Cổ phiếu tiêu biểu năm 2021: Cổ phiếu VNM sụt giảm dưới áp lực tăng giá sữa nguyên liệu

Năm 2020, cổ phiếu ngành thực phẩm là một trong những ngành “vượt khó” thành công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh chóng kể từ thời điểm đầu năm với mức tăng trưởng 35%. Bước sang năm 2021, ngành thực phẩm đã phải đứng trước những khó khăn đầu tiên khi giá sữa nguyên liệu tăng mạnh. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành. Ngay cả những “ông lớn” như cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk cũng thể tránh khỏi sự sụt giảm này.

Tóm lược:

  • Kết quả kinh doanh quý 1/2021 của VNM sụt giảm do giá sữa bột nguyên liệu tăng cao và sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19
  • Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có nhiều triển vọng khi có thêm các dự án được dự kiến thực hiện trong năm 2021
  • Giá cổ phiếu VNM sụt giảm tăng trưởng so với giá trị thị trường trong quý 1/2021 do hiệu quả kinh doanh không khả quan và những băn khoăn của nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng dài hạn của cổ phiếu này

        Với hoạt động cốt lõi trong lĩnh vực chế biến sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm sữa và các sản phẩm dinh dưỡng khác. VNM là công ty sữa lớn nhất với thị phần chiếm hơn 50% trong ngành sữa Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, VNM sở hữu vận hành 12 trang trại chuẩn GLOBAL G.A.P với tổng đàn hơn 130.000 con và 13 nhà máy sữa đạt chứng nhận FSSC 22000. Sản phẩm của VNM được xuất khẩu trực tiếp đến 55 nước trên thế giới. Là một doanh nghiệp có vị thế lớn trong ngành, VNM luôn duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định trong các giai đoạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp thì doanh nghiệp cũng đứng trước những khó khăn rất lớn làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh cũng như tiềm năng tăng trưởng cổ phiếu của doanh nghiệp trong dài hạn.

        VNM là cổ phiếu tiêu biểu cho ngành thực phẩm ở thị trường Việt Nam đã có mức giảm mạnh trong bối cảnh thị trường tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua. Ở mức giá hiện tại, P/E của VNM dao động ở mức 19 lần, thấp hơn từ 10-15% so với trung bình 5 năm trước của công ty và thấp hơn khoảng 30% so với các công ty sữa hàng đầu ở Châu Á. Dù mức giảm giá đã hấp dẫn nhưng lực cầu cổ phiếu vẫn chưa có nhiều cải thiện.

        Kết quả kinh doanh quý 1/2021, VNM ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 13.190 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 5.755 tỷ đồng, giảm 1,5%. Kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận ròng của công ty là 2.597 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 2 liên tiếp VNM sụt giảm lợi nhuận.

        Giá bột sữa gia tăng mạnh cùng với sức tiêu thụ không được duy trì ổn định đã khiến biên lợi nhuận của VNM liên tục sụt giảm và hiện tại chỉ vào khoảng gần 44%, thấp hơn gần 3% so với cùng kỳ và cũng như mức thấp nhất trong 6 năm gần đây. Giá bột sữa nguyên kem (giá WMP) đã tăng đến hơn 22% trong quý 1 của năm 2021. Giá sữa bột tăng mạnh là do xu hướng gia tăng giá nguyên liệu chung khi các nền kinh tế phục hồi kèm theo việc Trung Quốc thực hiện nhập khẩu sữa nguyên liệu. Xu hướng gia tăng này được dự kiến sẽ có thể có thể kéo dài trong suốt năm 2021.

Biểu đồ: Doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của VNM giai đoạn 2017- Q1/2021

        Bỏ qua vấn đề giá nguyên liệu thì có lẽ vấn đề nhà đầu tư lo lắng nhất vẫn là tương lai tăng trưởng doanh thu của VNM. Mặc dù trong những năm gần đây thì ban lãnh đạo VNM đã chủ trương mở rộng sang những thị trường nước ngoài như Trung Quốc hay Hàn Quốc tuy nhiên mức độ đóng góp của những thị trường này vẫn rất hạn chế.

