Nợ vay và câu chuyện của doanh nghiệp
Sử dụng nợ vay là một trong những giải pháp tài chính mà đa số các doanh nghiệp đều lựa chọn trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nợ vay giúp doanh nghiệp giải quyết được các nhu cầu thiếu vốn, làm tăng mức sinh lời cho doanh nghiệp trong điều kiện sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, đây sẽ là “con dao 2 lưỡi” nếu doanh nghiệp không có những phương pháp quản lý tốt khoản nợ vay cho doanh nghiệp mình.
Tóm lược:
- Nợ vay ngân hàng giúp “nuôi sống” các doanh nghiệp trong nền kinh tế và câu chuyện về các khoản nợ vay của Hòa Phát
- Mặt trái của nợ vay nếu doanh nghiệp không có những phương pháp quản lý và sử dụng nợ vay hiệu quả thì sẽ là hệ lụy xấu cho doanh nghiệp
- Câu chuyện thực tế trong việc quản lý và sử dụng nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai
Nợ vay ngân hàng thực sự đã giúp cho nền kinh tế tạo ra những tập đoàn kinh tế lớn chỉ trong một thời gian ngắn. Top 10 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đã gia tăng quy mô của mình gấp 2.25 lần chỉ trong thời gian 5 năm qua. Thống kê cho thấy nợ vay của các doanh nghiệp này đã tăng từ 72,000 tỷ đồng lên mức lên 165,000 tỷ đồng trong cùng thời gian. Rõ ràng không phải là nói quá khi cho rằng chính hệ thống ngân hàng đang “nuôi sống” cho các doanh nghiệp.
Hòa Phát có lẽ là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến trong những năm qua. Với sự phát triển của mình thì Hòa Phát đã tạo ra một đế chế khổng lồ trải dài trên rất nhiều các lĩnh vực từ buôn bán các loại máy xây dựng, nội thất, thép, điện lạnh và bất động sản. Tổng tài sản của Hòa Phát đã tăng gấp 3.5 lần trong những năm qua trong khi đó số nợ của Hòa Phát đã gia tăng thêm từ 6,747 tỷ đồng lên 24,306 tỷ đồng.
Nợ nâng tầm doanh nghiệp nhưng cũng chính nợ sẽ hủy diệt doanh nghiệp nếu như chúng ta không thực sự quản lý tốt chúng. Đã rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh ổn định nhưng sau khi tăng nợ để mở rộng thị trường thì đã bắt đầu lâm vào khó khăn. Khi hoạt động kinh doanh khó khăn thì nợ làm cho tình hình của doanh nghiệp trầm trọng hơn rất nhiều.
Theo thống kê của thị trường chứng khoán từ năm 2015 đến 2017 thì thị trường chứng khoán đã chứng kiến gần 50 doanh nghiệp phải hủy niêm yết khỏi sàn HOSE. Nếu loại trừ các doanh nghiệp hủy niêm yết vì những lý do khác như chuyển sàn, bị thâu tóm, hủy niêm yết tạm thời thì phần lớn các doanh nghiệp bị hủy niêm yết còn lại đều liên quan đến hiệu quả của việc sử dụng nợ vay. Sau đây là dữ liệu của danh mục gồm 38 doanh nghiệp hủy niêm yết vì lý do nêu trên.
Biểu đồ: Nợ vay và hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp hủy niêm yết
Bạn có thể thấy phần lớn các doanh nghiệp này đều có đặc điểm là đã tăng mức vay nợ lên rất nhiều cả về mức tuyệt đối và mức tương đối so với vốn tự có của họ. Trong khi đó mô hình kinh doanh của những doanh nghiệp này lại không thể tạo ra một nguồn thu và lợi nhuận ổn định để có thể trang trải các chi phí lãi vay cũng như thanh toán các khoản nợ khi đến hạn. Khi bạn hoạt động kinh doanh bằng nguồn vốn của mình thì bạn có thể lỗ trong nhiều năm vẫn không sao cả, tuy nhiên nợ vay không cho bạn có nhiều cơ hội để có thể chịu đựng và phục hồi. Những người cho vay thường không có đủ kiên nhẫn để chờ đợi một doanh nghiệp đang gặp khó khăn, điều họ mong muốn chỉ là nhanh chóng thu hồi lại nguồn vốn và rút đi. Do đó, khi bạn gặp khó khăn thì họ sẽ tập trung vào việc làm sao để thanh lý những tài sản mà bạn đang có để thu hồi lại phần nào nguồn vốn vay. Họ sẽ nhanh chóng đẩy bạn đến bờ vực phá sản.
