CASA tiếp tục phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng

Tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng đã biến động mạnh trong ba năm qua. Sự biến động của tỷ lệ CASA không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các tiện ích thanh toán từ sự liên kết giữa ngân hàng và các tổ chức Fintech mà còn từ sự mở rộng mạnh mẽ của tín dụng, khi các ngân hàng có chiến lược khai thác dòng tiền một cách chủ động hơn để gia tăng tỷ lệ CASA.

CASA ngày càng trở nên quan trọng trong việc tối ưu hóa hoạt động của các ngân hàng, khi đây là nguồn vốn có chi phí thấp nhất. Xét về chi phí vốn COF, tăng CASA có thể giúp ngân hàng giảm bớt phụ thuộc vào nguồn tiền gửi có kỳ hạn, từ đó giảm bớt COF. Với chi phí vốn rẻ, ngân hàng có thể định mức lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay) cạnh tranh hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất cho vay được định hướng duy trì thấp như hiện nay để hỗ trợ cho nền kinh tế, tăng CASA có thể giúp ngân hàng giảm COF tương ứng để giữ ổn định biên lãi thuần NIM.

Theo truyền thống, CASA có thể tăng bằng các tiện ích hấp dẫn, từ đó thu hút dòng tiền thanh toán không kỳ hạn về hệ thống. Điều này ngày càng trở nên phổ biến và, do đó nhiều ngân hàng đã có chiến lược đa dạng, sáng tạo khác nhau để tăng CASA. Tiền gửi không kỳ hạn có thể được tăng cùng với lượng tiền cho vay giải ngân vào hệ thống. Ở đây, các khách hàng sẽ lưu giữ tiền vay họ được giải ngân dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn trong hệ thống ngân hàng. Nếu ngân hàng có chiến lược giữ dòng tiền giải ngân này tiếp tục luân chuyển trong hệ thống của chính ngân hàng đó, tỷ lệ CASA vẫn tiếp tục cải thiện song song với việc tăng trưởng tín dụng. Trong 2024, cả 2 hướng động lực từ tiện ích và sự cải thiện dòng tiền qua giải ngân cho vay đều hỗ trợ cho sự tăng trưởng của CASA.

Diễn biến CASA của ngành ngân hàng

Tại cuối quý 4, quy mô CASA đạt 2,476.7 nghìn tỷ đồng, tăng 328.4 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tốc độ tăng trưởng CASA đạt 15.29% so với cuối năm 2023, thấp hơn mức trung bình khoảng 18% trong 10 năm gần đây. Nguyên nhân chính khiến CASA tăng trưởng chậm lại là do dòng tiền gửi từ doanh nghiệp và cá nhân vẫn chậm cải thiện trong năm. Điều này thể hiện rõ qua tăng trưởng tổng tiền gửi của nền kinh tế, tính đến tháng 11.2024, đạt khoảng 6.7%—thấp hơn đáng kể so với mức 13.16% của năm 2023, và cũng gần như chạm đáy trong vòng một thập kỷ qua. Dù vậy, tỷ lệ CASA toàn ngành vẫn cải thiện nhẹ, từ 21.88% cuối năm 2023 lên 22.24% cuối năm 2024.

Việc đẩy mạnh các giải pháp số, thanh toán không dùng tiền mặt và tiện ích ngân hàng số trong những năm gần đây là động lực chính giúp CASA dần cải thiện. Bên cạnh đó, các ngân hàng bắt đầu đa dạng hóa chiến lược, không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn chú trọng khai thác tiềm năng từ mạng lưới khách hàng hiện hữu, tối ưu chuỗi giá trị khách hàng nhằm thúc đẩy dòng tiền luân chuyển trong hệ thống nội bộ. Điển hình là chiến lược tăng CASA dựa trên tín dụng, khi khách hàng vay vốn sử dụng khoản giải ngân để thanh toán cho một chủ nợ cũng là khách hàng tại cùng ngân hàng, số tiền này sẽ chuyển thành tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản của chủ nợ. Đây là một mắt xích quan trọng giúp CASA tăng trưởng song hành với tăng trưởng tín dụng.

Picture3-97

Tỷ lệ CASA trong năm 2024 tiếp tục có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng bán buôn và nhóm ngân hàng quốc doanh cải thiện CASA tốt nhất. Nếu bóc tách tỷ lệ CASA, nguyên nhân tăng tỷ lệ CASA của 2 nhóm này rất khác nhau. So sánh cuối 2024 với 2023, nhóm ngân hàng bán buôn có tốc độ tăng trưởng CASA ấn tượng, lên đến 18.71%, tăng trưởng tiền gửi của khách hàng cũng đạt con số tương tự, điều này giúp tỷ lệ CASA ổn định. Trong khi đối với nhóm ngân hàng quốc doanh thì tỷ lệ CASA tăng trưởng nhanh hơn tiền gửi khách hàng, với tốc độ lên đến gần 17% so với 12.5%, sự chênh lệch này phản ánh sự chuyển dịch trong cơ cấu tiền gửi trước bối cảnh lãi suất huy động của nhóm này thấp hơn hẳn từ 1% -1.5% so với các ngân hàng tư nhân.

