Cổ phiếu tiêu biểu năm 2020: Cổ phiếu VJC “lao dốc” dưới tác động của dịch bệnh Covid-19
Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng lan rộng ra phạm vi toàn cầu, điều này gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho nền kinh tế của các nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Mặc dù là một trong số ít những nước kiểm soát dịch rất tốt nhưng những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế của Việt Nam là không nhỏ. Các ngành nghề, khu vực kinh tế đều ghi nhận sự sụt giảm lớn kéo theo thị trường chứng khoán trong năm liên tục đỏ sàn. Trong đó, ngành hàng không là một trong số những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là năm đầu tiên ngành hàng không ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục và cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành đều không tránh khỏi việc giá giảm sâu trong khi toàn thị trường vẫn đạt mức tăng trưởng đến cuối năm, mặc dù mức tăng không quá lớn. Cổ phiếu VJC của công ty Cổ phần Hàng không Vietjet là một cái tên tiêu biểu cho xu hướng giảm sâu của toàn ngành.
Tóm lược:
- Tác động của dịch Covid-19 khiến cho ngành hàng không nói chung và Vietjet nói riêng đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm kỷ lục.
- Trong bối cảnh khó khăn, hoạt động đầu tư của VJC không có nhiều chỉ phát sinh hoạt động đầu tư vào đầu năm
- Kinh doanh sụt giảm nặng nề khiến cổ phiếu doanh nghiệp trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư, giá cổ phiếu giảm đến hơn 15% giá trị
VJC hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không với 5 lĩnh vực kinh doanh chính: vận tải hàng không, dịch vụ phụ trợ, hoạt động hỗ trợ trực tiếp vận tải hàng không, huấn luyện đào tạo hàng không và kinh doanh máy bay. Với quy mô lớn, mạng lưới đường bay quốc tế rộng khắp trên các khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á khai thác tại 14 quốc gia cùng với hơn 40 đường bay nội địa Vietjet là một trong các doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng không tại Việt Nam. Trong bối cảnh thương mại dịch vụ ngày càng phát triển, Vietjet luôn dẫn đầu về vận chuyển nội địa. Doanh thu từ dịch vụ vận tải hàng không tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các quốc gia buộc phải thực hiện giãn cảnh xã hội đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế đặc biệt lĩnh vực thương mại dịch vụ chịu tổn thất nặng nề. Đặc điểm của ngành hàng không là chi phí cố định rất trong khi doanh thu ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020 ghi nhận mức thấp kỷ lục.
Năm 2020, VJC ghi nhận mức doanh thu đạt 18.220 tỷ đồng, giảm 63%, đồng thời lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh chưa từng có. Mặc dù trong năm có ghi nhận khoản thu nhập tăng trưởng trong quý 2 tuy nhiên chủ yếu đến từ hoạt động tài chính và thu nhập khác, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này phải kể đến sự giãn cách xã hội ở mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau, nhu cầu với đi lại và giao thương giữa các quốc gia hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khiến số lượng các chuyến bay giảm mạnh. Mặc dù doanh nghiệp đã có những biện pháp nỗ lực thực hiện các chuyến bay chuyên dụng vận chuyển hàng hóa nhưng với mức mức chi phí cổ định cao mà doanh nghiệp phải chi trả: chi phí khai thác máy bay, chi phí khối kỹ thuật, chi phí khối dịch vụ khai thác mặt đất, chi phí bảo dưỡng… khiến doanh nghiệp phải liên tục báo lỗ. Kết thúc thúc năm tài chính 2020, VJC đạt 68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 98% so với năm 2019, mức thấp kỷ lục trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ trước tới nay.
Biểu đồ: Doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của VJC giai đoạn 2017-2020
Đầu năm 2020, VJC nhận thêm 2 máy bay A321 mới từ hãng hàng không nổi tiếng Airbus. Nâng tổng số máy bay được vận hành của hãng lên 80 chiếc. Hai máy bay mới này mang số hiệu VN-A521 và VN-A542, đây cũng là tổng số lượng máy bay mua mới của hãng trong năm. Ngoài hoạt động đầu tư mua máy bay mới, doanh nghiệp còn chi một khoản lớn cho việc bảo trì và vận hàng các đội bay định kỳ hiện có. Theo số liệu từ VJC, năm 2020 doanh nghiệp phải tốn hơn tỷ đồng cho việc tu sửa và bảo trì máy bay định kỳ theo yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất. Hoạt động cấm bay trong năm kéo dài do dịch bệnh nên hoạt động đầu tư máy bay mới của doanh nghiệp trong năm rất hạn chế.
Biểu đồ: Tăng vốn đầu tư của VJC giai đoạn 2017-2020
Xu hướng chính của giá cổ phiếu VJC năm 2020 là sụt giảm dù VJC đã có những mức phục hồi đáng kể hơn so với các cổ phiếu khác cùng ngành. Giá cổ phiếu đã bắt đầu có sự sụt giảm từ đầu năm và kéo dài đến tháng 3. Đặc biệt, sự sụt giảm mạnh vào cuối tháng 3 do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, số ca lây nhiễm ngày càng gia tăng, cùng với đó là báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 ghi nhận doanh thu sụt giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau đó giá cổ phiếu được khôi phục và bắt đầu đi ngang trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 10 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi trong trạng thái bình thương mới. Kết thúc năm 2020, thị trường chứng kiến sự tăng giá trở lại của VJC trước những thông tin tích cực và những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Giá cổ phiếu VJC phục hồi chậm so với thị trường chung, so với đầu năm giá vẫn giảm hơn 15%.
Biểu đồ: Diễn biến giá cổ phiếu VJC và VN-Index năm 2020
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, các ngành nghề như ngành hàng không sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Giai đoạn sắp tới, triển vọng của các doanh nghiệp ngành hàng không cũng như các ngành nghề khác vẫn phụ thuộc rất lớn vào những tín hiệu khả quan của dịch bệnh. Hơn hết, những thông tin tích cực về các chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch cũng như thông tin về vắc xin Covid-19 được phủ sóng với số lượng lớn hơn sẽ là những động lực và tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng của các ngành nghề kinh tế Việt Nam.