Mô hình kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á (P.5): Tham nhũng lan rộng
Giống như Philippines, Indonesia đã cố gắng thực hiện cải cách ruộng đất nhưng tham nhũng từ tất cả các cấp chính phủ đã cản trở quá trình này.
Sau khi Indonesia giành độc lập vào năm 1945, Tổng thống Sukarno hứa hẹn thực thi các chính sách phát triển nông nghiệp triệt để trong những năm 1950. Năm 1957, các đồn điền nước ngoài đã bị quốc hữu hoá. Năm 1960, một chương trình cải cách ruộng đất chung đã được công bố. Nhưng có quá nhiều sơ hở và rất ít đất được phân phối lại.
Sau khi Suharto lên nắm quyền vào năm 1967, chế độ của ông đã đưa ra mức bình ổn giá tối thiểu cho gạo. Trong giai đoạn đầu thì năng suất và sản lượng được cải thiện. Nhưng đến giữa những năm 1970, số tiền được phân bổ để trả cho nông dân giá tối thiểu đã bị bỏ túi bởi các quan chức làng và dẫn đến sản lượng giảm.
Không giống như Philippines, chính phủ Indonesia hỗ trợ nông nghiệp thông qua các chiến dịch khuyến nông và các quỹ cho cơ sở hạ tầng. Nhưng trong trường hợp không có cải cách ruộng đất, điều này ít tác động đến năng suất. Người thuê đất lâm vào cảnh nợ nần và nông dân không có động lực để sản xuất nhiều hơn khi phần lớn các thặng dư đều do địa chủ nắm giữ. Hơn nữa, chủ nhà và các tầng lớp địa phương khác đã tham nhũng phần lớn các quỹ phát triển của chính phủ.