Khi nào doanh nghiệp nên vay nợ?
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vay nợ là một điều chắc hẳn hầu hết các doanh nghiệp đều nhắm tới như một nguồn vốn luôn sẵn sàng cung ứng cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, việc vay nợ sẽ không hẳn là một việc tốt cho doanh nghiệp nếu như thời điểm vay nợ không hợp lý. Vậy khi nào thì doanh nghiệp nên vay nợ? Đây là câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận trong những nội dung dưới đây.
Tóm lược:
- Vay nợ tại các ngân hàng ở Việt Nam có phải là một điều mà doanh nghiệp nên làm hay không? Và những câu hỏi doanh nghiệp cần đưa ra và trả lời trước khi quyết định vay nợ ngân hàng.
- Cách xác định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và khả năng trả nợ khi vay nợ
- Những việc doanh nghiệp cần thực hiện khi đã có hệ số khả năng trả nợ tương đối ổn
- Cần xác định lại mục đích thực sự cần của việc vay nợ để tránh việc vay nợ “dư thừa”
Là một chủ doanh nghiệp thì câu hỏi chúng ta thường đặt ra trong đầu đó là liệu có nên sử dụng nợ vay hay không? Tuy nhiên, phần lớn chúng ta với vai trò là chủ doanh nghiệp sẽ luôn luôn lựa chọn phương án vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tất nhiên nếu như chúng ta có thể vay nợ ngân hàng.
Khác với cách thức cho vay của các ngân hàng nước ngoài thì phần lớn các ngân hàng Việt Nam thường yêu cầu bạn phải có tài sản đảm bảo như là một điều kiện tiên quyết để được cấp tín dụng. Bạn có thể nói rằng cũng có nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn đang được ngân hàng cấp tín dụng hạn mức mà không cần tài sản đảm bảo. Nhưng cũng như cách bạn đang đặt vấn đề đó là đối với các doanh nghiệp lớn với mức độ uy tín rất cao và thậm chí là tình hình hoạt động kinh doanh rất tốt. Còn câu chuyện cho vay dựa trên hiệu quả của phương án kinh doanh thì lại không áp dụng tại Việt Nam dưới góc nhìn thực tế. Ngân hàng thì cũng sẽ suy nghĩ đơn giản thôi. Nếu anh nghĩ phương án kinh doanh của anh thành công thì việc giữ tài sản đảm bảo chẳng qua chỉ là một niềm tin thứ cấp của ngân hàng để gia tăng niềm tin của ngân hàng đối với người vay. Sau khi anh đã trả nợ xong thì ngân hàng sẽ lại hoàn trả tài sản đảm bảo tài sản cho anh. Tuy nhiên, góc nhìn đó sẽ khiến cho rất nhiều phương án kinh doanh tốt không thể tiếp cận được với nguồn vốn trong khi rất nhiều phương án kinh doanh tồi lại hoàn toàn tiếp cận được nguồn vốn rất dồi dào, chỉ vì họ có đầy đủ tài sản đảm bảo.
Quyết định đi vay tiền ngân hàng trong khi lẽ ra chúng ta không nên làm thế là một trong những quyết định sai lầm nhất mà chủ doanh nghiệp từng mắc phải. Chúng ta đều đồng ý rằng sẽ có những thời điểm việc nợ vay rất có ích cho doanh nghiệp của bạn tăng trưởng nhưng có lẽ rằng cơ hội đó ít hơn nhiều so với những nguy cơ mà bạn có thể gánh phải. Trả lời câu hỏi liệu chúng ta có nên vay nợ hay không là một câu hỏi không dễ dàng để trả lời.
Có hai câu hỏi rất quan trọng mà bạn cần hỏi bản thân mình trước khi quyết định ký vào hợp đồng vay nợ. Đó là liệu doanh nghiệp của bạn có đang hoạt động hiệu quả hay không và liệu bạn có thể hoàn trả nợ một cách dễ dàng sau khi vay nợ hay không. Liệu rằng bạn sẽ luôn trả lời là có cho cả hai câu hỏi trên? Với câu hỏi thứ nhất thì bạn cần một giờ ngồi xuống với kế toán của mình để thẳng thắn nhìn vào tình hình tài chính của công ty mình. Trong khi đó với câu hỏi thứ hai thì bạn hãy xem xét đánh giá khả năng trả nợ của mình thông qua việc tính toán hệ số khả năng trả nợ.
Hãy đánh giá lại lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm gần nhất và đánh giá tính ổn định của con số trên để đảm bảo rằng nguồn lợi nhuận trên hoàn toàn có thể duy trì trong những năm tiếp theo. Bạn sẽ vay nợ với kỳ vọng rằng lợi nhuận của công ty sẽ được cải thiện. Tất nhiên là không ai trong chúng ta kỳ vọng hoạt động mở rộng của mình sẽ thất bại. Tuy nhiên, bạn hãy thật thận trọng để nhìn nhận về cơ hội của mình. Hãy cứ nghĩ rằng nếu hoạt động kinh doanh không cải thiện thì liệu kết quả hoạt động của bạn liệu có thể trả được khoản nợ trong tương lai không?
