Hoạt động đầu tư và huy động vốn của các ngành trong 6 tháng đầu năm 2021

Tóm lược

  • Đầu tư mở rộng toàn thị trường tiếp tục sụt giảm
  • Đầu tư và huy động vốn của ngành bất động sản có tác động lớn xu hướng toàn thị trường
  • Nguồn vốn huy động 6 tháng đầu năm 2021 sụt giảm dưới áp lực dịch bệnh và thiếu hụt nguồn vốn

         Xét về các yếu tố cơ bản thì thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm dựa trên việc phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nửa cuối năm ngoái. Bên cạnh đó thì lãi suất được duy trì ở mức thấp cũng với mức lạm phát và tỷ giá ổn định đã giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm hoạt động.

Biểu đồ: Mức tăng đầu tư mở rộng toàn thị trường và tăng trưởng chỉ số VN-Index

         Tuy nhiên, các số liệu từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam thực tế vẫn ở mức thấp từ sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Dòng vốn đầu tư nếu loại trừ các doanh nghiệp bất động sản thì vẫn ở mức thấp. So với mức đáy trong hoạt động đầu tư mở rộng vào cuối quý 2 năm 2020 thì giá trị đầu tư đã có sự cải thiện. Tuy nhiên, giá trị trung bình đầu tư của 2 quý năm 2021 hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với giá trị đầu tư mở rộng của giai đoạn trước đó. Đặc biệt, giá trị đầu tư quý 2 năm 2021 đã tiếp tục giảm trước áp lực dịch bệnh Covid-19.

         So với các thị trường khác trên thế giới thì thị trường Việt Nam có mức độ phục hồi chậm so với giai đoạn trước dịch. Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán của Việt Nam thực tế đã tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước dịch. Điều đó càng cho thấy thị trường hiện tại đang phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền ngắn hạn chảy vào thị trường trong giai đoạn vừa qua.

         Dòng vốn ở thị trường Việt Nam có đặc điểm là phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn huy động của các doanh nghiệp bất động sản. Trong giai đoạn vừa qua khi dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản bị tắc nghẽn lại đã ảnh hưởng rất đáng kể đến dòng vốn huy động của toàn thị trường.

Biểu đồ: Chỉ số PMI của Việt Nam

         Trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục lan tràn ra các tỉnh phía Nam thì khả năng dòng vốn đầu tư và huy động của các doanh nghiệp sẽ có thể tiếp tục sụt giảm. Điều này càng được củng cố khi số liệu vĩ mô tháng 6 được công bố đã cho thấy chỉ số PMI của các doanh nghiệp Việt Nam đã sụt giảm đột ngột khi số lượng đơn hàng từ xuất khẩu đang sụt giảm mạnh.

Biểu đồ: Tăng trưởng giá cổ phiếu theo ngành nghề tại thị trường Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021

         Thống kê cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng hơn 20% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó 4 ngành nghề tăng trưởng cao nhất đều có mức tăng trưởng hơn 30%. Như vậy mức độ phân hóa của các nhóm ngành nghề rất lớn trong giai đoạn vừa qua. Các ngành nghề tăng trưởng lớn nhất bao gồm bất động sản, tài chính, vật liệu và ngành công nghệ thông tin. Hai nhóm ngành đầu tiên là hai nhóm ngành có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường với tổng tỷ lệ chiếm hơn 50% giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Dòng vốn đầu tư theo các ngành nghề

         Phân tích về dòng vốn đầu tư của các ngành nghề thì có thể thấy phần lớn các ngành nghề vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện so với quý trước đó. Ngành thể hiện xu hướng triển vọng đầu tư tiêu cực nhất là ngành thực phẩm khi các doanh nghiệp nhóm ngành này có mức trưởng đầu tư mở rộng rất thấp cộng với việc cắt giảm một lượng lớn hàng tồn kho.

Biểu đồ: Tăng đầu tư theo ngành của doanh nghiệp Việt Nam trong 6T2021

         Ngành bất động sản cho thấy những xu hướng phục sụt giảm mạnh, mức sụt giảm đến từ giá trị tồn kho. Nguyên nhân chính do giai đoạn dịch bệnh các dự án không thể triển khai và hoàn thành đúng kế hoạch. Ngược lại hoạt động đầu tư mới của ngành vẫn duy trì trong 6 tháng đầu năm 2021.

         Ngành vật liệu có sự cải thiện trong hoạt động đầu tư hàng tồn kho thể hiện sự kỳ vọng về xu hướng giá vật liệu sẽ có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

         Ngành công nghệ tiếp tục thể hiện xu hướng mở rộng kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay, qua đó thể hiện tiềm năng tăng trưởng bền vững của nhóm ngành này trong dài hạn.

         Cuối cùng, tăng trưởng đầu tư của ngành công nghiệp có rất nhiều điểm đáng phân tích khi so sánh với những diễn biến trong hoạt động kinh tế thực. Ngành công nghiệp là một ngành đáng chú ý phân tích khi các kết quả phân tích kinh tế cho thấy lĩnh vực công nghiệp đang thu hút được lượng lớn dòng vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, các số liệu phân tích cho thấy dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngành công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp trong những quý gần đây, thậm chí còn thấp hơn giai đoạn trước. Điều đó một lần nữa xác nhận những xu hướng trong phân tích kinh tế về vai trò tuyệt đối của dòng vốn FDI trong lĩnh vực chế biến chế tạo.

Hoạt động huy động vốn theo ngành nghề

         Hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn giai đoạn đầu năm 2021. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi hỗ trợ doanh nghiệp là tín hiệu tốt thúc đẩy doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, lãi suất thấp làm cho việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Nhà đầu tư chuyển tiền tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tốc độ huy động vốn. Khi đó, để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn vốn, doanh nghiệp chuyển sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung nguồn vốn thiếu hụt. Tuy nhiên, dưới áp lực dịch bệnh nên vốn huy động 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh.

Biểu đồ: Thay đổi vốn huy động trong Q2-2021 theo ngành nghề của doanh nghiệp Việt Nam

         Sụt giảm vốn huy động của ngành bất động sản chi phối toàn thị trường. Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu của ngành giảm 55,5% so với cùng kỳ.

         Ngành vật liệu duy trì xu hướng tăng vốn trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng, đặc biệt là diễn biến giá thép trong giai đoạn nửa đầu năm.

         Ngành công nghệ đón đầu xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, doanh nghiệp tiếp xu triển khai các dự án R&D, đây là nhu cầu nguồn vốn chính của doanh nghiệp trong ngành.

         Ngành công nghiệp năm 2021 tăng trưởng mạnh nhờ thu hút lượng lớn dòng vốn FDI, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tại các khu công nghiệp khu vực phía Nam.

Chia sẻ: