Thế hệ phá băng

      Thành phố Hồ Chí Minh đã dần mở cửa từ ngày 01.10 sau giai đoạn giãn cách 4 tháng vừa qua. Dịch bệnh như loại thuốc thử cho các nền kinh tế trên thế giới, giúp chúng ta có cơ hội để nhìn lại các điểm mạnh và yếu đối với xã hội ở mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, dịch bệnh đó cho chúng ta thấy rõ những vấn đề trong xã hội mà thế hệ chúng ta cần phải giải quyết trong thập niên sắp tới, không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả thế hệ mai sau.

Tóm lược:

  • Mức độ phát triển chất lượng cuộc sống của người dân sẽ hoàn toàn được cái thiện rất nhiều trong dài hạn nếu như chúng ta có thể tự chủ được bốn trụ cột trong xã hội.
  • Việt Nam cần có một thế hệ hy sinh, giống như những gì mà những thế hệ đó đã làm tại Hàn Quốc và Nhật Bản để có thể trở thành cường quốc kinh tế như hiện nay.
  • Dịch bệnh một lần nữa đem đến những cơ hội để cùng nhìn lại các vấn đề để thế hệ chúng thay đổi hoặc để mặc những vấn đề đó đè năng lên vai thế hệ sau

Khả năng tự chủ nguồn lực

      Chúng ta có thể thấy được rõ nhất là khả năng tự chủ y tế quốc gia quan trọng như thế nào trong giai đoạn dịch bệnh. Mặc dù Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh trong năm 2020, nhưng hệ thống y tế bắt đầu bộc lộ những hạn chế trước biến chủng Delta, từ việc chủ động nguồn cung vắc-xin cho đến sự quá tải đối với hệ thống y tế trong việc chống chọi với số ca nhiễm và tử vong. Điều này cho thấy lĩnh vực y tế của chúng ta đang được đầu tư quá thấp so với nhu cầu cần thiết của xã hội, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn này.

      Bên cạnh y tế, xã hội hiện tại có thêm ba vấn đề cơ bản là trụ cột quyết định mức độ phát triển chất lượng cuộc sống của các gia đình trong dài hạn là thực phẩm, giáo dục và tài chính cá nhân. Số ca ung thư của Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới với hơn 120 ngàn người chết mỗi năm, chất lượng giáo dục vẫn luôn là vấn đề khiến năng suất lao động của Việt Nam đã gần như thấp nhất ASEAN, hay như việc những vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền luôn thường xuyên xảy ra trong xã hội.

      Chúng ta cũng không nên chỉ đổ vấn đề này cho trách nhiệm của Chính phủ vì đây gần như là trách nhiệm của mỗi người dân và tổ chức trong xã hội để góp phần xây dựng một quốc gia cường thịnh. Quốc gia cường thịnh không phải được thể hiện thông qua bởi chỉ số tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu hút vốn FDI, hay tăng trưởng xuất khẩu, mà nó bởi chính các yếu tố cơ bản liên quan đến dân sinh nói trên. Mục tiêu cuối cùng của chính sách kinh tế hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân chứ không phải các con số tăng trưởng kinh tế vô hồn. Những nút thắt trên trở thành những tảng băng lớn cần được phá để xã hội có thể phát triển.

 

Những điểm yếu cơ bản trong cấu trúc

      Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nhưng chưa bao giờ vấn đề thực phẩm và chất lượng thực phẩm lại trở thành hồi chuông cảnh báo đến như vậy. Phần lớn các doanh nghiệp trong xã hội đang chạy theo các hoạt động thương mại mà không chú trọng sản xuất, dẫn đến thị trường trong nước tràn lan các sản phẩm nước ngoài với chất lượng không được kiểm chứng. Theo báo cáo của Spendmenot thì đến năm 2020 chúng ta vẫn chưa có một thương hiệu sản xuất đạt tầm quốc tế hay khu vực. Trong khi đó, hàng vạn hộ nông dân trong đợt giãn cách đã không thể tìm được nguồn đầu ra đã phải đổ bỏ nông sản, qua đó cũng phơi bày những hạn chế trong hạ tầng logistics.

      Mỗi năm, hàng vạn sinh viên Việt Nam du học tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng phần lớn những trí thức đó không quay về phục vụ quê hương. Điều này không những khiến cho quốc gia lãng phí ngoại tệ, chảy máu chất xám mà còn làm cho nguồn lực trong nước ngày càng cạn kiệt cho các kế hoạch phát triển quốc gia. Như vậy, dường như tinh hoa người Việt sẽ có khả năng phải học về lịch sử Mỹ và Châu Âu nhiều hơn lịch sử Việt Nam. Chúng ta đều mong muốn con cái sẽ có một cuộc sống tốt hơn nhưng liệu đó có phải là kết cục cuối cùng mà chúng ta mong muốn cho thế hệ mai sau hay không?