Hãy lấy lợi nhuận cộng với khấu hao để bạn có thể thấy được bức tranh về dòng tiền mà doanh nghiệp của bạn tạo ra. Sau đó lấy kết quả vừa tính ở trên để chia ra số tiền gốc và lãi bạn phải trả trong 5 năm tới cho khoản vay mới và cả khoản vay cũ mà bạn đã vay từ trước. Kết quả bạn vừa tính ra chính là con số mà ngân hàng hay gọi là hệ số khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu doanh nghiệp của bạn là doanh nghiệp tư nhân thì tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể bổ sung vào các khoản nợ và thu nhập của công ty bằng các khoản nợ và thu nhập của cá nhân bạn để có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình tài chính của bạn và công ty.
Để đảm bảo rằng bạn đang có khả năng trả nợ tốt cho khoản nợ này thì có một lời khuyên dành cho bạn là nên đảm bảo chỉ số này lớn hơn 3 lần. Nếu chỉ số này chỉ lớn hơn 2 lần thì nó cũng tương đối không quá tồi. Tuy nhiên, nếu như chỉ số này thấp hơn 1.5 lần thì bạn nên cân nhắc về vấn đề vay nợ. Ngân hàng có thể cho bạn vay tiền nhưng họ không trả lời cho bạn là liệu bạn có nên vay tiền với tình hình tài chính của bạn hay không? Bạn sẽ là người hiểu chính bản thân mình nhất về tình hình tài chính của mình. Với vai trò là một chủ doanh nghiệp, bạn cần hiểu được vai trò của sự sống sót trong kinh doanh là quan trọng như thế nào? Do đó bạn cần nhiều các chỉ số đó theo một mức độ an toàn hơn cả mức độ ngân hàng đang đánh giá bạn.
Giả sử như bạn đã có hệ số khả năng trả nợ tương đối ổn, theo bạn thì điều gì là điều chúng ta nên thực hiện kế tiếp?
Phần lớn mọi người đều nói rằng họ cần vốn để có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên thực tế họ vay nợ chỉ để dòng tiền nằm “vật vờ” trong doanh nghiệp của mình. Việc bạn lẫn lộn trong câu chuyện bạn đang cần vốn để tăng trưởng doanh nghiệp hay là cần vốn để đảm bảo thanh khoản trong một số thời điểm là một sự nhầm lẫn rất nguy hiểm, bởi vì điều đó có thể tạo ra các vấn đề về rủi ro hệ thống trong doanh nghiệp của chính bạn.
Doanh nghiệp thỉnh thoảng cần có các khoản tài trợ ngắn hạn (giống như một khoản vay hạn mức mà doanh nghiệp của bạn hay thực hiện với ngân hàng) để có thể vượt qua những giai đoạn kinh doanh ế ẩm. Rủi ro sẽ xảy ra nếu bạn đang lẫn lộn giữa hai nhu cầu vốn trên. Bạn nên ngồi xuống với kế toán trưởng của mình để đánh giá đâu là nhu cầu vốn thực sự của mình.
Một câu hỏi rất hay mà bạn nên học hỏi từ các nhân viên ngân hàng đó là họ sẽ không hỏi là: “Liệu cơ hội kinh doanh của bạn có phải là một khoản đầu tư tốt hơn không?” khi nói với cơ hội đầu tư của bạn mà thay vào đó sẽ là: “Liệu bạn có thể trả nợ cho anh ta hay không?” Người cho vay thường sẽ hình dung những tình huống bi quan nhất có thể cho phương án kinh doanh của bạn và xem liệu trong tình huống xấu nhất đó thì liệu bạn vẫn còn có thể trả nợ hay không.
Trong lĩnh vực đầu tư có một câu nói đó là “return of capital is better than return on capital,” có thể tạm dịch đó là việc hoàn lại vốn tốt hơn nhiều so với việc sinh lời trên vốn. Câu nói đó cũng cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc bảo toàn vốn gốc quan trọng như thế nào trong hoạt động đầu tư. Trong hoạt động đầu tư thì việc vay nợ giúp gia tăng mức độ sinh lời của chúng ta nhưng đồng thời cũng giảm thiểu khả năng chúng ta có thể sống sót khi thị trường giảm giá. Tương tự như vậy, hoạt động kinh doanh của chúng ta cũng rất quan trọng chuyện sống sót trước khi nghĩ đến việc có thể phát triển. Việc sử dụng vốn vay một cách không phù hợp sẽ làm gia tăng rủi ro cho công ty của bạn khi điều kiện kinh tế không thuận lợi.