Bước 2: Mô hình phát triển của các quốc gia Châu Á

       Sau nhiều năm tìm hiểu về rất nhiều lý thuyết và mô hình của rất nhiều các nhà kinh tế học cũng như các học giả đương đại thì tôi đã tổng hợp được một cách thức giải mã sự vận hành của nền kinh tế Châu Á, một mô hình mà tôi gọi là Mô hình Phát triển của các quốc gia Châu Á (Asian Capital Development - ACD). ACD còn được gọi là mô hình phát triển kinh tế thông qua việc sử dụng nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng như một kênh truyền dẫn chính để đưa dòng vốn đến các ngành nghề theo định hướng phát triển của nhà nước.

       Để có thể hiểu được một cách sâu sắc sự vận hành của nền kinh tế các quốc gia Châu Á, bạn sẽ cần hiểu đầy đủ về nguồn gốc của mô hình kinh tế ACD và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế của quốc gia áp dụng. Trước khi bắt đầu, tôi muốn giới thiệu với các bạn đôi chút về lịch sử của mô hình phát triển kinh tế ACD. Điều thú vị là dù được áp dụng thành công nhất tại các quốc gia Châu Á nhưng ý tưởng ban đầu của mô hình kinh tế này xuất phát từ Đức, một quốc gia tại Châu Âu. Mô hình kinh tế này xoay quanh việc đề xuất các chính phủ phát triển nền kinh tế của họ thông qua việc Chính phủ thực hiện các quyết định kinh tế quan trọng. Chính phủ định hướng các “ngành mũi nhọn” cần phát triển, để từ đó định hướng nguồn vốn ngân hàng được chảy vào các ngành nghề đó. Những kế hoạch quy mô lớn này hướng đến 3 nhóm ngành nghề cơ bản của nền kinh tế như bạn đã biết là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Trong mỗi giai đoạn phát triển các quốc gia sẽ có các chính sách thúc đẩy một trong ba lĩnh vực nói trên.

Minh họa: Mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia Châu Á

       Yếu tố cốt lõi của mô hình kinh tế ACD là vai trò định hướng của Chính phủ cả về các hoạt động kinh tế lẫn xu hướng các dòng vốn. Bộ tài chính và Ngân hàng Trung ương đóng vai trò quan trọng như tay trái và tay phải của Chính phủ trong việc điều hành các chính sách kinh tế. Bộ tài chính đóng vai trò quản lý và sử dụng nguồn tiền thuế của Chính phủ vào các lĩnh vực chính phủ trợ cấp và định hướng phát triển. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đóng vai trò điều phối nguồn tiết kiệm trong nước và thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, nó sẽ giải ngân nguồn vốn giá rẻ vào các lĩnh vực được ưu tiên phát triển. Trong cấu trúc này thì sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và Ngân hàng Trung ương đóng một vai trò rất quan trọng để đảm bảo dòng vốn được bơm đúng thời điểm và phù hợp vào các điểm cốt yếu của nền kinh tế mà chính phủ đang định hướng.

       Với công thức phát triển của mô hình ACD, thì việc cải cách đất đai sẽ là tiền đề để gia tăng sản xuất và năng suất nông nghiệp nhằm tận dụng trước hết năng lực của lực lượng lao động đông đảo nhưng còn thiếu nhiều kỹ năng sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, việc cải cách về tư hữu ruộng đất cũng giúp cho người nông dân có thể sử dụng đất đai để thế chấp vay ngân hàng. Qua đó có thể dẫn dòng vốn của ngân hàng vào việc tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp để tăng năng suất. Kết quả của giai đoạn này là một nền nông nghiệp hoàn thiện với năng suất cao dựa trên lợi thế của quốc gia, trước hết tự chủ nguồn lương thực trong nước, sau đó bắt đầu gia tăng các sản phẩm xuất khẩu từ nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ.

       Giai đoạn 2 bắt đầu từ việc tích lũy vốn từ các tập đoàn kinh tế lớn cho đến vốn và chính sách hỗ trợ của của Chính phủ trong giai đoạn phát triển nông nghiệp nhằm phát triển các ngành công nghiệp nặng. Quy mô sản xuất lớn giúp các sản phẩm công nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

       Trong các giai đoạn này, nguồn ngoại tệ tích lũy từ quá trình sản xuất được giữ lại ở quỹ dự trữ ngoại hối nhằm mục tiêu duy trì một chính sách tỷ giá ổn định hỗ trợ cho phát triển xuất khẩu. Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc tích lũy nguồn tiết kiệm quốc gia để có thể tập trung nguồn lực phát triển các tập đoàn kinh tế.

       Việc thị trường tài chính không phát triển với các sản phẩm đầu tư rất nghèo nàn khiến cho người dân cũng không có nhiều lựa chọn khác để đầu tư. Điều đó dẫn đến việc rất ít tiền nhàn rỗi đặt ngoài hệ thống ngân hàng, hay nói cách khác tức là phần lớn tài sản của quốc gia sẽ nằm trong hệ thống ngân hàng. Từ đó hệ thống ngân hàng có thể bơm vốn cho các tập đoàn kinh tế theo định hướng xuất khẩu của nhà nước với lãi suất thấp.