Chúng ta cần một thế hệ phá băng

      Câu chuyện của Việt Nam gợi nhớ cho chúng ta rất nhiều về những gì mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã trải qua ở những năm 50 - 60 của thế kỷ trước khi vươn lên cường thịnh từ một quốc gia nghèo nàn như thế nào và đâu là sự khác biệt trong câu chuyện của Việt Nam.

      Xã hội chỉ phát triển khi các giai tầng đều phát triển chung sức vì những mục tiêu chung dưới sự định hướng của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân. Nhật Bản và Hàn Quốc đã trải qua hàng thập niên tập trung đoàn kết và sản xuất trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia và trở thành cường quốc kinh tế. Lịch sử của họ đã trải qua hai thế hệ mất mát, đó là những người Nhật và người Hàn 70 tuổi đến 80 tuổi ngày nay, những người đã chịu nhiều hy sinh để kiến tạo nên một Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển ngày nay. Những thế hệ này đã phải làm việc ngày đêm trong suốt hàng thập niên và miệt mài theo định hướng của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế. Do đó, họ duy trì một tinh thần dân tộc rất cao. Tinh thần dân tộc không thể hiện qua chỉ những trận đấu bóng đá mà thể hiện qua những hành động đơn giản trong cuộc sống của chúng ta về một định hướng quốc gia phát triển.

      Quy tắc hai thế hệ hy sinh này dường như cũng được áp dụng tốt cho nền kinh tế Singapore và Đài Loan trong quá trình kiến tạo quốc gia của họ. Vậy còn ở Việt Nam ai đã, đang và sẽ sẵn sàng trở thành thế hệ phá băng?

      Thế hệ phá băng sẽ được gì? Câu trả lời là không được gì ngoài đau thương, như những gì đã xảy ra với những thế hệ phá băng trước ở các quốc gia thành công. Tuy nhiên, điều mà những thế hệ phá băng tạo ra chính là nền tảng để các thế hệ sau phát triển. Khi các nguyên nhân nền tảng không được thay đổi thì kết quả chắc chắn sẽ không được thay đổi. Thế hệ phá băng sẽ chấp nhận những thử thách và thậm chí thất bại sẽ là một phần tất yếu của quá trình, nhưng những thất bại này sẽ là tiền đề để giảm thiểu thất bại của thế hệ sau.

      Câu chuyện của gia đình cũng tương tự như câu chuyện của quốc gia. Trong một gia đình nghèo khó để tạo dựng ra một khối tài sản ban đầu cũng vậy, sẽ cần sự hy sinh của hai thế hệ ban đầu, làm việc quần quật ngày đêm với hy vọng rằng thế hệ thứ ba có được nền tảng vững chắc để bắt đầu một cuộc sống có điều kiện và cân bằng hơn.

      Những gì thế hệ phá băng làm không phải là một điều gì quá to tát. Chúng ta chỉ cần làm tốt công việc trong chức trách của chúng ta.

Bảng: Sự khác biệt trong hành động của thế hệ phá băng và thế hệ cũ

Bây giờ hoặc không bao giờ…

      Dịch bệnh đã cho chúng ta một lần nữa thấy được cấu trúc nền kinh tế của chúng ta mong manh như thế nào. Hóa ra những dự án bất động sản hào nhoáng, những trung tâm thương mại và siêu xe đắt tiền chỉ là một bề nổi rất nhỏ của nền kinh tế. Chính khả năng tự chủ về các yếu tố cơ bản của con người mới là nguồn gốc đảm bảo sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

      Sau dịch bệnh, Việt Nam có thể một lần nữa trở thành điểm đến thu hút đầu tư của nước ngoài nhưng liệu rằng chúng ta sẽ tiếp tục chỉ dừng lại với những con số tăng trưởng hay thế hệ chúng ta sẽ sẵn sàng trở thành thế hệ phá băng để biến Việt Nam trở thành Nhật Bản và Hàn Quốc thứ hai sau này.

      Liệu bạn đã sẵn sàng để trở thành thế hệ phá băng đầu tiên? Hay bạn nghĩ thế hệ sau sẽ là người phải gánh vác điều đó thay chúng ta.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 06/10/2021