Đằng sau các con số tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, nền kinh tế thế giới đã rơi vào một màu đen u tối bởi sự gián đoạn thương mại và đứt gãy chuỗi cung ứng do các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh của chính phủ các nước. Việt Nam nổi lên như một ngôi sao sáng trên bầu trời đêm khi đạt mức xuất siêu kỷ lục với 19 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, đằng sau con số đó không thực sự như mọi người nghĩ.

Tóm lược:

  • Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu trên GDP gần như lớn nhất thế giới
  • Phần lớn giá trị xuất khẩu từ Việt Nam đến từ các doanh nghiệp FDI

          Không thể phủ nhận được những vai trò mà hoạt động xuất khẩu đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Quy mô của hoạt động xuất khẩu trên GDP ngày càng tăng qua các năm đã đóng góp tích cực vào việc đảm bảo tăng trưởng cho Việt Nam. Tuy nhiên, do nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên hoạt động nhập khẩu các máy móc thiết bị và đặc biệt là nguồn nguyên liệu đã gia tăng liên tục, thậm chí tốc độ tăng còn cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, qua đó đã làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại của Việt Nam trong suốt một thời gian dài.

Biểu đồ: Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam so với các quốc gia

          Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu trên GDP lớn nhất trên thế giới khi đứng thứ 8 trên hơn 200 quốc gia và tiêu chí này. Phần lớn các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các đảo quốc vốn không có nhiều điều kiện về việc phát triển công nghiệp nên các hoạt động thương mại chủ yếu đóng vai trò quan trọng. Qua đó có thể thấy được vai trò quan trọng của xuất khẩu cũng như quan điểm định hướng xuất khẩu của Việt Nam đã được xác định rõ trong định hướng phát triển quốc gia như thế nào.

          Tuy nhiên dù gia tăng về quy mô nhưng khi phân tích về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thì chúng ta có thể thấy rất nhiều các vấn đề liên quan đến quá trình phát triển công nghiệp của nền kinh tế.

          Điện thoại, điện tử và máy tính có giá trị xuất khẩu là 70 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn giá trị xuất khẩu các mặt hàng giá trị cao đến từ các doanh nghiệp FDI, trong đó các tổng công ty lớn như Samsung mỗi năm xuất khẩu đến hơn 60 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, tức là hơn 85% tổng giá trị hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam.

          Vấn đề ở đây đó là để sản xuất một điện thoại Samsung thì phần lớn các linh kiện đều phải nhập khẩu từ nước ngoài trong khi phần lớn các doanh nghiệp trong nước không thể sản xuất các linh kiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết. Do đó mặc dù giá trị hàng điện tử của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng phần lớn giá trị hàng nhập khẩu đến từ các doanh nghiệp FDI chứ không đến từ các doanh nghiệp trong nước.

          Tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI vào xuất khẩu đã tăng từ mức 20% năm 1998 lên đến gần 70% trong những năm gần đây. Điều đó có nghĩa là phần lớn các giá trị xuất khẩu tạo ra đang thuộc về các doanh nghiệp FDI. Hơn nữa khi các doanh nghiệp FDI xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam thì giá trị gia tăng cho Việt Nam là rất nhỏ khi người lao động Việt Nam được trả lương rất thấp so với giá trị tạo ra. Cộng với việc ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của các doanh nghiệp FDI nên phần lớn các nguyên liệu và thiết bị đều được nhập khẩu từ nước ngoài.

          Hãy lấy ví dụ về Apple xây dựng nhà máy sản xuất Iphone tại Trung Quốc, các bạn sẽ hiểu Việt Nam được gì khi Samsung xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại Samsung tại Thái Nguyên.

Biều đồ: Tỷ lệ đóng góp giá trị vào điện thoại Iphone theo thời gian

          Đối với người lao động Trung Quốc thì chi phí sản xuất chiếc điện thoại Iphone 3 mà bạn đang cầm chỉ chiếm 1.8% giá trị, trong khi đó hầu hết lợi nhuận đều thuộc về Apple. Phần lớn các thiết bị đầu vào đang được nhập khẩu từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp lắp ráp điện thoại di động tưởng chừng như là một ngành có giá trị gia tăng cao nhưng thực tế đối với các quốc gia đang phát triển hiện tại lại có giá trị rất thấp.

          Tình huống của Samsung đối với Việt Nam cũng tương tự. Điện thoại Samsung tuy ‘Made in Vietnam’ nhưng người Việt hiện chỉ đóng góp rất nhỏ, linh kiện Việt mới ở vỏ hộp và dây nối. Tại Việt Nam lúc này chỉ có 27 doanh nghiệp Việt cấp 1 tham gia chuỗi cung ứng sản xuất điện thoại cho Samsung, còn lại là 80 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI.

          Đầu tiên là vỏ hộp điện thoại. Mỗi vỏ hộp có giá 2 đô la Mỹ, khi so với giá cả toàn bộ chiếc điện thoại là 1000 đô la Mỹ thì vỏ hộp chiếm 0.2% giá trị. Hiện tại cũng chỉ có đúng 2 doanh nghiệp Việt có cơ hội cung cấp vỏ hộp cho điện thoại Samsung làm ra ngay trên đất Việt Nam. Thế nhưng, họ lại phải cạnh tranh với 6 nhà cung cấp có vốn nước ngoài khác!!!

            Như vậy thực chất đằng sau con số xuất khẩu kỷ lục của Việt Nam, thì đa số đều là các sản phẩm công nghệ cao từ các doanh nghiệp FDI như Samsung, và chúng ta chỉ đóng góp vào khâu gia công lắp ráp – khâu có giá trị gia tăng thấp nhất. Trong những năm gần đây, tỷ lệ đóng góp của khối FDI ngày càng gia tăng trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, điều này có thể đem đến cho Việt Nam nhiều lợi thế nhưng cũng gia tăng mối nguy hiểm mang tính lệ thuộc quá nhiều vào khối FDI trong quá trình phát triển của Việt Nam.