Nhóm ngân hàng quốc doanh duy trì tỷ lệ CASA cao nhất, tăng từ 25% cuối năm 2023 lên 26% cuối năm 2024. Lợi thế về thương hiệu, mạng lưới rộng khắp và khả năng thu hút tiền gửi từ các tập đoàn kinh tế lớn tiếp tục giúp nhóm giữ vững vị thế. Việc đẩy mạnh tín dụng cho vay doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cũng đã góp phần rất đáng kể cho sự gia tăng nhanh tỷ lệ CASA của nhóm ngân hàng này. Nhóm ngân hàng bán buôn cũng ghi nhận mức CASA ổn định, đạt 23.54% cuối năm 2024. Trong khi đó, nhóm ngân hàng bán lẻ chứng kiến sự sụt giảm trong Q3/2024 trước khi phục hồi nhẹ lên 18.2% vào quý 4. Nhóm ngân hàng nhỏ khác thể hiện năng lực cạnh tranh kém hơn trong huy động tiền gửi không kỳ hạn, với tỷ lệ CASA dao động trong khoảng 6%-9% trong năm 2023 và năm 2024 và không được hưởng lợi từ xu hướng cải thiện CASA chung của ngành.

 

Diễn biến CASA của từng ngân hàng

Báo cáo tài chính năm 2024 cho thấy sự thay đổi đáng chú ý trong cuộc đua cạnh tranh tỷ lệ CASA giữa các ngân hàng. Đối với nhóm quốc doanh, VCB giữ vững vị trí số một với tỷ lệ CASA đạt 35.8% cuối Q4/2024, tăng đáng kể so với mức 33.9% của cùng kỳ năm trước. Lợi thế về tiện ích thanh toán và định hướng mảng ngân hàng bán lẻ giúp VCB duy trì khoảng cách đáng kể so với các ngân hàng khác trong nhóm. BID và CTG ghi nhận mức CASA lần lượt là 19.7% và 24.2%. Trong năm 2024, CTG đã tăng trưởng mạnh quy mô CASA đến 23%, nhờ định hướng tăng cường CASA và khai thác hiệu quả hệ sinh thái khách hàng. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp đóng góp 57.5% trong quy mô CASA, khách hàng bán lẻ đóng góp 42.5%.

Nhóm ngân hàng bán buôn tiếp tục duy trì tỷ lệ CASA cao và ổn định, với MBB và TCB dẫn đầu. Tỷ lệ CASA của MBB đạt 39.05% vào Q4/2024, trong khi TCB ghi nhận mức 37.35%, cả hai đều vượt trội so với các nhóm ngân hàng khác. TCB có tỷ lệ CASA nhờ vào hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp cùng các chính sách ưu đãi nhằm nâng cao mức độ gắn kết khách hàng hiện hữu. Điều này giúp TCB vươn lên trở thành ngân hàng có thị phần giao dịch cao nhất trong năm 2024. Trong khi đó, MSB, OCB và SHB dù có tỷ lệ CASA thấp hơn nhiều so với các ngân hàng hàng đầu trong nhóm, nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện trong cuối năm.

Picture4-45

Nhóm ngân hàng bán lẻ ghi nhận xu hướng tăng nhẹ tỷ lệ CASA từ Q3/2024 đến Q4/2024, sau khi một số ngân hàng suy giảm mạnh trong giai đoạn trước. ACB tiếp tục dẫn đầu nhóm với tỷ lệ CASA tăng từ 21.9% lên 22.5%. Động lực tăng trưởng CASA của ACB trong năm 2024 chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp, khi tỷ lệ CASA của doanh nghiệp đạt 44.4%, cao hơn đáng kể so với mảng bán lẻ chỉ ở mức 17.8%. Trong đó, CASA của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng 20%, còn nhóm doanh nghiệp lớn (MMLC) tăng đến 49%. Ngược lại, CASA từ mảng bán lẻ chỉ tăng 7%, tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng thấp của phân khúc này. 

TPB cũng duy trì tỷ lệ CASA khá cao, đạt 22.2% cuối năm 2024, nhưng giảm so với mức 22.7% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, VPB chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ 17.4% tại cuối năm 2023 xuống 14.1%, phản ánh sự cạnh tranh trong mảng thanh toán. Điều này thể hiện qua phần thuyết minh tài chính, khi doanh thu từ dịch vụ thanh toán và thu hút khách hàng của VPB (bao gồm LC, thanh toán quốc tế, nội địa và POS) giảm 18.6% so với cùng kỳ. 

CASA của nhóm ngân hàng nhỏ vẫn ở mức thấp và có sự biến động lớn giữa các quý. Các ngân hàng duy trì được tỷ lệ CASA cao trong nhóm gồm EIB và PGB, với tỷ lệ lần lượt là 14.72% và 14.63%, song cả hai ngân hàng đều cho thấy sự giảm nhẹ so với cuối 2023. Trong khi có đến 8/11 ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp hơn một nửa so với trung bình ngành (~ 20%), các ngân hàng nhỏ hơn như BAB, KLB hay SGB chỉ đạt tỷ lệ CASA dao động từ 3% đến 7%. Điều này cho thấy các ngân hàng này còn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh thu hút tiền gửi không kỳ hạn.

Tỷ lệ CASA trong năm 2024 tiếp tục phản ánh sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng, xu hướng cải thiện CASA trong hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng doanh nghiệp vẫn đang là động lực tăng trưởng tín dụng chính của ngành.  Các ngân hàng có lợi thế về mạng lưới, hệ sinh thái khách hàng và chiến lược khai thác dòng tiền hiệu quả sẽ tiếp tục nắm ưu thế trong cuộc đua CASA những năm tới.

Lê Hoài Ân, CFA

Nguyễn Thị Ngọc An - Wiresearch

Chia sẻ: