Năm đặc điểm cơ bản thị trường chứng khoán Việt Nam (P.1)

       Một điều rất quan trọng, khi chúng ta nghiên cứu về quá trình phát triển của một sự vật hiện tượng thì đòi hỏi chúng ta phải có sự hiểu biết thấu đáo về quá trình phát triển và những đặc điểm đặc thù. Việc điểm qua sự phát triển theo các giai đoạn sẽ chỉ là một phần trong quá trình tìm hiểu về các đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Những so sánh về mức độ phát triển và rủi ro đặc thù của một thị trường chứng khoán đang phát triển sẽ cho thấy tất yếu lộ trình phát triển của một thị trường chứng khoán từ lúc bắt đầu qua các giai đoạn. Bài viết này sẽ chỉ ra hai đặc điểm đầu tiên trong năm đặc điểm cơ bản của thị trường chứng khoán Việt Nam

Tóm lược:

  • Đặc điểm 1: Số lượng doanh nghiệp niêm yết lớn trên cả ba sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam
  • Đặc điểm 2: Quy mô vốn hóa thị trường còn thấp

Đặc điểm 1: Số lượng doanh nghiệp niêm yết lớn trên cả ba sàn

       Đôi khi, chúng ta cần phải tìm hiểu từ những điều cơ bản nhất để tất cả những ai không chuyên về kiến thức đầu tư cũng có thể bắt đầu. Đặc điểm của nguồn vốn từ cổ phiếu là doanh nghiệp phải đăng ký niêm yết trên các Sở Giao dịch Chứng khoán, để có thể huy động vốn ngoài thị trường. Hiện tại, Việt Nam có hai sàn giao dịch chứng khoán chính là sàn HOSE tại TP.HCM và sàn HNX tại Hà Nội. Ngoài ra, chúng ta còn có một sàn giao dịch Upcom và đây là sàn giao dịch cho cổ phiếu của các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết trên hai sàn còn lại. Mặc dù, quy mô còn nhỏ hơn rất nhiều so với những thị trường chứng khoán những nước trong khu vực, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam là không hề thua kém. Kết thúc năm 2019 thì có khoảng 1.600 doanh nghiệp đang niêm yết trên cả ba sàn chứng khoán Việt Nam, trong đó sàn chứng khoán HOSE đóng góp 378 doanh nghiệp niêm yết.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn giai đoạn 2000-2019

Đặc điểm 2: Quy mô vốn hóa thị trường còn thấp

       Mặc dù, là thị trường có tốc độ tăng trưởng rất cao, tuy nhiên tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. So với Việt Nam, thị trường có giá trị vốn hóa thấp kế tiếp là Philippines đạt 240 tỷ đô la – tức là cũng gấp đôi mức vốn hóa hiện tại của thị trường cổ phiếu Việt Nam vào cuối năm 2018. Những quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore cũng có tổng mức vốn hóa thị trường gấp 3-5 lần thị trường Việt Nam. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì chúng ta có thể thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhiều “room” để tăng trưởng trong thời gian tới.

Tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2008-2019

       Chính bởi mức độ phát triển của thị trường còn kém, nên thị trường cổ phiếu của Việt Nam hiện lại chỉ đang được xếp vào nhóm những thị trường cận biên (frontier market) theo quan điểm từ Morgan Stanley Capital International (MSCI). MSCI là một trong những tổ chức cung cấp các dịch vụ về chỉ số thị trường lớn nhất thế giới. Trên cơ sở những chỉ số này thì các quỹ đầu tư trên thế giới sẽ mô phỏng các danh mục đầu tư tương ứng. Dựa trên mức độ phát triển của các thị trường, MSCI chia làm ba nhóm: Thị trường cổ phiếu phát triển tại những quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật, Hong Kong, Singapore; thị trường cổ phiếu đang phát triển tại những quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… và những thị trường cận biên như Việt Nam. Việc một quốc gia như Việt Nam có thể nâng bậc cho thứ hạng thị trường của mình sẽ có tác động thu hút dòng vốn quốc tế rất nhiều cho thị trường chứng khoán. MSCI đã nhiều lần cân nhắc việc nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm bài viết này được viết thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa xếp vào nhóm thị trường chứng khoán đang phát triển (Emerging market). Đối với thị trường Việt Nam, MSCI nhận thấy rằng về mặt lý thuyết là đủ điều kiện, nhưng thị trường vẫn mới phát triển ở mức sơ khai, chưa đảm bảo được yếu tố an toàn và bền vững. Chính mức hạng thị trường cận biên làm cho việc huy động nguồn vốn từ nước ngoài của các quỹ đầu tư, để đầu tư vào thị trường Việt Nam gặp khó khăn trong nhiều năm qua.

       Như vậy, hai đặc điểm cơ bản đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam 1) Mặc dù quy mô thị trường chứng khoán còn rất nhỏ so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhưng số lượng doanh nghiệp niên yết trên cả ba sàn chứng khoán Việt Nam là rất lớn và 2) Tổng vốn hóa thị trường Việt Nam còn rất thấp, nhưng có sự tăng trưởng qua các năm. Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm những thị trường cận biên (frontier market) và con đường được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi (emerging market) đang rất rộng mở.