Mô hình ACD: Bắt đầu từ cải cách ruộng đất và nông nghiệp
Trong bài viết trước “Sự thần kỳ của châu Á được tạo ra từ mô hình ACD như thế nào?” đã cho độc giả các góc nhìn về quá trình tăng trưởng và phát triển thần kỳ của các quốc gia châu Á nhờ vào mô hình ACD như thế nào. Bài viết này sẽ thảo luận về những bước đầu tiên tạo nền tảng cho sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế châu Á.
Các nền kinh tế theo mô hình ACD sẽ bắt đầu bằng quá trình cải cách lĩnh vực nông nghiệp. Tại Việt Nam người ta thường đề cập đến những người làm nông là những người làm kinh tế không hiệu quả và lạc hậu so với xu hướng phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những cải cách trong nông nghiệp chính là tiền đề cơ bản để một quốc gia có thể bắt đầu phát triển và tích lũy nguồn vốn phát triển kinh tế. Người phương Tây xem quyền sở hữu và sử dụng đất như một điều hiển nhiên. Nhưng tại Châu Á, việc sở hữu đất đai và hoàn toàn sử dụng đất đai của riêng bạn lại là cả một đặc quyền. Trong lịch sử, Châu Á hoạt động theo một chế độ phong kiến, nơi hầu hết mọi người đều là nông dân nhưng đất đai họ trồng được sở hữu bởi các địa chủ giàu có.
Trong cuộc cách mạng đánh đổ chủ nghĩa phong kiến thì một trong những nội dung quan trọng mà các chính phủ mới thực hiện đó là tiến hành cải cách ruộng đất, trong đó việc phân chia lại ruộng đất là một tiền đề quan trọng. Chính phủ mới sẽ “tịch thu” đất của người giàu và phân phát cho người nghèo.
Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Nhật Bản mới được thành lập với sự hậu thuẫn của Mỹ đã nỗ lực để giành được sự ủng hộ của đại đa số người dân, chính phủ đã thực hiện các hoạt động cải cách ruộng đất để đảm bảo mức độ sở hữu đất bình đẳng của mọi người dân. Các quy định mới về sở hữu ruộng đất được ban hành đã giảm số lượng quyền sở hữu đất nông nghiệp của một người dân đến mức tối đa. Bất kỳ mức đất thừa nào trên mức tối thiểu cũng sẽ được phân phối lại. Khi những bất bình đẳng về quyền sở hữu và sử dụng đất được giảm thiểu thì năng suất của hoạt động nông nghiệp sẽ gia tăng nhanh chóng, không những phục hồi về mức trước chiến tranh mà còn vượt qua một cách dễ dàng.
Như bạn có thể thấy trong biểu đồ bên dưới, các quốc gia đã thực hiện cải cách ruộng đất một cách triệt để như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, tất cả đều có thu nhập bình quân đầu người cao hơn các nước không áp dụng, chẳng hạn như các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng làm thế nào để việc cải cách ruộng đất được thực hiện tốt lại có lợi cho các nước trong dài hạn? Vẫn là những diện tích đó, vẫn được canh tác như trước nhưng tại sao năng suất lao động lại gia tăng? Đó là do sự giàu có của cá nhân là một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự đổi mới sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả. Với một địa chủ có hàng trăm hàng ngàn hecta đất thì việc cải cách nông nghiệp, nâng cao năng suất là một việc không cấp thiết vì động lực tăng trưởng tài sản không lớn. Tuy nhiên khi hàng trăm hecta đất đó lại được chia lại hàng trăm nông dân thì với một diện tích hạn chế, người nông dân sẽ cố gắng nâng cao năng suất lao động để có thể tối đa hóa giá trị tạo ra.
Biểu đồ: Thu nhập bình quân trên đầu người các quốc gia châu Á
Nông dân khi có quyền “sở hữu” hay tại Việt Nam chúng ta gọi là quyền sử dụng đất đai sẽ có thể sử dụng đất của họ làm tài sản thế chấp để vay, từ đó họ có thể sử dụng tiền để tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất cũng như áp dụng máy móc cơ giới vào trong sản xuất. Cải cách đất đai là một chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế của địa phương và cả quốc gia.
Một khi ngành nông nghiệp quốc gia phát triển vững mạnh và tạo ra nhiều tài sản tích lũy cho người dân thì chính lượng tài sản tích lũy đó là tiền đề để nền kinh tế có thể chuyển sang các lĩnh vực lớn hơn, sinh lợi hơn như sản xuất và công nghiệp. Ngày nay, khá nhiều nền kinh tế Châu Á phụ thuộc ít vào nông nghiệp và thay vào đó phấn đấu trở thành quốc gia sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ chất lượng cao.
Ngoại trừ các trung tâm tài chính như Hồng Kông và Singapore vốn là một đảo quốc, không một quốc gia nào có thể tiến tới giai đoạn phát triển thứ hai và thứ ba này mà không cần trải qua bước cải cách nông nghiệp đầu tiên.
Cải cách đất và nông nghiệp có mối tương quan trực tiếp với yếu tố quan trọng khác để phát triển quốc gia: đó là nguồn nhân lực của quốc gia. Bằng cách so sánh GDP của một quốc gia trong tương quan với dân số của quốc gia đó để được chỉ tiêu thu nhập bình quân trên đầu người thì bạn có thể thấy mức độ hiệu quả của mỗi công dân trong việc đóng góp vào GDP của đất nước của họ, việc đó được thể hiện trong biểu đồ bên dưới.