Ngành tiêu biểu năm 2015: Cổ phiếu ngành dệt may phá đỉnh trước tác động của các Hiệp định thương mại

Hiệp định tự do thương mại mở ra con đường mở ra con đường xuất khẩu mới cho doanh nghiệp dệt may trong nước. Các ưu đãi về thuế quan với các đối tác góp phần gia tăng lợi nhuận của doanh hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm dệt may. 

Tóm lược:

  • Xu hướng hội nhập và các hiệp định thương mại tự do tạo cơ hội cho ngành dệt may tăng trưởng.
  • Hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dệt may tăng trưởng mạnh nhờ ưu đãi thuế suất giữa các nước tham gia ký kết hiệp định.

Xu hướng hội nhập và các hiệp định thương mại

       Hiệp định thương mại hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam, nhanh chóng đưa sản phẩm trong nước đến các thương trường khó tính trên thế giới. Năm 2015, Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại quốc tế với Hàn Quốc. Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2015 cụ thể là từ ngày 20/12/2015 Hàn Quốc cam kết xóa bỏ 100% số dòng thuế với sản phẩm dệt may Việt Nam. Với VKFTA, doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam gia tăng được lợi nhuận đáng kể, vì Hiệp định giúp tháo bỏ rào cản thuế quan giữa các nước thành viên.        Ngoài ra, sự kỳ vọng vào Hiệp định TPP được ký kết vào năm 2016 cũng là động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành dệt may. Năm 2015, Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng gần 9% so với năm 2014, các thị trường trọng điểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Biểu đồ: Kim ngạch xuất khẩu dệt may giai đoạn 1986-2014

Cơ cấu đầu tư trong ngành

       Ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng ổn định nhưng phần lớn giá trị được tạo ra từ nhóm doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu. Giai đoạn 2014-2015, được coi là cao điểm thu hút FDI vào ngành dệt may. Tính riêng năm 2014 thì đã có 83 dự án FDI mới đổ vào Việt Nam với số vốn đăng ký 1,64 tỷ đô la, trong đó bao gồm 11 dự án sợi, 14 dự án dệt và 58 dự án may mặc. Đây là làn sóng dịch chuyển đầu tư dệt may để đón đầu các hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam tham gia trong thời gian tới.

       Vốn FDI đổ vào Việt Nam giai đoạn này đã có sự khác biệt so với các năm trước Vốn đầu tư cho từng dự án đặc biệt lớn hơn những năm trước đó, mặc dù số lượng dự án tuy ít, điển hình có dự án được cấp phép trong đầu 2015 lên tới 660 triệu đô la và không ít dự án hơn 300 triệu đô la.

       Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hoạt động gia công may mặc và các hoạt động mang lại giá trị gia tăng thấp. Số doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khép kín từ sản xuất, phân phối và tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 3%. Rào cản công nghệ, giá trị đầu tư ban đầu lớn và điểm yếu thiếu chủ động nguồn nguyên liệu đã khiến doanh nghiệp dệt may trong nước khó chuyển hướng kinh doanh sang phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn. Chính vì vậy, mặc dù Hiệp định thương mại hỗ trợ xuất khẩu, doanh nghiệp trong ngành có doanh thu gia tăng đáng kể nhưng biên lợi nhuận vẫn thấp.

Diễn biến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết

       Năm 2015 đánh dấu những bước tiến lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực và những hiệp định đang trong quá trình đi đến ký kết, đặc biệt hiệp định TPP. Chính những triển vọng trên đã giúp cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã có một năm tăng trưởng vượt trội.

       Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng vượt bậc là TNG, TCM, EVE, GMC… Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất sợi trong chuỗi cung ứng ngành dệt may cũng gặp không ít khó khăn dưới tác động của sự sụt giảm của giá dầu khiến các đơn đặt hành bị trì hoãn. Đồng thời, nhu cầu sợi của các nhà máy dệt tại Trung Quốc bị sụt giảm vì quy định bảo về môi trường của chính phủ cũng góp phần khiến doanh thu của các doanh nghiệp sợi sụt giảm trong đó điển hình có thể kể đến là STK.

Biểu đồ: Tăng trưởng doanh thu các doanh nghiệp ngành dệt may năm 2015

Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành

       Trong giai đoạn 2012-2014, ngành dệt may trong nước có mức huy động vốn rất thấp, cho thấy sự phát triển còn thấp và chưa vươn mình ra thị trường lớn. Tuy nhiên, đến năm 2015 ngành dệt may bắt đầu có bước chuyển mình khi dòng vốn đầu tư gia tăng mạnh trong năm. Kỳ vọng từ Hiệp định TPP như một động lực lớn thu hút khá nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào ngành dệt Việt Nam có giá trị đến trên 1 tỷ đô la như dự án mở rộng Global Dyeing (Hàn quốc), dự án sợi dệt TexHong (Hong Kong), dự án dệt kim Kam Hing (Hong Kong), dự án dệt kim Pacific (Hong Kong), dự án dệt thoi Younger (Trung quốc), dự án vải sợi màu Lu-Thai (Thái Lan), dự án TAL Hong Kong…

       Các doanh nghiệp nội địa cũng không ngừng gia tăng đầu tư mở rộng nhà máy và nâng cao năng suất. Một trong những doanh nghiệp có mức đầu tư lớn có thể điểm qua đó là STK và TCM lần lượt mở rộng nhà máy.

Biểu đồ: Tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp ngành dệt may

Diễn biến mức tăng trưởng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành

       Sau khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực và Hiệp định TPP chính thức thức thông qua thì giới đầu tư đặt khá nhiều kỳ vọng vào làn sóng của nhóm cổ phiếu dệt may trên sàn chứng khoán. Ngành dệt may luôn được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất từ TPP nhưng chưa cần đến tác động của TPP và FTA trong thời gian tới thì ngành dệt may đã có sự tăng trưởng doanh thu mạnh ngay từ khi gia nhập WTO với tốc độ tăng trưởng 17-18%/năm. Mức tăng trưởng dự kiến sẽ lên đến 25% sau khi gia nhập.

       Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng của các cổ phiếu dệt may diễn ra khá phức tạp trong năm. Trước ngày TPP thông qua vào 5/10/2016 thì phần lớn các cổ phiếu dệt may đều tăng trưởng rất tốt. Tính từ đầu năm 2014 đến thời điểm TPP thông qua thì cổ phiếu TNG đã tăng 160% trong khi mức tăng của TCM là gần 90% và mức tăng của GMC cũng đã là 53%. Tuy nhiên, các cổ phiếu bất ngờ quay đầu giảm mạnh khi thông tin chính thức được công bố. Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất TCM đã quay đầu giảm mạnh chỉ trong 2 tháng cuối.

       Diễn biến phức tạp của các cổ phiếu dệt may được quy cho việc các cổ phiếu dệt may đã tăng trưởng rất cao trong cả năm 2014 và phần lớn thời gian của năm 2015. Thực tế giá cổ phiếu đã phản ánh đủ những yếu tố kỳ vọng tích cực mang lại từ TPP cho ngành dệt may, do đó các hoạt động chốt lời mạnh đối với nhóm cổ phiếu này sau một thời gian dài tăng trưởng.

Biểu đồ: Kết quả tăng trưởng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dệt may