Giải mã lý do đằng sau vụ tiêu hủy đàn chó

Môi trường dịch bệnh giãn cách khiến cho các câu chuyện từ mạng xã hội luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí vấn đề tiêu hủy chó vừa qua đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Thực sự đây là một câu hỏi rất khó trả lời về quyết định đó liệu sẽ là đúng hay sai vì sẽ có rất góc nhìn khác nhau về đề này. 99,99% đàn chó không nhiễm bệnh đôi khi lại khác với 0,01% đàn chó nhiễm bệnh, quan trọng là do cách chúng ta đóng khung vấn đề. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này thì tôi lại muốn trình bày cho các bạn một góc nhìn khác về tầm quan trọng của kỹ năng lãnh đạo thời khủng hoảng.

Tóm lược:

  • Tất cả các ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta điều giống nhau, chỉ khác nhau ở thứ tự ưu tiên
  • Một lãnh đạo tốt sẽ khiến cấp dưới có cảm giác an toàn khi ra quyết định

      Một bệnh nhân đến phòng mạch của bác sĩ để chẩn đoán bệnh tình của mình thì được bác sĩ kết luận là ông cần được phẫu thuật để giải quyết khối u. Xác suất phẫu thuật thành công là 95% nếu dựa trên những dữ liệu thống kê trong quá khứ. Thay vì nói về xác suất thành công thì bác sĩ nói với bệnh nhân rằng có 5% khả năng cuộc phẫu thuật sẽ thất bại và khi đó khối u sẽ có thể trở thành ác tính khi đó ông sẽ chỉ sống thêm 2-3 năm. Bệnh nhân sau đó quyết định từ chối thực hiện phẫu thuật.

      Câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng vậy, lăng kính sẽ quyết định góc nhìn. Trong những giai đoạn khủng hoảng niềm tin thì người ta sẽ có khuynh hướng lựa chọn các giải pháp giảm thiểu rủi ro hơn là các giải pháp tối đa hóa giá trị.

Khủng hoảng niềm tin đạt đỉnh trong giai đoạn rối ren

      Phần lớn chúng ta đưa ra các quyết định không phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức không bởi do bản chất con người, mà là do áp lực của điều kiện hoàn cảnh. Theo các nghiên cứu thì cá nhân chúng ta thường có khuynh hướng tự tin thái quá vào khả năng duy trì các quyết định đạo đức của mình, qua đó bỏ qua các yếu tố áp lực của môi trường ngoại cảnh. Sự chủ quan đó sẽ có thể dẫn đến việc chúng ta dễ dàng rơi vào những cạm bẫy.

Câu hỏi đặt ra là nếu như không lựa chọn giải pháp tiêu hủy thì lãnh đạo của trạm y tế ở Cà Mau sẽ có thể có những lựa chọn nào khác hơn.

  1. Cho đàn chó cách ly cùng với gia chủ?
  2. Xây dựng khu cách ly riêng cho đàn chó để tắm và chăm sóc riêng?

Có lẽ những lựa chọn trên đều không phù hợp với điều kiện của địa phương ở bối cảnh hiện tại.

      Thực tế, tất cả các ưu tiên của chúng ta trong cuộc sống đều giống nhau, điều khác nhau đó là về thứ tự ưu tiên. Trong trường hợp này thì thứ tự ưu tiên của những người đưa ra quyết định tiêu hủy khác so với người bình thường. Người bình thường đứng trước quyết định trên sẽ đặt tính nhân văn và tình yêu động vật lên trước đó. Trong khi đó thì những người trong tình huống khủng hoảng và rối ren thì họ phải trả lời câu hỏi nếu như họ quyết định sai thì mọi việc sẽ như thế nào. Tương tự như trong bóng đá cũng vậy, đá 11m là một việc rất dễ dàng tuy nhiên khi cầu thủ phải đứng trước áp lực rằng việc đá hỏng 11m sẽ trở thành một thảm họa thì các cầu thủ yếu tâm lý sẽ lựa chọn không tham gia, hoặc nếu họ tham gia thì thường có khuynh hướng lựa chọn các giải pháp mang tính an toàn đó là đá vào hai góc dưới của cầu môn, tuy nhiên đó lại là những góc thủ môn dễ dàng cản phá hơn.

