất dài trong việc cải cách nông nghiệp và ruộng đất ở khu vực nông thôn. Việc thừa nhận quyền sử dụng hoàn toàn của người dân trên các khoản đất nông nghiệp được giao đã giúp gia tăng các tài sản của người dân có thể dùng trong hoạt động sản xuất cũng như tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Từ đó góp phần khai thông dòng vốn tín dụng vào trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự ra đời của hệ thống ngân hàng thương mại cùng với những cải cách trong nông nghiệp và việc tư hữu quyền sử dụng đất đã giúp cho tăng trưởng tín dụng tăng nhanh. Việc khơi thông được dòng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp đã giúp sản lượng và năng suất lúa của Việt Nam thay đổi rất đáng kể, góp phần đưa Việt Nam từ trước năm 1986 phải nhập khẩu lương thực dần trở thành một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, thay vì tiếp tục đẩy mạnh cải cách nông nghiệp để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại thì chính phủ lại hướng nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp nặng quá sớm. Ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc thì sau khi tiến hành chia ruộng đất lại cho nông dân thì chính phủ tiếp tục thực hiện các hoạt động bơm vốn cho khu vực nông nghiệp thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả các hình thức trợ cấp nông nghiệp. Bởi vì sau giai đoạn đầu phát triển mặc dù đã góp phần cải thiện đáng kể năng suất nhưng với sự bắt đầu phát triển của các khu công nghiệp thì sẽ làm cho thu nhập của khu vực thành thị nhanh chóng vượt qua khu vực nông thôn. Việc thiếu các chính sách định hướng để phát triển các nền nông nghiệp quy mô lớn hơn, hiện đại hóa hơn sẽ khiến cho người dân rời bỏ dần khu vực nông thôn. Chính sự phát triển công nghiệp vội vàng đó đã khiến cho quá trình cơ giới hóa toàn diện đã tạm dừng, sau đó nền nông nghiệp của Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng phần lớn là các sản phẩm nông nghiệp thô, ít qua sơ chế để xây dựng một chuỗi ngành công nghiệp phụ trợ.
Nhìn từ góc độ vĩ mô chúng ta cũng sẽ thấy mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn thấp hơn hẳn so với khối ngành sản xuất và dịch vụ. Tỷ lệ đóng góp vào mức tăng trưởng GDP hằng năm của nông nghiệp cũng thấp hơn nhiều so với các nhóm ngành nghề khác.
Dòng vốn FDI từ nước ngoài vẫn chỉ đang hướng vào lĩnh vực sản xuất trong khi đó lĩnh vực nông nghiệp giàu tiềm năng của Việt Nam lại thu hút dòng vốn hết sức hạn chế. Nhìn vào danh mục cho vay của các ngân hàng thì chúng ta cũng có thể thấy nguồn vốn chảy vào nông nghiệp thấp như thế nào. Tổng nguồn vốn vay mà các ngân hàng giải ngân cho các phương án và dự án kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm một mức tỷ trọng rất nhỏ và phần lớn chủ yếu đến từ các ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Sau giai đoạn phát triển công nghiệp nặng không thành công thì lẽ ra chúng ta cần nhìn lại để quay lại phát triển một nền công nghiệp phụ trợ hoàn chỉnh nhằm tạo lợi thế trong xuất khẩu thì lại bắt đầu một làn sóng phát triển lĩnh vực dịch vụ tại Việt Nam. Nếu như chúng ta từng đi quá nhanh từ giai đoạn nông nghiệp lên công nghiệp thì một lần nữa, chúng ta lại chuyển quá nhanh từ giai đoạn công nghiệp lên dịch vụ. Khi nền công nghiệp sản xuất không được chú trọng và người dân tập trung kinh doanh vào các hoạt động kinh doanh mua đi bán lại nhiều hơn làm cho thâm hụt cán cân vãng lai ngày một lớn trong khi nền sản xuất trong nước lại ngày càng ít điều kiện để phát triển do thiếu sự ủng hộ từ việc tiêu dùng trong nước.
Nền kinh tế Việt Nam thực tế đã bị mắc kẹt lại trong quá trình phát triển dịch vụ khi cả xã hội đang đẩy quá trình phát triển dịch vụ đi quá nhanh. Nếu so sánh, cơ cấu giá trị ngành dịch vụ trên GDP của Việt Nam không hề thấp hơn các quốc gia đang phát triển trước chúng ta từ 10-15 năm như Malaysia và Trung Quốc. Như vậy, trong hai mươi năm qua thì cái chúng ta đạt được là quá trình “dịch vụ hóa” chứ không phải công nghiệp hóa. Vấn đề đang nằm ở đâu? Đó là chúng ta đang bị kẹt lại trong một nền dịch vụ có giá trị thấp. Phần lớn những người giao hàng, chạy xe ôm và bán hàng rong đều xem họ là có công việc chứ họ không hề ở nhà ở không. Rồi việc những bạn trẻ “khởi nghiệp” mở các quán café hay những dự án báng hàng online. Tất cả các công việc đó đều được xếp vào nhóm ngành dịch vụ.
Một khi không thể xây dựng một nền công nghiệp phụ trợ thành công thì hệ thống công nghiệp trong nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài từ đó làm gia tăng giá thành, không kiểm soát tính đồng đều của chất lượng. Kết quả là làm cho sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước thiếu tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Biểu đồ: Mức độ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam năm 2019
Sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã khiến cho hàng loạt các ngành công nghiệp Việt Nam đều thất bại.
Do đó, muốn tái cơ cấu nền kinh tế để gia tăng cạnh tranh thì đòi hỏi Chính phủ phải thực sự quan tâm đến việc tái cấu trúc nông nghiệp, thông qua việc tái cơ cấu lại các vùng nguyên liệu phù hợp để tạo nền tảng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Các tập đoàn kinh tế có lẽ luôn cân nhắc Việt Nam là lựa chọn hàng đầu khi dự định chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế về cơ sở hạ tầng thì những yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ là những vấn đề cần phải được giải quyết trong bài toán dài hạn và quay trở lại hoàn thiện nông nghiệp là một giải pháp căn bản nhất.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 9/2020