Hàn Quốc từng là quốc gia nghèo hơn Malaysia, nhưng đã vươn lên nhờ sự thay đổi lớn

      Tôi đã đề cập với các bạn nhiều về sự khác biệt trong việc phát triển theo mô hình ACD của các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trong phần này tôi sẽ giải thích cho các bạn sự khác biệt trong chính sách kinh tế giữa hai khu vực trên trong 50 năm qua. Thực tế vào những năm 1960 thì nền kinh tế Nam Triều Tiên, tức là Hàn Quốc ngày nay nghèo hơn Malaysia tại Đông Nam Á rất nhiều.

      Tuy nhiên, những định hướng chính sách phát triển của hai quốc gia trên đã tạo nên sự khác biệt khổng lồ giữa hai quốc gia. Một bên là nền kinh tế Hàn Quốc vươn lên các cường quốc kinh tế của thế giới với các tập đoàn kinh tế khổng lồ như Samsung và Huyndai trong khi đó thì nền kinh tế Malaysia vẫn trong giai đoạn tiếp tục tìm kiếm hướng đi cho con đường phát triển.

Tóm lược:

  • Thủ tướng Malaysia Mahathir học tập và làm theo mô hình kinh tế của nhà độc tài Hàn Quốc Park Chung Hee
  • Sự tập trung sai đã khiến cho sự phát triển tại Malaysia đi chệch hướng

Tự do hóa quá sớm tại các quốc gia Đông Nam Á

      Một nhân vật rất nổi tiếng trong giai đoạn này tại các quốc gia Đông Nam Á là thủ tướng Malaysia Mahathir bởi các chính sách kinh tế nổi tiếng của mình tại Malaysia. Cuốn sách ra đời trong một giai đoạn rất thú vị khi nhắc lại thời điểm cầm quyền của ông Mahathir gần 30 năm trước, đặc biệt hơn là ông lại vừa được bầu trở lại vị trí thủ tướng trong năm 2018 vừa qua để giải quyết các vấn đề khó khăn của kinh tế Malaysia, khi ông đã 92 tuổi ...

      Ông Mahathir tiếp quản vị trí thủ tướng Malaysia lần đầu tiên vào năm 1981. Khi đó ông Mahathir đã học hỏi các chính sách của ông Park Chung Hee, nhà độc tài Hàn Quốc, người đã lãnh đạo đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề thoát khỏi đói nghèo để trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất Châu Á. Không giống như Mahathir, Park Chung Hee đã nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế của Đức và Nhật Bản theo mô hình phát triển ACD.

Và kết quả đã diễn ra tại Hàn Quốc như thế nào?

      Sản lượng nông nghiệp của Hàn Quốc bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của ông, năng suất lúa gạo tăng từ mức trung bình 3 tấn/ha vào giữa những năm 1950 đến 5,3 tấn/ha trong những năm 1970.

      Lĩnh vực sản xuất cũng đã có sự tăng trưởng tốt. Năm 1962 (một năm sau khi tổng thống Park Chung Hee lên nắm quyền) xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc đạt 56 triệu đô la Mỹ và ba năm sau giá trị xuất khẩu đã tăng lên gấp 3 lần.

      Sự thành công này một phần là do nghiên cứu của Ông Park về chính sách phát triển của Đức và Nhật Bản, Hàn Quốc giờ đây là cái nôi của những công ty đẳng cấp thế giới như Hyundai Motors và Samsung Electronics.

      Mahathir – người lên nắm quyền chỉ hai thập kỷ sau ông Park nhưng cách tiếp cận về phát triển kinh tế Malaysia đi theo một hướng khác. Mặc dù ông đã khuyến khích kinh tế cạnh tranh với chính sách 'Hướng về phía Đông’ của mình, tuy nhiên ông đã dành quá nhiều thời gian lo lắng về sắc tộc (Malaysia có 3 sắc tộc chính là người Mã, người Trung Quốc và người Ấn) thay vì xây dựng các chính sách kinh tế phù hợp trong bối cảnh thương mại toàn cầu bùng nổ. Cuối cùng, sau một thời gian dài phát triển thì nông nghiệp của Malaysia vẫn dậm chân tại chỗ và ngành sản xuất của nước này bị suy yếu từ sự quản lý thiếu hiệu quả của nhà nước.

     Trên thực tế, Mahathir là người có quan hệ gần gũi nhất với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế dựa trên việc học hỏi các quốc gia đi trước rất thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc và sau đó là Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á khác tại Thái Lan, Indonesia và Philippines đã thất bại trong việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế Đông Á, kết quả là nền kinh tế không có ngành sản xuất mạnh và nền kinh tế dễ bị suy thoái.