       Giai đoạn 3 bắt đầu từ việc mở cửa và liên doanh với các doanh nghiệp đa quốc gia nước ngoài trong việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp với hàm lượng kỹ thuật cao. Điểm mấu chốt trong giai đoạn này đòi hỏi một quốc gia phải đưa dòng vốn phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để có thể chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước cho các doanh nghiệp FDI, qua đó cũng hạn chế được dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài và nâng cao năng lực cung ứng của các doanh nghiệp trong nước.

       Các doanh nghiệp lớn sản xuất công nghiệp nặng ở giai đoạn trước thì lúc này với tiềm lực tài chính lớn sẽ bắt đầu tìm kiếm sự chuyển giao công nghệ từ các đối tác chiến lược nước ngoài để tự lực phát triển nền công nghiệp nhẹ trong nước. Mấu chốt trong giai đoạn này vẫn là các doanh nghiệp sẽ tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ cũng như mức tỷ giá thuận lợi để đẩy mạnh việc gia tăng tỷ trọng xuất khẩu. Nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu cũng góp phần gia tăng khả năng can thiệp của quỹ dự trữ ngoại hối của quốc gia vào tỷ giá.

       Lãi suất ưu đãi cộng với việc đồng nội tệ được định giá thấp trong thời gian dài sẽ giúp cho các doanh nghiệp quốc doanh ở các quốc gia này xây dựng được một vị trí vững chắc trong thị trường cung cấp các loại hàng hóa quốc tế.

       Giai đoạn 4 bắt đầu sau khi các quốc gia này đạt được vị thế trên thị trường xuất khẩu. Để từng bước phát triển một nền công nghiệp hiện đại thì các quốc gia bắt đầu mở cửa thị trường tài chính để thu hút dòng vốn nước ngoài vào các thị trường. Khi đó thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu nhận được các dòng vốn quốc tế để giảm mức độ phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Nhìn từ lăng kính giá trị vốn hóa, việc các doanh nghiệp nhà nước lên sàn sẽ bắt đầu phân chia lợi ích cho các phần vốn góp cũng như các cá nhân liên quan. Giá trị vốn hóa của thị trường khi đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách được ghi nhận ở các công ty do sau nhiều năm hoạt động các công ty đã xây dựng được một mô hình kinh doanh tạo tiền ổn định trên thị trường.

       Thị trường tài chính phát triển sẽ là tiền đề để các quốc gia dần chuyển dịch sang nền kinh tế dịch vụ với giá trị gia tăng cao như tài chính, kế toán, tư vấn doanh nghiệp, quản lý tài sản. Đó là đích đến cuối cùng của mô hình ACD. Với một cách làm khác, các quốc gia Châu Á đã có thể biến quốc gia của mình trở thành một quốc gia hiện đại như các quốc gia phương Tây trong một thời gian ngắn hơn rất nhiều.

       Nền tảng thành công của mô hình này chính là vai trò kinh tế của nhà nước trong việc định hướng các nguồn lực kinh tế của xã hội theo những định hướng mà chính phủ cho là phù hợp nhất đối với quốc gia trong dài hạn, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại mà hầu hết các nhà đầu tư trong khu vực này đều biết rằng các nền kinh tế Châu Á là những cỗ máy kinh tế dựa trên nền tảng nguồn vốn cung cấp từ hệ thống ngân hàng. Châu Á không phải “chỉ” đói cho nợ mà là “nghiện”. Việc bơm nợ vào một nền kinh tế đang phát triển, đang khát tín dụng sẽ có tác dụng mạnh tương tự như thuốc phiện đối với người nghiện.

       Các Chính phủ thường cố gắng cho vay nợ vào ngành kém hiệu quả trong nền kinh tế. Ban đầu khoản đầu tư này có thể tạo ra lợi tức chấp nhận được nhưng qua thời gian thì hiệu quả sử dụng vốn ngày càng giảm. Vì vậy để kiếm lời, bạn cần phải biết nợ đến từ đâu, nơi dòng tiền hướng đến và thời gian ‘tăng trưởng’ có thể kéo dài. Đừng quên rằng các khoản vay và trợ cấp giá rẻ là yếu tố quan trọng đối với mô hình tìm kiếm lợi nhuận này. Hãy ghi nhớ rằng tăng trưởng nợ ban đầu tạo ra những đột biến lớn trong chứng khoán Châu Á. Nó quyết định cách thức và thời điểm bạn nên đầu tư vào các thị trường chứng khoán Châu Á để có được mức độ tăng trưởng.

       Tất nhiên trong quá trình phát triển của một quốc gia thì không phải lúc nào các chính sách cũng được thực hiện theo một thứ tự trước sau như vậy mà đôi khi một quốc gia trong quá trình phát triển có thể phát hiện ra mình chưa thực hiện những kế hoạch phát triển trong giai đoạn trước có thể sẽ phải đánh giá lại lộ trình phát triển của mình từ đó đưa ra các chính sách điều chỉnh.

Chia sẻ: