Nền kinh tế thực và thị trường chứng khoán Việt Nam

        Thị trường tài chính là một thể thống nhất không thể tách rời với hoạt động kinh tế thực vì nếu không có nền kinh tế thì không thể có thị trường tài chính, cũng như thị trường chứng khoán.

Tóm lược:

  • Mỗi nhà đầu tư cần có được một triể lý hay một phương pháp đầu tư để giúp bản thân cảm thấy tự tin và an tâm trong quá trình ra quyết định
  • Tồn tại một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa các hoạt động kinh tế thực và thị trường tài chính.
  • Chính phủ sử dụng hệ thống ngân hàng như là một kênh tạo động lực tăng trưởng và duy trì động lực tăng trưởng kinh tế ở mức cao
  • Cấu trúc thị trường vốn Việt Nam bị lệch, do đó nguồn vốn từ ngân hàng vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nhu cầu vay dài hạn của doanh nghiệp

       Mục tiêu cuối cùng của mọi trường phái đầu tư đều là giúp chúng ta gia tăng giá trị vốn đầu tư. Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư cần có một triết lý hay một phương pháp đầu tư để giúp bản thân cảm thấy tự tin và an tâm trong quá trình ra quyết định. Một ý nghĩa sâu xa hơn nữa của phương pháp đầu tư là có thể giúp chúng ta trưởng thành hơn sau mỗi giao dịch. Điều đó thể hiện qua việc triết lý và phương pháp đầu tư của chúng ta được rút ra từ trải nghiệm sống và quá trình chiêm nghiệm của chính bản thân trong quá trình phân tích đầu tư. Khi quá trình chiêm nghiệm thay đổi thì triết lý đầu tư của chúng ta cũng sẽ được điều chỉnh. Trong khi đó, quá trình thực chiến các triết lý đầu tư sẽ giúp bản thân chúng ta rút ra kinh nghiệm thực tế để làm giàu hơn sự trải nghiệm của chính mình. Với việc theo đuổi một triết lý đầu tư và một phương pháp đầu tư phù hợp, chúng ta sẽ cảm thấy trưởng thành hơn sau mỗi khoản đầu tư, đặc biệt là những khoản đầu tư thất bại.

       Để có thể xây dựng một phương pháp đầu tư tốt chúng ta cần phải có một nhận thức tốt về bản chất thực tế của những gì đang diễn ra trong thị trường đang đầu tư. Kế đến, việc thị trường tài chính có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết cũng là vấn đề chúng ta cần lưu ý. Cuối cùng, liệu những tác động thay đổi trong tình hình hoạt động của những doanh nghiệp này sẽ thay đổi như thế nào mức định giá của cổ phiếu của doanh nghiệp.

       Thị trường chứng khoán được xem là nơi cung cấp nguồn vốn dài hạn cho các doanh nghiệp. Thay vì đi vay ngân hàng thì các doanh nghiệp có thể phát hành những giấy tờ có giá ra công chúng. Những giấy tờ có giá trị này được gọi là chứng khoán bao gồm cả trái phiếu là giấy nhận nợ của doanh nghiệp và cổ phiếu là giấy chứng nhận quyền sở hữu một phần của doanh nghiệp. Như vậy, thị trường chứng khoán hàm ý bao gồm cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Tuy nhiên do thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước chưa phát triển, còn thị trường Trái phiếu Chính phủ chủ yếu được thực hiện giao dịch giữa các ngân hàng với nhau, nên sản phẩm tài chính phần lớn mọi người đang thấy ngoài thị trường chỉ là những cổ phiếu của doanh nghiệp.

       Thực tế, ở bất kỳ thị trường nào sẽ luôn luôn tồn tại một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa các hoạt động kinh tế và thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường vốn. Thị trường tài chính ra đời là từ yêu cầu và sự phát triển của nền kinh tế thực. Khi nền kinh tế thực cần nguồn vốn để có thể đẩy nhanh quá trình phát triển thì thị trường tài chính đóng vai trò là nguồn cung vốn. Trên thị trường tài chính có nguồn cung vốn ngắn hạn từ thị trường tiền tệ và nguồn cung vốn dài hạn từ thị trường vốn.

       Tùy vào mức độ phát triển của nền kinh tế thực mà thị trường tài chính có những mức độ phát triển tương ứng. Nếu như những hoạt động trong nền kinh tế thực đang có nhiều yếu tố sai lệch do những yếu tố phi thị trường sẽ khiến cho thị trường tài chính cũng có những sai lệch tương ứng. Ví dụ như ở thị trường Việt Nam, khi chúng ta bàn về vấn đề “Tại sao Việt Nam không có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển?”, có nghĩa là thị trường tài chính của Việt Nam đang bị lệch so với một thị trường tài chính hoàn chỉnh. Ở một thị trường tài chính phát triển bình thường sẽ có một kiềng ba chân giữa thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và thị trường ngân hàng để cung cấp nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp. Ở các ngân hàng chủ yếu tập trung vào cung cấp nguồn vốn ngắn hạn vì lý do cơ bản nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn được huy động từ dân cư. Thông thường, người gửi tiền chỉ thường gửi tiền kỳ hạn ngắn thay vì kỳ hạn dài. Do đó, sẽ phù hợp hơn khi ngân hàng là đơn vị chuyên cung cấp nguồn vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp dưới hình thức là những khoản vay vốn lưu động. Trong khi đó, những đơn vị nhu cầu vốn dài hạn sẽ tìm đến thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu.

