Thẩm định tài chính dưới góc độ ngân hàng
Ngân hàng là một ngành nghề huyết mạch tại Việt Nam trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế. Do đó khối lượng công việc hằng ngày của các nhân viên cấp tín dụng ở ngân hàng cũng sẽ rất bận rộn. Để có thể đạt được những chỉ tiêu kinh doanh thì các cán bộ tín dụng phải cố gắng tiếp cận càng nhiều khách hàng càng tốt nhưng đồng thời cũng phải cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro kỳ vọng từ các khoản vay của khách hàng. Nói một cách khác thì bạn phải có khả năng tốt trong việc thẩm định tài chính của khách hàng.
Tóm lược:
- Thẩm định tài chính khách hàng thông qua báo cáo tài chính và các con số tài chính vẫn là điều rất cần thiết
- Khi đánh giá kết quả kinh doanh cũng như hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp thì việc quan trọng nên đánh giá tính ổn định của doanh nghiệp đó
Khi phân tích về năng lực tài chính của khách hàng thì ngân hàng thường sẽ xem các báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng báo cáo tài chính là những con số ghi nhận những gì xảy ra trong quá khứ, nên cùng lắm thì chúng chỉ thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ. Trong khi đó, cái đang cần là đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp trong tương lai, khi mà họ cần phải hoàn trả tiền cho ngân hàng.
Có rất nhiều người trong các bạn không quan tâm đến đến việc phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp vì không thể tin tưởng được những con số tài chính không được kiểm toán (hoặc thậm chí cũng không tin tưởng những con số đã được kiểm toán) khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp trong việc ghi sổ kế toán hay thậm chí là các doanh nghiệp làm giả các sổ sách kế toán. Tuy nhiên, như tác giả John C. Maxwell đã có trích dẫn: “Đôi khi chúng ta không thể lựa chọn nơi chúng ta sinh ra, nhưng chúng ta được quyền chọn cách ứng xử”. Trong việc cho vay cũng vậy, đôi khi những sổ sách đó là tất cả những gì chúng ta đang có. Điều quan trọng là bạn phải biết tận dụng tốt những thông tin này để hiểu doanh nghiệp bạn đang cho vay càng nhiều càng tốt.
Các con số tài chính cho dù gian dối cũng có thể cho bạn những góc nhìn nào đó về vấn đề của doanh nghiệp. Các bạn thường sẽ quan tâm liệu nên phân tích chỉ số tài chính nào của doanh nghiệp nhưng chúng ta đều biết rằng những con số tài chính đều rất vô cảm, chỉ có những thông điệp đằng sau đó là điều bạn cần phải quan tâm mà thôi. Một số vấn đề sau đây về tình hình tài chính của doanh nghiệp mà bạn cần quan tâm dưới góc độ người cho vay.
Doanh thu - ổn định quan trọng hơn tăng trưởng
Thay vì đánh giá doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hay thấp thì bạn cũng nên quan tâm đến nguồn tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp là đến từ đâu. Việc một doanh nghiệp có doanh thu đến từ đa dạng nguồn khách hàng cũng giúp cho những con số tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trở nên có ý nghĩa hơn. Một doanh nghiệp xây dựng mà doanh thu chủ yếu đến từ một vài khách hàng thì cho dù doanh thu có tăng trưởng đều đặn hằng năm thì rủi ro biến động doanh thu của doanh nghiệp này cũng sẽ rất lớn trong tương lai. Trong môi trường mà vấn đề lãnh đạo hàng đầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay đổi liên tục thì việc thay đổi vị trí chủ chốt tại các công ty khách hàng đối tác có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định doanh thu của công ty.
Đã có rất nhiều phân tích về tình huống cổ phiếu ở đó những công ty có mức độ tăng trưởng càng nhanh và phụ thuộc vào một số khách hàng chủ chốt thì việc cho vay đối với những doanh nghiệp này sẽ rất rủi ro cho ngân hàng. Bạn nên nhớ rằng khi bạn cho vay thì mục tiêu quan trọng nhất của bạn là thu hồi được số vốn bạn đã cho vay chứ không phải là sự tăng trưởng của công ty. Do đó, đừng lạc quan quá nếu thấy doanh nghiệp bạn đang cho vay tăng trưởng nhanh nhé.
