Cổ phiếu tiêu biểu năm 2015: TPP mang lại cơ hội cho TNG như thế nào?

Nhìn lại dòng lịch sử, năm 2015 là thời điểm các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký sắp có hiệu lực, ngành dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất và trở thành ngành có cổ phiếu tăng trưởng cao nhất năm. Nổi bật trong ngành dệt may thời điểm phải kể đến cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.

Tóm lược:

  • TNG là một trong những doanh nghiệp lớn của ngành dệt may với quy mô hoạt động lớn
  • Kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm với doanh thu tăng trưởng, năng suất hoạt động tăng cao và gia tăng mở rộng hoạt động đầu tư
  • Nhờ hưởng lợi từ Hiệp định thương mại TPP, cổ phiếu TNG đã thu hút các nhà đầu tư trong năm để đạt mức tăng trưởng giá cổ phiếu đến 25%

        Là một trong những doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Mã cổ phiếu: TNG) hàng năm sản xuất khoảng 12 triệu sản phẩm áo khoác và 9 triệu sản phẩm quần. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu chủ yếu tại Mỹ, EU, Canada và Mexico, chiếm khoảng 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Với lợi thế năng lực sản xuất lớn, TNG rất thuận lợi trong việc đàm phán với các thương hiệu lớn trên thế giới để sản xuất đơn hàng. Doanh nghiệp đang sở hữu 10 chi nhánh may với 178 dây chuyền và 4 chi nhánh sản xuất hàng phụ trợ may mặc.

        TNG là doanh nghiệp có mức sinh lời thấp hơn các doanh nghiệp cùng ngành, do doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, liên tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, nên chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp luôn ở mức cao.

         Năm 2015, do những kỳ vọng vào hiệp định FTA với châu Âu và hiệp định TPP đã giúp kết quả doanh thu cả năm của TNG tăng 40% so với năm trước, đạt 1.924 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 71 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Hai hình thức thực hiện sản phẩm của TNG, như hình thức CMT (Gia công từ nguyên phụ liệu bên đặt hàng cung cấp) và hình thức FOB (Mua nguyên phụ liệu và sản xuất thành phẩm theo mẫu). Trong đó, hình thức FOB đã mang lại giá trị lợi nhuận cao hơn do giá trị gia tăng tạo ra lớn hơn trong sản phẩm. Vì vậy, năm 2015 TNG đã tăng tỷ lệ FOB lên 80% so với mức 50% năm 2013, qua đó làm cho năng suất và công suất hoạt động cũng như doanh thu của TNG cao hơn. Bên cạnh đó, TNG còn thực hiện phương thức kinh doanh chủ động mở rộng đa dạng nhiều thị trường, với nhiều khách hàng lớn và ổn định: Gap, Zara, C&A, Mango, CK, TCP, Marks&Spencer, Columbia, Walmart, Target, Decathlon, The Children Place, JCPenney,…

Biểu đồ: Doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của TNG giai đoạn 2012-2015

        Trước tiềm năng phát triển của ngành, doanh nghiệp đã gia tăng đầu tư mở rộng, đây được xem như hoạt động đón đầu hiệp định thương mại TPP trong những năm tới. So với các doanh nghiệp trong cùng ngành, TNG có tốc độ tăng đầu tư mở rộng nhanh nhất. Chỉ tính tới quý 2 năm 2015, tổng tài sản của doanh nghiệp đã tăng lên 38%, qua đó có thể thấy doanh nghiệp tin và đặt nhiều kỳ vọng vào xu hướng phát triển của ngành trong thời gian tới. Kế hoạch đầu tư mở rộng thêm các nhà máy của doanh nghiệp tập trung vào giai đoạn cuối năm, cụ thể doanh nghiệp đầu tư mở rộng các nhà máy như TNG Phú Lương, TNG Võ Nhai với tổng vốn lên tới 1.460 tỷ đồng.

Biểu đồ: Tăng vốn đầu tư của TNG giai đoạn 2012-2015

         Đầu năm 2015, việc ký kết Hiệp định TPP và dòng vốn FDI đổ mạnh vào ngành dệt may từ năm 2014 là động lực giúp cho giá cổ phiếu TNG tăng mạnh lên mức gần 40%. Kế hoạch đầu tư mới đầy tham vọng và việc Nhà máy may Đại Từ vừa đi vào hoạt động đầu năm, khiến nhà đầu tư đặt niềm tin vào kết quả kinh doanh, cũng như triển vọng của doanh nghiệp trong năm 2015. Đây là yếu tố cơ bản giúp duy trì đà tăng trưởng cho cổ phiếu TNG đến cuối tháng 7. Tuy nhiên, tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến thị trường chứng khoán chung đảo chiều đã kéo theo sự sụt giảm giá cổ phiếu TNG và bắt đầu đi ngang cho đến hết năm. Kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3 giúp cổ phiếu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng để kết thúc năm với mức tăng 25% so với đầu năm.

Biểu đồ: Diễn biến giá cổ phiếu TNG và VN-Index

       Năm 2015 là năm mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành dệt may nói chung và các doanh nghiệp trong ngành như TNG nói riêng. Tiềm năng từ các hiệp định thương mại mang lại cho ngành triển vọng rất lớn và vẫn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.