       Tuy nhiên, khi cấu trúc nền kinh tế bị lệch, ở đó nguồn vốn ngân hàng vẫn đang tiếp tục tài trợ mạnh cho nhu cầu vay dài hạn của các các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn khi tiếp cận các khoản vay dài hạn từ những ngân hàng thương mại thì khi đó thị trường trái phiếu sẽ gặp khó khăn để phát triển. Lý do cơ bản có thể bắt nguồn từ việc nền kinh tế ở Việt Nam phát triển ban đầu với vai trò rất lớn của nhưng tập đoàn kinh tế Nhà nước. Khi đó hình thành một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa nền kinh tế Nhà nước với hệ thống ngân hàng thương mại, ban đầu là những ngân hàng thương mại quốc doanh. Điều này tạo nên một thói quen của doanh nghiệp khi nghĩ đến các giải pháp về nguồn vốn. Thậm chí sau khi quá trình tư nhân hóa diễn ra rất mạnh sau này thì nguồn vốn ngân hàng vẫn là nguồn vốn phổ biến nhất.

       Chính phủ sử dụng hệ thống ngân hàng như là một kênh tạo động lực tăng trưởng và duy trì động lực tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Mức tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam hàng năm được duy trì rất cao để có thể giữ mức tăng trưởng kinh tế mục tiêu, qua đó đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và an sinh xã hội Vì thế, với một nền kinh tế mà hệ thống ngân hàng giữ vai trò thống trị như vậy trong việc cung cấp nguồn vốn cả ngắn hạn và dài hạn đã khiến cho thị trường vốn của chúng ta phát triển không đồng đều. Chỉ có những doanh nghiệp rất lớn mới có thể phát hành được nguồn vốn trên thị trường chứng khoán để huy động vốn từ cổ phiếu. Ngược lại, những doanh nghiệp lớn đó cũng không mặn mà trong việc phát hành trái phiếu vì họ hoàn toàn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng với chi phí rẻ. Trong khi đó, không có gì đảm bảo rằng chi phí phát hành trên thị trường trái phiếu có thể rẻ hơn so với chi phí vay vốn từ hệ thống ngân hàng.

       Trong những giai đoạn gần đây từ 2016-2019, Chính phủ bắt đầu siết chặt về việc cho vay trung dài hạn của ngân hàng thương mại thông qua việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn có thể được sử dụng cho vay trung dài hạn. Khi đó, các ngân hàng bắt buộc phải cơ cấu lại nguồn vốn khi họ phải giảm tỷ trọng cho vay trung dài hạn xuống. Điều đó dẫn đến một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn trung dài hạn của ngân hàng. Ngân hàng phải sàng lọc hơn, khi đó những doanh nghiệp nào khó tiếp cận trong nguồn vốn trung dài hạn thì họ bắt buộc phải tìm đến thị trường trái phiếu, qua đó tạo ra những gia tăng đột biến trên thị trường trái phiếu trong cùng giai đoạn.

       Tuy nhiên, dựa vào thực tế bản chất của nền kinh tế thì nhu cầu vay vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp từ hệ thống ngân hàng vẫn chiếm vai trò chủ đạo và sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Chúng ta thấy rằng, khi hệ thống ngân hàng đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thì các ngân hàng thường có quy mô rất lớn. Với quy mô rất lớn của hệ thống ngân hàng như vậy dẫn đến phần lớn ngân hàng đều là những doanh nghiệp niêm yết có quy mô rất lớn trên các sàn chứng khoán. Quy mô vốn hóa lớn khiến tác động của sự biến động trong giá cổ phiếu ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng chung của thị trường.

       Đến đây, chúng ta cũng hoàn toàn có thể lập luận tại sao tỷ trọng vốn hóa của các cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ lại không lớn như so với cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở Việt Nam, tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng lên đến 30% nhưng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ chỉ chiếm khoảng 10%. Vấn đề là do cấu trúc nền kinh tế ở Mỹ có nguồn vốn đa dạng từ cả nguồn vốn ngân hàng, nguồn vốn cổ phiếu và trái phiếu nên do đó ngân hàng của ở Mỹ mặc dù có quy mô rất lớn nhưng vấn đề là những định chế tài chính khác như là quỹ đầu tư thị trường trái phiếu và cổ phiếu vẫn cung cấp những nguồn vốn lớn không kém cho các doanh nghiệp. Do đó, vai trò của hệ thống ngân hàng ở Mỹ tuy vẫn lớn nhưng không độc tôn như trong trường hợp thị trường vốn ở Việt Nam.

       Điều chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây đó là mối quan hệ hữu cơ rất lớn giữa cấu trúc của nền kinh tế và cấu trúc của thị trường tài chính: Khi có những độ lệch trong cấu trúc của nền kinh tế sẽ dẫn đến độ lệch trong thị trường tài chính, qua đó khiến cho thị trường hoạt động không hiệu quả so với cơ chế trong lý thuyết. Cuối cùng, điều đó rõ ràng ảnh hưởng đến quá trình phân tích đầu tư của những nhà đầu tư ngoài thị trường.