        Hoạt động đầu tư của VNM giai đoạn 2020-2021 hiện đang có rất nhiều triển vọng với các dự án đã và đang được thực hiện. Nổi bật là những dự án M&A và thành lập công ty liên doanh của doanh nghiệp. Đầu tháng 2/2021, VNM đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài để thành lập công ty liên doanh tại Philippines với quy mô vốn 6 triệu USD và VNM sẽ nắm giữ 50% vốn của công ty liên doanh này. Đây sẽ là một cơ hội mới để doanh nghiệp gia tăng vị thế của mình trên trường quốc tế. Dự án đang triển khai các hoạt động kinh doanh, khai thác thị trường theo kế hoạch. Ngoài ra, dự án liên doanh ViBev giữa Vinamilk và Công ty Kido được thông qua cùng thời điểm này với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 400 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không gas có lợi cho sức khỏe và kem với thương hiệu Vibev. Những dự án liên doanh này rất quan trọng đối với việc gia tăng thị phần cho VNM.

        Trong năm 2020, VNM đã ghi nhận được những kết quả rất khả quan từ các công ty con doanh nghiệp đã sáp nhập thành công giai đoạn cuối năm 2019, điển hình là Angkormilk với mức tăng trưởng gần 20% và Sữa Mộc Châu tăng trưởng hơn 10%. Cổ phiếu Sữa Mộc Châu cũng đã chính thức được niêm yết trên sàn UPCOM chỉ sau chưa đầy 1 năm về với doanh nghiệp.

        Bên cạnh đó, VNM vẫn tiếp tục thúc đẩy các dự án phát triển vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời giúp chủ động nguồn nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc vào biến động của giá sữa đầu vào. Trong tháng 3, VNM đã đón thành công 2.100 bò sữa HF thuần chủng nhập khẩu từ Mỹ về trang trại mới tại Quảng Ngãi. Giai đoạn sắp tới, VNM sẽ tập trung đầu tư cho các dự án lớn để mở rộng quy mô như dự án trang trại bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tại Mộc Châu, Sơn La, tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jagro tại Lào, dự án chăn nuôi, chế biến và phân phối bò thịt của Vilico…

Biểu đồ: Tăng đầu tư của VNM giai đoạn 2017 đến quý 1/2021

        Xu hướng giá cổ phiếu VNM là giảm giá trong những giai đoạn đầu năm. Trong suốt năm 2020, giá cổ phiếu VNM biến động theo xu hướng của thị trường. Kết thúc quý 1/2020, giá cổ phiếu VNM sụt giảm gần 30% giá trị do tác động của dịch Covid bắt đầu bùng phát mạnh ở nhiều nước. Từ đầu quý 2 đến hết năm giá cố phiếu bật tăng trở lại sau những nỗ lực thực hiện dãn cách xã hội, kiểm soát dịch rất tốt của nhà nước, đồng thời ngành thực phẩm, đặc biệt ngành sữa cũng được hưởng lợi rất lớn do nhu cầu của người dân trong mùa dịch tăng cao, mặc dù trong giai đoạn này vẫn có những thời điểm giá có biến động giảm nhẹ. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, giá cổ phiếu VNM vẫn ghi nhận mức tăng 14% và là một trong những cổ phiếu có mức tăng ổn định nhất so với các doanh nghiệp khác trong bối cảnh chịu tác động rất lớn do dịch Covid-19. Bước sang tháng đầu tiên của năm 2021, giá cổ phiếu VNM có xu hướng sụt giảm sau những phiên tăng giá và mức giảm này duy trì liên tục cho đến hết quý 1/2021 khi công ty ghi nhận kết quả kinh doanh cũng giảm sút trong quý này dưới những tác động của dịch bệnh bùng phát trở lại hồi tháng 2 và mức giá sữa nguyên liệu tăng cao trong giai đoạn này. Kết thúc quý 1, giá cổ phiếu VNM giảm 17% so với giá trị của thị trường.

Biểu đồ: Diễn biến giá cổ phiếu của VNM và VN-Index

        Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như tăng trưởng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành thực phẩm nói chung và VNM nói riêng vẫn sẽ có nhiều lợi thế hơn do nhu cầu của người dân vẫn duy trì mặc dù mức thu nhập có sự thay đổi sụt giảm. Giai đoạn sắp tới, thị trường sẽ có thể ghi nhận nhiều thông tin khả quan hơn liên quan vấn đề tăng số lượng vắcxin để kiểm soát dịch bệnh, đây sẽ là những yếu tố tích cực giúp các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi tăng trưởng trong dài hạn.