Đừng vội chỉ trích các Shark

Những ngày qua dư luận đã rất bất ngờ và cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc tỷ lệ giải ngân thực tế từ chương trình Shark Tank Việt Nam rất thấp, thậm chí có một số Shark được cho là dù ngồi ban giám khảo nhiều mùa nhưng vẫn chưa thực sự giải ngân khoản đầu tư nào. Đâu là bức tranh thực sự đằng sau vấn đề trên?

Tóm lược

  • Vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Thay đổi nhận thức về hệ thống quản lý tài chính

Shark tank là một chương trình truyền hình thực tế, xoay quanh câu chuyện gọi vốn của các doanh nghiệp startup đối với các nhà đầu tư thiên thần. Thông qua việc đánh giá về tiềm năng của dự án các nhà đầu tư sẽ quyết định có nên thực hiện đầu tư vào dự án hay không. Chương trình bắt nguồn ở Mỹ và sau đó lan tỏa sang các nước, đã thu hút được sự quan tâm lớn của rất nhiều người xem khi được đánh giá là chương trình bổ ích cho kiến thức của công chúng về kinh doanh và đầu tư khởi nghiệp.

      Mọi chuyện bắt đầu khi Shark tank mùa 4 đóng máy với số tiền cam kết đầu tư là 200 tỉ đồng cho hơn 35 startup nhưng chỉ 4 dự án nhận được giải ngân, với số tiền tổng cộng chỉ hơn 20 tỉ đồng. Tác giả bài viết này đã thống kê lại số liệu giải ngân của các mùa trước đó và thấy tỷ lệ giải ngân cũng thực sự không cao. Liệu có phải chương trình truyền hình thực tế này chỉ là những hoạt động PR cho các cá nhân và doanh nghiệp như một số người đã chỉ trích hay không?

      Thực tế thì tỷ lệ giải ngân cho các startup tại các chương trình thực tế ở Mỹ, dù cao hơn so với chương trình Shark tank ở Việt Nam, nhưng cũng không phải startup nào nhận được cái gật đầu rót vốn của các Shark trên chương trình là có thể nhận vốn trong thực tế. Tính trung bình thì tỷ lệ đầu tư của các Shark ở Mỹ cũng chỉ đạt 50%, nghĩa là cứ hai doanh nghiệp được cam kết đầu tư vốn trên sóng truyền hình thì chỉ có một doanh nghiệp thực nhận được vốn đầu tư. Như vậy, tỷ lệ giải ngân thấp không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam.

      Thực tế, sau chương trình thì các “Shark” sẽ ngồi lại với doanh nghiệp để thực hiện quá trình thẩm định, ngôn ngữ chuyên môn gọi là “due diligence”. Ở đó, nhà đầu tư với đội ngũ thẩm định chuyên nghiệp của mình sẽ xem xét những gì doanh nghiệp đã trình bày có giống với thực tế hay không? Trong đó, vấn đề về hệ thống tài chính kế toán được các nhà đầu tư quan tâm hơn cả. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề các startup thường không chú ý đầu tư. So sánh giữa thị trường Việt Nam và Mỹ, rõ ràng là các startup ở Việt Nam còn ở mức độ phát triển thấp hơn, đó cũng là một lý do có thể giải thích cho tỷ lệ giải ngân thấp của chương trình trong những năm qua.

Vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong giai đoạn đầu phát triển, các startup thường quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển sản phẩm cũng như phát triển kinh doanh. Với nguồn ngân sách hạn chế của mình, các doanh nghiệp thường không đầu tư nhiều vào các bộ phận back-office, đặc biệt là cho bộ phận tài chính – kế toán để có thể xây dựng một hệ thống kế toán chuẩn và minh bạch.

      Việc chưa nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống tài chính – kế toán khiến phần lớn các chủ doanh nghiệp chỉ xem vai trò của phòng kế toán như một bộ phận ghi sổ và làm các báo cáo thuế. Trong bối cảnh hệ thống quản lý thuế ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang quan tâm nhiều đến việc tối thiểu hóa các trách nhiệm về thuế thông qua việc ghi nhận doanh thu trên hai sổ, nghĩa là báo cáo thuế sẽ không phản ánh doanh thu thực tế phát sinh của doanh nghiệp.

