Cổ phiếu tiêu biểu năm 2020: Cổ phiếu IMP tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Trong bối cảnh dịch covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến cho nền kinh tế của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng bị chịu ảnh hưởng nặng nề. Các ngành kinh tế đều sụt giảm mạnh trong năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong ngành phải đóng cửa. Có thể nói, ngành dược là một trong số ít những ngành vẫn tăng trưởng trong giai đoạn đầy khó khăn này của nền kinh tế mặc dù mức tăng trưởng không quá cao. Trong số đó, cổ phiếu IMP của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm là một trong những cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong năm.
Tóm lược:
- Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp
- Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp không đẩy mạnh trong năm, hàng tồn kho tăng mạnh do biến động giá nguyên liệu
- Cổ phiếu có nhiều tiềm năng phát triển nhờ mức tăng trưởng giá tốt trong năm
Với hoạt động cốt lõi trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm tân dược phẩm. Imexpharm cũng tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu trang thiết bị và dụng cụ y tế, nguyên phụ liệu bao bì sản xuất thuốc và nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất dược phẩm khác. Sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp là kháng sinh Betalactam, bao gồm kháng sinh uống và tiêm. Doanh thu từ sản phẩm hàng Imexpharm chiếm hơn 94% trong cơ cấu doanh thu, 6% đến từ sản phẩm nhượng quyền và sản phẩm khác.
Năm 2020 doanh thu của Công ty Cổ phần Dược phần Imexpharm (Mã cổ phiếu: IMP) tăng trưởng không cao do điều kiện kinh doanh không thuận lợi. Mặc dù sụt giảm về doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng trưởng khả quan hơn so với doanh thu nhờ hiệu quả tiết kiệm chi phí.
Từ năm 2019, doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt trong khâu dự trữ nguồn nguyên liệu nên ít chịu ảnh hưởng trong dịch bệnh. Thêm vào đó, IMP được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động đầu tư mở rộng nhà máy mới theo quy định của Chính phủ về ưu đãi cho ngành dược. Cục thể doanh thu trong năm 2020 đạt 1.369 tỷ đồng, giảm 2,4% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 209 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.
Biểu đồ: Doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của IMP giai đoạn 2017-2020
Trong năm chỉ có IMP có hoạt động đầu tư mở rộng, phần lớn các doanh nghiệp còn lại không đầu tư mới hoặc đầu tư với giá trị không đáng kể. Năm 2020, nhà máy sản xuất dược công nghệ cao tại Khu công nghiệp VSIP 2 Bình Dương là dự án được triển khai từ năm 2015 được doanh nghiệp đầu tư thêm các hạng mục trang thiết bị và máy móc vận hành trong sản xuất. Hoạt động tồn kho của doanh nghiệp cũng tăng cao do việc tích trữ hàng tồn kho để đối phó với tình trạng tăng giá nguyên liệu, góp phần giữ ổn định giá thành sản phẩm. Do đó, công ty phải quản lý chặt chẽ hàng tồn kho, nhằm tránh tình hình tồn kho quá cao ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty.
Nguyên vật liệu chiếm 47% trong cơ cấu chi phí của IMP trong đó có đến 25% nguyên liệu doanh nghiệp phải nhập khẩu, trong đó thị trường nhập khẩu Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường nhập khẩu chính, do đó biến động giá hoạt chất đầu vào (API) sẽ ảnh hướng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Diễn biến xấu đi của tình hình dịch bệnh đặc biệt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu có thể ảnh hưởng đến nguồn cung API. Trong quý 2, IMP chủ động dự trữ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên phạm vị toàn cầu làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu.
Biểu đồ: Tăng vốn đầu tư của IMP giai đoạn 2017-2020
Trong bối cảnh chung kinh tế suy yếu, giá cổ phiếu IMP cũng không thể chống lại thị trường và giảm mạnh giai đoạn đầu năm 2020. Đầu tháng 3, những thông tin từ đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường giảm sâu do áp lực bán tháo của các nhà đầu. Chỉ trong tháng 3, giá cổ phiếu IMP giảm 32% so từ đỉnh giá trong năm 2020. Nhưng giá cổ phiếu ngành dược cũng như IMP lại có mức giảm ít hơn so với thị trường do trước giai đoạn bán tháo giá cổ phiếu tăng mạnh. Đồng thời doanh nghiệp được cũng hưởng lợi từ nhu cầu thuốc và sản phẩm ý tế gia tăng trong giai đoạn dịch bệnh.
Giai đoạn từ đầu tháng 4 đến hết năm 2020, thị trường phục hồi và tạo đáy tại móc 662 điểm. Trong cùng xu hướng phục hồi của thị trường và kết quả kinh doanh tích cực 3 quý cuối năm đã tạo động lực cho giá cổ phiếu IMP có nhiều phiên tăng điểm. Tại thời điểm 31/12/2020, giá cổ phiếu IMP tăng 54% so với thời điểm đầu năm, IMP có xuất phát điểm tốt hơn thị trường nên kết thúc năm 2020 giá tăng mạnh hơn thị trường.
Biểu đồ: Diễn biến giá cổ phiếu IMP và VN-Index
Tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực đến nền kinh tế của cả thế giới. Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát dịch bệnh rất tốt nhưng vẫn không tránh khỏi được tác động này đến tăng trưởng kinh tế của các ngành và doanh nghiệp Việt Nam. Ngành dược là ngành có nhiều dư địa phát triển hơn so với những ngành khác trong bối cảnh khó khăn này. Hơn hết, không chỉ IMP mà cổ phiếu các doanh nghiệp khác trong ngành vẫn sẽ là những mã cổ phiếu thu hút các nhà đầu tư trong dài hạn.