Tại sao nền nông nghiệp Việt Nam kém phát triển?

       Vấn đề cải cách tại các quốc gia Đông Nam Á không thực sự triệt để, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thực tế sau giai đoạn cải cách kinh tế 1986 thì Việt Nam đã có những bước tiến rất dài trong việc cải cách nông nghiệp và ruộng đất tại khu vực nông thôn. Việc thừa nhận quyền sử dụng hoàn toàn của người dân trên các khoản đất nông nghiệp được giao đã giúp gia tăng các tài sản của người dân có thể dùng trong hoạt động sản xuất cũng như tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Từ đó góp phần khai thông dòng vốn tín dụng vào trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tóm lược:

  • Việc thừa nhận chế độ tư hữu đối với tư liệu sản xuất đã tạo tiền đè cho sự phát triển của hệ thống của ngân hàng thương mại.
  • Chính phủ tập trung nguồn thực vào việc phát triển một nền công nghiệp quá sớm thay vì tập trung phát triển một nền nông nghiệp hiện đại
  • Dòng vốn FDI từ nước ngoài vẫn chỉ đang hướng vào lĩnh vực sản xuất trong khi đó lĩnh vực nông nghiệp giàu tiềm năng của Việt Nam lại thu hút dòng vốn hết sức hạn chế

       Theo thời gian thì thời gian giao đất của chính phủ đối với đất nông nghiệp được tăng dần từ 20 năm lên thành 50 năm. Việc quyền sử dụng đất được kéo dài và đảm bảo khiến cho người dân yên tâm sản xuất và tích lũy tài sản cũng như đầu tư vào phát triển các cơ sở sản xuất của mình.

       Việc thừa nhận chế độ tư hữu đối với tư liệu sản xuất đã tạo tiền đề cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại. Trước năm 1986 thì Việt Nam theo chế độ hệ thống ngân hàng 1 cấp ở đó Ngân hàng Nhà Nước vừa thực hiện chức năng quản lý vừa thực hiện chức năng phân phối nguồn vốn. Do đó, nguồn vốn được phân phối chủ yếu dựa trên các mệnh lệnh hành chính của chính phủ hơn là được phân phối theo cơ chế thị trường.

       Sau năm 1986 thì hệ thống ngân hàng được thay đổi theo hướng tách biệt chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước và chức năng kinh doanh của các ngân thương mại. Khi đó bốn ngân hàng thương mại lớn nhất bây giờ là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank được thành lập. Vài năm sau đó là sự ra đời của rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Số liệu thống kê cho thấy chỉ từ năm 1991-1994 đã có hơn 30 ngân hàng thương mại tư nhân được thành lập. Tuy nhiên trong giai đoạn này hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn từ các ngân hàng quốc doanh.

Biểu đồ: Số lượng ngân hàng tại Việt Nam những năm 1990

       Sự ra đời của hệ thống ngân hàng thương mại cùng với những cải cách trong nông nghiệp và việc tư hữu quyền sử dụng đất đã giúp cho tăng trưởng tín dụng tăng trưởng nhanh chóng. Việc khơi thông được dòng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp đã giúp sản lượng và năng suất lúa của Việt Nam đã thay đổi rất đáng kể, góp phần đưa Việt Nam từ trước năm 1986 phải nhập khẩu lương thực dần trở thành một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Biểu đồ: Những thành tựu kinh tế sau cải cách nông nghiệp

       Tuy nhiên, thay vì tiếp theo nên tiếp tục đẩy mạnh cải cách nông nghiệp để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại thì chính phủ lại hướng nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp nặng quá sớm. Các nước sau khi tiến hành chia ruộng đất lại cho nông dân thì chính phủ tiếp tục thực hiện các hoạt động bơm vốn cho khu vực nông nghiệp thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả các hình thức trợ cấp nông nghiệp. Bởi vì sau giai đoạn đầu phát triển mặc dù đã góp phần cải thiện đáng kể năng suất nhưng với sự bắt đầu phát triển của các khu công nghiệp thì sẽ làm cho thu nhập của khu vực thành thị nhanh chóng vượt qua khu vực nông thôn. Việc thiếu các chính sách định hướng để phát triển các nền nông nghiệp quy mô lớn hơn, hiện đại hóa hơn sẽ khiến cho người dân rời bỏ dần khu vực nông thôn. Từ đó dẫn đến việc nông nghiệp chưa được cơ giới hóa hoàn chỉnh đã tạm dừng, sau đó nền nông nghiệp của Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng phần lớn là các sản phẩm nông nghiệp thô, ít qua sơ chế để xây dựng một chuỗi ngành công nghiệp phụ trợ.

       Nhìn từ góc độ vĩ mô chúng ta cũng sẽ thấy mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn thấp hơn hẳn so với khối ngành sản xuất và dịch vụ. Tỷ lệ đóng góp vào mức tăng trưởng GDP hằng năm của nông nghiệp cũng thấp hơn nhiều so với các nhóm ngành nghề khác.

Biểu đồ: Tốc độ tăng trưởng các khu vực kinh tế năm 2018

Khi dòng vốn bị nghẽn ở thượng nguồn

       Dòng vốn FDI từ nước ngoài vẫn chỉ đang hướng vào lĩnh vực sản xuất trong khi đó lĩnh vực nông nghiệp giàu tiềm năng của Việt Nam lại thu hút dòng vốn hết sức hạn chế. Nhìn vào danh mục cho vay của các ngân hàng thì chúng ta cũng có thể thấy nguồn vốn chảy vào nông nghiệp thấp như thế nào. Tổng nguồn vốn vay mà các ngân hàng giải ngân cho các phương án và dự án kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3%, trong khi đó con số trên cho sản xuất công nghiệp là trên 50%.

Biểu đồ: Nguồn vốn xã hội đầu tư cho nông nghiệp

       Chính phủ cũng có rất nhiều đề xuất với các gói cho vay ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng thực tế thì con số giải ngân còn rất thấp so với nhu cầu thực tế từ nông nghiệp nông thôn. Phần lớn các dự án vay ưu đãi cho nông nghiệp nông thôn phải thỏa điều kiện là nông nghiệp với công nghệ tiên tiến và được đầu tư bài bản. Tuy nhiên, với những tiêu chí đó thì phần lớn nguồn vốn sẽ không thể đến tay được người nông dân. Có lẽ không quốc gia nào có một nền nông nghiệp thuận lợi như Việt Nam nhưng nông dân lại liên tục yêu cầu được giải cứu như thời gian vừa qua khi chúng ta hết giải cứu heo rồi đến giải cứu dưa hấu trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018.

       Tóm lại phần lớn các trở ngại đều đang bị nghẽn lại ở vấn đề nguồn vốn mà vấn đề chính của việc nguồn vốn không thể được khơi thông đó là chúng ta đã chưa tiến hành cải cách nông nghiệp một cách toàn diện. Việc thất bại trong cải cách nông nghiệp đã cũng là nguyên nhân khiến các quốc gia Đông Nam Á thất bại trong việc thực hiện các mô hình kinh tế. Nếu như Philippines thất bại là do người nông dân sau khi được chia ruộng đất không được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn dẫn đến việc cuối cùng đất đai được phân chia cũng quay trở lại địa chủ như ban đầu thì tại Việt Nam, việc phân chia ruộng đất cho nông dân cũng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Dù với cách làm khác nhau nhưng nền nông nghiệp của hai nước vẫn ở mức lạc hậu và không thể trở thành nền tảng cơ bản để có thể phát triển nền công nghiệp.