      Những điều đó giúp doanh nghiệp có lợi trong ngắn hạn nhưng lại để lại những hệ lụy vô cùng lớn, đặc biệt là quá trình làm việc với các nhà đầu tư.

      Các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền vào để doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển, do đó ngoài việc đánh giá tiềm năng tăng trưởng của mô hình kinh doanh thì nhà đầu tư sẽ rất quan tâm đế vấn đề minh bạch tài chính và khả năng quản lý tài chính doanh nghiệp.

      Ở Việt Nam, không hiếm trường hợp các doanh nghiệp hạch toán ghi nhận các giao dịch không phù hợp, từ đó dẫn đến những thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp khi lên sân khấu gọi vốn có thể thổi phồng về hiệu quả hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đến khi nhà đầu tư thực sự thẩm định thì lại rất thiếu các cơ sở cần thiết.

      Các doanh nghiệp thường sẽ chỉ có một hoặc một vài nhà đầu tư để gọi vốn, nhưng đối với các nhà đầu tư thì đó là công việc đi săn hàng ngày của họ. Những lỗi về không minh bạch về tài chính đều lặp lại ở các doanh nghiệp khác nhau, nên không khó để các nhà đầu tư nhận ra điểm yếu của doanh nghiệp trong quá trình thẩm định. Những mập mờ và không rõ ràng trong hệ thống tài chính của doanh nghiệp càng khiến cho việc đối thoại của họ với các nhà đầu tư đi vào bế tắc.

Thay đổi nhận thức về hệ thống quản lý tài chính

Chương trình Shark tank, cũng như sự mở rộng hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, đã tạo ra cơ hội lớn cho những startup với các mô hình kinh doanh độc đáo có thể tiếp cận được nguồn vốn lớn một cách nhanh chóng, thay vì phải phụ thuộc vào vốn của các nhà sáng lập hay vốn của ngân hàng.

      Tuy nhiên, việc kêu gọi các nhà đầu tư bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc quản lý nguồn vốn không chỉ gói gọn trong phạm vi bạn bè, gia đình và người quen như trước đây, mà là phải làm việc với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nó cũng giống như quá trình hội nhập. Để có thể bơi ra biển lớn thì đòi chúng ta phải đầu tư và chuẩn hóa các hệ thống vận hành của mình. Việc hoàn thiện hệ thống không chỉ dừng lại ở mô hình kinh doanh, ý tưởng sản phẩm hay kênh phân phối, mà nó đòi hỏi một sự hoàn chỉnh của hệ thống kinh doanh theo các tiêu chuẩn hiện hành.

      Hệ thống tài chính – kế toán chuẩn và chuyên nghiệp không những giúp doanh nghiệp quản trị tốt hoạt động nội bộ mà còn giúp doanh nghiệp thể hiện khả năng quản trị vốn bài bản – một yếu tố rất quan trọng để nhà đầu tư có thể đánh giá khả năng quản lý nguồn vốn tốt của doanh nghiệp.

      Những doanh nghiệp đầu tư cho hệ thống theo dõi sổ sách kế toán chuẩn chỉnh sẽ có những lợi thế rất lớn so với các doanh nghiệp khác trong hành trình tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Hơn nữa, nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều cho các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư hệ thống tài chính một cách chỉnh chu, vì đó là yếu tố tiền đề cho sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn.

      Nhà đầu tư dù giàu có đến mấy thì cũng sẽ muốn đồng vốn của họ có thể phát triển ở nơi nguồn vốn được quản lý minh bạch nhất. Do đó, nhìn ở góc độ tích cực thì những con số giải ngân thấp nói trên có thể giúp cho startup thấy một bức tranh thực tế không dễ dàng trong việc gọi vốn. Nếu nhận thức tốt về điều đó thì nó sẽ có thể tạo ra một động lực lớn để các startup bắt đầu đầu tư chuẩn chỉnh cho hệ thống tài chính kế toán của mình.

Saigontimes, 06/2022