Đối với các doanh nghiệp còn lại trên sàn chứng khoán thì cũng rất nhiều doanh nghiệp vốn đang có hoạt động kinh doanh rất tốt nhưng đã trở nên suy sụp sau khi tiến hành sử dụng nợ vay để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoàng Anh Gia Lai (Mã cổ phiếu HAG) có lẽ là một trong những câu chuyện kinh điển về việc quản lý tài chính không tốt đã ảnh hưởng đến giá trị của công ty như thế nào. Trong giai đoạn năm 2012 - 2016 thì doanh thu của HAG từ báo cáo tài chính vẫn đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trái ngược với lại những diễn biến tích cực từ tình hình kinh doanh thì giá cổ phiếu HAG đã giảm mất 70% trong giai đoạn đó.
Biểu đồ: Giá cổ phiếu và mức kết quả kinh doanh của công ty HAG
Điều gì đang xảy ra khi giá trị công ty đã sụt giảm nghiêm trọng như vậy? Một điểm đặc biệt trong giai đoạn này là nợ của Hoàng Anh Gia Lai đã gia tăng liên tục để tài trợ cho hoạt động đầu tư mở rộng của công ty sang lĩnh vực nông nghiệp. Liệu có phải nợ của công ty chính là yếu tố khiến cho giá cổ phiếu đã sụt giảm như thế? Khi bạn vay nợ thì giá trị của khoản nợ nhiều hay ít không quan trọng, tỷ lệ đòn bẩy của bạn đôi khi cũng không phải là một yếu tố tiên quyết quan trọng mà khả năng trả nợ của bạn mới là vấn đề cần được quan tâm. Khả năng trả nợ của một doanh nghiệp được đo lường bởi dòng tiền tạo ra hằng năm của doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh. Dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng giống như dòng thu nhập của cá nhân. Miễn là tiền lương của bạn vẫn đủ để trả góp tiền vay nợ mua nhà trả góp từ ngân hàng thì cuộc sống sẽ vẫn tươi đẹp với bạn.
Biểu đồ: Mức gia tăng nợ và dòng tiền của HAG
Quay trở lại trường hợp của HAG, khi mà dòng tiền của doanh nghiệp tạo ra không đáng kể, có nghĩa là phần lớn hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đang được tài trợ hoàn toàn bằng nợ vay ngân hàng. Dòng tiền hoạt động kinh doanh không tốt trong suốt một thời gian dài sẽ cho thấy một vấn đề về khả năng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Khi khả năng trả nợ của doanh nghiệp trở thành một dấu hỏi lớn trong khả năng tồn tại của doanh nghiệp thì nhà đầu tư sẽ bắt đầu rời bỏ cổ phiếu và các đợt bán tháo bắt đầu diễn ra.
Đâu là vấn đề cốt lõi trong khả năng quản lý tài chính của Hoàng Anh Gia Lai? Không thể nào chúng ta nói họ không có năng lực mà bởi vì nếu không có năng lực thì sẽ không thể tạo được cả một tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai như vậy. Tôi muốn các bạn nhìn vào các tình huống của chúng ta ở đây theo một cách nhìn thật tích cực và học hỏi thay vì một thái độ phán xét đúng sai. Trong kinh doanh dù bạn có một kế hoạch kinh doanh thật tuyệt vời thì bạn vẫn có thể thất bại khi môi trường kinh doanh thay đổi, làm cho những kỳ vọng ban đầu của bạn về cơ hội đầu tư đã không còn đúng nữa.
Thực tế khi đó Hoàng Anh Gia Lai sau một giai đoạn thành công với các dự án bất động sản đã bắt đầu nhìn thấy những rủi ro từ sự bão hòa của thị trường bất động sản đồng thời thấy được những cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên nghiệt ngã thay, khi Bầu Đức phát triển các dự án cao su tại Campuchia và Lào thì cao su đang ở mức giá cao ngất ngưỡng lại giảm mạnh khiến cho các dự án cao su trở nên không khả thi. Từ đó dẫn đến việc Hoàng Anh Gia Lai rơi vào vòng xoáy nợ, ngày càng nợ chồng nợ. Những hoạt động đầu tư không an toàn với phần lớn là nguồn nợ vay cộng với điều kiện thị trường không thuận lợi có thể biến mọi thứ thành thảm họa, thậm chí với cả những doanh nghiệp uy tín nhất.
Không chỉ có Hoàng Anh Gia Lai mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng gặp phải những trường hợp tương tự trong hoạt động kinh doanh của mình. Mấu chốt của những vấn đề này nằm ở cách mà các doanh nghiệp quản lý và sử dụng nợ vay. Chúng ta có thể sử dụng nợ vay để gia tăng hiệu quả và mức sinh lời, nhưng đừng “biến” nợ vay trở thành mối nguy hại dẫn đến những kết quả không mong muốn cho chính doanh nghiệp của mình.