      Tính đến đầu tháng 10 thì Cà Mau là tỉnh tiêm quyết liệt nhất số vacxin được phân bổ nhưng tỷ lệ bao phủ Vacxin là thấp nhất miền Nam. Mức thấp nhất miền Nam cũng gần như nằm chắc trong top thấp nhất cả nước. Người nghèo thì lại thường hay tự ti và nghĩ quẩn. Nếu chúng ta đặt mình trong hoàn cảnh của họ sẽ có thể cảm thông hơn trong tình huống này. Các quyết định của họ chỉ diễn ra tích tắc trong vài giờ chứ không phải có nhiều thời gian để kiểm tra với bộ y tế cũng như tra các thông tin tầm soát về dịch bệnh trên động vật.

      Câu hỏi đặt ra là liệu người Cà Mau nghĩ gì về vấn đề tiêu hủy đàn chó, họ không phải không yêu động vật, nhưng chắc chắn sẽ đặt mạng sống của mình và cộng đồng xung quanh lên trên hết.

Tại sao một lãnh đạo tốt sẽ khiến cấp dưới cảm giác an toàn khi ra quyết định

      Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta vấp phải những thông tin liên quan đến các quyết định thiếu tính nhân văn trong vấn đề chống dịch. Trong đêm 7/7 và rạng sáng 8/7 thì việc tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định không cho phép người dân của tỉnh về từ TP.HCM xuống ga Huế đã vấp phải những phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng. Thậm chí sẽ còn rất nhiều điều bất cập chưa được giải quyết thỏa đáng trong giai đoạn dịch bệnh này mà chúng ta không biết đến. Tất nhiên, chúng ta sẽ vẫn có rất nhiều điểm sáng về những tấm gương và hình ảnh các nhânn viên và lãnh đạo xử lý vấn đề linh hoạt và đặt quyền lợi của người người dân lên hàng đầu.

       Trong những giai đoạn này có một yếu tố có thể giải thích cho sự khác biệt trong các hành động, đó là niềm tin đối với lãnh đạo cấp trên và đối với cách người ta có thể bị đối xử.

      Những lý luận sau được lấy cảm hứng rất nhiều từ phần trình bày của Simon Sinek  trong chủ đề cùng tên trong chương trình Ted Talk. Thông thường trong các tình huống khó khăn với những gì rất bất thường so với công việc hàng ngày thì việc liệu nhân viên sẽ lựa chọn giải pháp tuân thủ máy móc quy định hay lựa chọn các quyết định mang tính chất linh hoạt sẽ phụ thuộc rất nhiều về cách họ nghĩ về lãnh đạo của họ. Nhân viên phải có niềm tin rằng lãnh đạo của họ sẽ có thể bảo vệ họ trước những quyết định mang tính bảo vệ cái đúng và cái nhân văn, dù điều đó sẽ có thể tiềm ẩn những rủi ro tuy nhiên sẽ có những biện pháp quản lý.

      Khi họ tin rằng họ có thể được bảo vệ khi họ đưa ra những quyết định đúng và nhân văn thì người lao động sẽ sẵn sàng đấu tranh cho mục tiêu của lãnh đạo và tính nhân văn của cộng đồng. Khi họ thiếu niềm tin thì tất yếu sẽ lựa chọn những quyết định để bảo vệ mình trước.

      Mahatma Gandhi từng nói rằng: “Sự vĩ đại và những tiến bộ về đạo đức của một nước có thể nhìn thấy qua cách đối xử mà (người dân của) quốc gia ấy dành cho các loài vật”. Câu nói này mang một hàm ý sâu sắc về tính nhân văn. Nhưng chúng ta hãy ngẫm xem một quốc gia mà người lao động phải trốn chạy khỏi dịch bệnh vì thiếu thốn tiền bạc, một quốc gia mà người dân sẵn sàng chạy hàng ngàn km để được về quê lánh nạn, thì rõ ràng đất nước đó vẫn còn phải “chạy gạo” hàng ngày. Liệu khi chúng ta dù giàu nhưng vẫn tử tế hay chính việc giàu có mới có thể giúp chúng ta tử tế hơn. Hàng trăm năm trước thì những quốc gia giàu có nhất hành tinh này như Thụy Sĩ vẫn đầy rẫy những vấn đề xã hội, tuy nhiên khi thu nhập phát triển thì con người sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình đưa ra các quyết định. Kinh tế sẽ luôn quyết định các vấn đề về nhận thức khác nhau.

      Sự kiện trên là một điều đáng tiếc và thương tâm nhưng nó đã gợi ý cho chúng ta rất nhiều về những gì cần cải thiện hơn đối với một lãnh đạo, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng này, để các cấp dưới có thể tin và những gì chúng ta tin tưởng, về vai trò thực hiện chức trách của mình đối với cộng đồng, dẫu cho các hành động có sai khác với các quy định chung.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 10/2021