Việc một doanh nghiệp tập trung nhiều hoạt động kinh doanh vào một khu vực địa lý nhất định cũng có thể tạo ra rủi ro cho người cho vay. Ví dụ như các doanh nghiệp bất động sản ở những thời điểm các dự án đầu tư công và các dự án tư nhân trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh đều bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn đó sẽ khiến cho các dự án trong khu vực thành phố bị đình trệ so với dự kiến ban đầu. Việc đình trệ trong tiến độ bàn giao dự án có thể khiến cho khả năng quản lý dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản gặp vấn đề, từ đó dẫn đến rủi ro thanh khoản rất lớn. Nếu bạn có sự quan tâm nhất định đối với lĩnh vực bất động sản thì bạn sẽ hiểu được mức độ luân chuyển dòng vốn của các dự án quan trọng như thế nào đối với các doanh nghiệp bất động sản. Mỗi ngày dự án chậm tiến độ thì rất nhiều các chi phí hoạt động khác của doanh nghiệp vẫn diễn ra, cùng với đó là lãi vay trên những món vay hay hàng chục ngàn tỷ đồng vẫn đang phát sinh. Rõ ràng đối với các chủ đầu tư mà phần lớn doanh thu đang phụ thuộc vào các dự án trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh thì mức độ bị ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với những doanh nghiệp có nguồn doanh thu đa dạng trên nhiều khu vực địa lý. Sự sụt giảm trong hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản cũng đã phần nào ảnh hưởng đến triển vọng của thị trường chứng khoán, như bạn đã biết trong những chương trước là các cổ phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong quy mô cũng như giá trị thanh khoản của thị trường.
Lợi nhuận nhiều hay ít không quan trọng – ổn định vẫn là quan trọng hơn
Khi đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp vay chúng ta thường đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng chúng ta nên quan tâm không phải là mức sinh lời của doanh nghiệp mà là nguồn gốc của mức sinh lời đó đến từ đâu và nó có thể ổn định đến mức nào. Thông thường các doanh nghiệp có ký kết các hợp đồng đầu vào và đầu ra ổn định sẽ có một cấu trúc chi phí ổn định hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp mà mức độ sinh lời hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Một cấu trúc chi phí ổn định sẽ đảm bảo cho chúng ta một mức độ sinh lời ổn định trong tương lai. Tính tin cậy của các đối tác trong các hợp đồng của doanh nghiệp vay vốn cũng giúp chúng ta đánh giá năng lực tài chính của họ trong việc tuân thủ các hợp đồng đó như thế nào.
Thận trọng với những doanh nghiệp không tạo tiền ổn định
Về cơ bản thì chỉ khi doanh nghiệp có tiền họ mới có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho ngân hàng. Do đó một doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều vẫn không thể đảm bảo khả năng trả nợ nếu như có một sự khác biệt rất lớn giữa lợi nhuận và tiền của doanh nghiệp. Có một số mô hình kinh doanh có khả năng tạo tiền rất tốt, nhưng ngược lại cũng có những mô hình kinh doanh có khả năng tạo tiền rất tệ. Những ngành nghề như những ngành nhiệt điện và thủy điện, ngành tiêu dùng, ngành dược phẩm, … có khả năng tạo tiền tốt thì sẽ có khả năng thanh toán các khoản nợ ngân hàng một cách đáng tin cậy hơn, trong khi đó những ngành nghề như bất động sản, xây dựng hay vật liệu, sẽ có dòng tiền kém hơn rất nhiều.
Biểu đồ: Khả năng tạo tiền của các ngành nghề
Để đánh giá mức độ tạo tiền của doanh nghiệp thì người ta sẽ đánh giá mức độ ổn định trong dòng tiền ròng của doanh nghiệp. Dòng tiền ròng của doanh nghiệp thể hiện dòng tiền doanh nghiệp còn lại sau khi tính các nhu cầu gia tăng hàng tồn kho hay tài sản cố định. Việc lập tỷ số giữa dòng tiền ròng của doanh nghiệp so với doanh thu để so sánh giữa các ngành nghề khác nhau. Những ngành nào có khả năng tạo tiền tốt sẽ có dòng tiền ròng còn lại cao, và đây là điều mà các ngân hàng cần phải quan tâm khi đánh giá khách hàng vay nợ từ các ngành nghề khác nhau.
Do đó những ngành nghề mà có thể gia tăng nhiều hàng tồn kho hay phải đầu tư mở rộng liên tục thì cần được xem xét thận trọng. Cũng giống như khi cho một ai đó vay tiền, nếu người đó ít có nhu cầu trong việc chi tiêu thì việc hoàn trả nợ sẽ cao hơn. Còn nếu họ có thói quen phải sắm sửa định kỳ khi thu nhập của họ gặp vấn đề thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng trả nợ của họ.
Nói tóm lại, việc thẩm định tài chính cho khách hàng dưới góc độ của ngân hàng sẽ có rất nhiều vấn đề cần được quan tâm và lưu ý. Một cán bộ tín dụng của ngân hàng phụ trách vấn đề thẩm định năng lực tài chính của khách hàng để cho vay sẽ cần biết và nắm rõ các yếu tố cơ bản trong việc xem xét khả năng trả nợ của khách hàng để có thể đưa ra những nhận định và đánh giá đúng đắn, khách quan nhất, đảm bảo cân đối giữa mục tiêu của khách hàng cũng như lợi nhuận và rủi ro kỳ vọng của ngân hàng khi chấp nhận cho vay.