Ngành tiêu biểu năm 2021: Ngành vật liệu trong xu hướng tăng giá toàn cầu

Tóm lược

  • Doanh nghiệp vật liệu gia tăng đầu tư tồn kho đón đầu xu hướng gia nguyên vật liệu thị trường Trung Quốc
  • Xu hướng đầu tư công quay trở lại, hỗ trợ doanh nghiệp vật liệu
  • Giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức cao

         Hoạt động tăng đầu tư của các doanh nghiệp vật liệu vẫn chủ yếu thực hiện gia tăng tồn kho để tận dụng xu hướng tăng giá nguyên liệu. Xu hướng tăng giá sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách thu mua nguyên liệu của Trung Quốc trong thời gian tới. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu ở thị trường Trung Quốc cũng đã gia tăng mạnh hoạt động đầu tư nhằm đón đầu xu hướng tăng giá trong dài hạn của các loại nguyên liệu.

         Các doanh nghiệp vật liệu của Việt Nam dù không được hưởng lợi trực tiếp từ việc sản xuất nguyên liệu. Tuy nhiên, với việc giá các loại vật liệu tiếp tục được duy trì ở mức cao trong thời gian tới thì khả năng kết quả kinh doanh trong 6 tháng cuối năm của các doanh nghiệp nhóm ngành này vẫn được duy trì. Cổ phiếu HPG của ngành thép tiếp tục sẽ là cổ phiếu được dành sự quan tâm lớn nhất trong ngành với hoạt động gia tăng cả quy mô và giá trị hàng tồn kho trong thời gian qua. Bên cạnh đó thì cổ phiếu NKG cũng có thực hiện gia tăng lớn lượng hàng tồn kho trong quý vừa rồi.

Biểu đồ: Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp ngành vật liệu

Hoạt động đầu tư công đã quay trở lại

         Hoạt động đầu tư công đã được kích hoạt lại và các kỳ vọng về điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp niêm yết ngành vật liệu đã được vẽ ra. Dựa trên các kế hoạch phát triển các dự án đầu tư công trọng điểm khu vực phía Nam thì tiềm năng tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp vật liệu vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó, việc giá các loại nguyên liệu được neo ở mức cao sẽ có thể giúp các công ty có thể tiếp tục duy trì biên lợi nhuận cao trong năm.

Biểu đồ: Ước tính chi phí vật liệu xây dựng cho 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Giá các loại nguyên vật liệu được duy trì ở mức cao

         Trong năm 2020, giá hầu hết các nguyên vật liệu trên thị trường thế giới đều tăng rất mạnh, đây là hệ quả của việc cắt giảm sản lượng do chuỗi cung ứng của các quốc gia bị gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19.

         Quốc gia xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới là Brazil đã phải cắt giảm sản lượng quặng sắt khiến cho nguồn cung thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đã khiến cho không những giá quặng sắt thế giới tăng vọt mà còn khiến cho giá thép phế tăng lên một cách nhanh chóng (thép phế là sản phẩm thay thế cho quặng sắt). Giá quặng sắt 62% giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMMEX) đã tăng 130% từ mức 77,92 USD/tấn đầu tháng 4/2020 lên mức 178,63 USD/tấn cuối tháng 5/2021.

         Mặt khác, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, nhiệm vụ phục hồi kinh tế Trung Quốc được đặt lên hàng đầu. Một trong những cách quốc gia này ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trước tình hình nguồn cung thép nội địa thắt chặt cùng với nhu cầu đang tăng cao, buộc Trung Quốc phải đẩy mạnh nhập khẩu ồ ạt từ thị trường thế giới, thúc đẩy giá thép thế giới tăng lên mức chóng mặt.

         Cuối cùng, việc Trung Quốc liên tục đẩy mạnh việc thu mua các loại nguyên liệu, từ nông sản cho đến khoáng sản đã làm cho giá của phần lớn các loại nguyên liệu trên toàn cầu đều gia tăng chóng mặt.

Biểu đồ: Diễn biến giá thép HRC giai đoạn 2016-Q1/2021

         Giá thép thế giới đã bắt đầu tăng mạnh kể từ quý 3 năm 2020. Cụ thể, giá thép cuộn cán nóng (HRC) giao dịch tại Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đã tăng 260% từ mức đáy 450 USD/tấn vào cuối tháng 8/2020 lên mức 1648 USD/tấn cuối tháng 5/2021.

         Trung Quốc vốn là thị trường sắt thép hàng đầu của Việt Nam cho nên nhu cầu Trung Quốc tăng cao sẽ giúp cho các nhà sản xuất thép tại Việt Nam được hưởng lợi. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2020 tăng 717,7% so với năm 2019 lên mức 3,54 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,48 triệu tấn, tăng 669,6% so với cùng kỳ năm trước.

         Trước bối cảnh đó, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đã tăng rất nhanh và bền vững trong giai đoạn từ đầu tháng 4/2020. Mặc dù giá cổ phiếu của nhóm ngành vật liệu đã tăng rất nhanh, chẳng hạn các doanh nghiệp đầu ngành như HPG và HSG đã tăng từ 4-8 lần kể từ đầu tháng 4/2020, nhưng mức định giá P/E và P/B của ngành thép Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn so với ngành thép các quốc gia khác trong khu vực.

Biểu đồ: Định giá ngành thép các nước trong khu vực (PE; EV/EBITDA; P/B)