Cổ phiếu tiêu biểu năm 2018: Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng khiến cổ phiếu TRA mất động lực tăng trưởng
Năm 2018, ngành dược là một trong những ngành kém tăng trưởng nhất. Tác động của chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm bị kiểm soát khiến cho các doanh nghiệp ngành dược đều có kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm, kéo theo cổ phiếu của ngành cũng sụt giảm mạnh. Cổ phiếu TRA của Công ty cổ phần Traphaco là cái tên tiêu biểu cho sự sụt giảm của cổ phiếu ngành dược trong năm.
Tóm lược:
- Do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và chi phí khấu hao của các nhà máy mới tăng khiến kết quả kinh doanh của TRA trong năm kém khả quan
- Hàng tồn kho của công ty giảm mạnh và không có hoạt động đầu tư nổi bật nào trong năm
- Kết quả kinh doanh kém thuận lợi khiến cổ phiếu TRA mất động lực tăng trưởng, giảm mạnh so với giá trị thị trường
Là một trong những doanh nghiệp nổi bật nhất về thương hiệu và quy mô trong ngành Đông dược của Việt Nam, với những thương hiệu nổi tiếng như hoạt huyết dưỡng não TRA, Boganic, Kim Tiền Thảo... Về cơ cấu doanh thu Đông dược chiếm từ 30-50% tổng doanh thu và 60-70% lợi nhuận của công ty.
Năm 2018, là một năm kinh doanh không thuận lợi của TRA, khi doanh thu của doanh nghiệp đạt 1.808 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2017 và chỉ hoàn thành 75% kế hoạch. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 4% dẫn đến kết quả biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 10%.
Biểu đồ: Doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của TRA giai đoạn 2015-2018
Trong năm, doanh nghiệp đã đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính, mức chỉ từ 10 tỷ đồng vay dài hạn đầu năm đã tăng lên 170 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm. Vì vậy, chi phí tài chính cũng tăng mạnh tương ứng trong năm. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2018 giảm mạnh không chỉ do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng và còn do chi phí khấu hao của các nhà máy mới tăng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của TRA giảm 35% chỉ còn 156 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 52% kế hoạch.
Hàng tồn kho của TRA đã giảm mạnh trong hai quý cuối năm trước xu hướng tăng giá nguyên liệu. Do phụ thuộc vào nguồn dược liệu từ nhập khẩu nên biến động giá nguyên liệu ảnh hưởng rất nhiều đến biên lợi nhuận của TRA. Để giảm thiểu tác động từ biến động giá nguyên liệu, trong năm TRA đã tận dụng lượng hàng tồn kho đang có cho sản xuất thay vì nhập khẩu mới nguyên liệu.
Trong năm 2018, TRA không có hoạt động đầu tư lớn sau giai đoạn đã hoàn thành nhà máy sản xuất dược Việt Nam, với tổng giá trị ước tính 477 tỷ đồng vào năm 2017. Dự án trên sau khi đi vào hoạt động đã giúp Traphaco cải thiện đáng kể mảng tân dược.
Biểu đồ: Tăng vốn đầu tư của TRA giai đoạn 2015-2018
Kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý 1, cùng với diễn biến sụt giảm chung của thị trường chứng khoán đã khiến giá cổ phiếu TRA giảm mạnh khi báo cáo được công bố. Sau đó, giá tiếp tục đi trong xu hướng giảm đều đến cuối tháng Tám khi các kết quả doanh thu quý tiếp tục đà sụt giảm. Tại thời điểm này, giá cổ phiếu TRA đã bị thổi bay hơn 40% giá trị. Bước sang tháng Chín, cổ phiếu có giai đoạn phục hồi trước những thông tin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của thị trường giai đoạn cuối năm đã kéo giá cổ phiếu quay đầu giảm mạnh. Trong phần lớn thời gian còn lại của năm thì giá cổ phiếu chủ yếu đi ngang. Đóng cửa năm 2018, giá cổ phiếu TRA đã giảm gần 40% so với giá trị đầu năm và là mức giảm lớn nhất so với các doanh nghiệp trong ngành.
Biểu đồ: Diễn biến giá cổ phiếu TRA và VN-Index
Vấn đề phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào là một điều không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp ngành dược của Việt Nam do nguồn cung trong nước kém phát triển và chưa thể chủ động đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Do đó, ngành dược rất dễ biến động khi giá nguyên liệu dược đầu vào trên thế giới thay đổi. Đây vẫn sẽ là một trong những hạn chế lớn nhất cho triển vọng phát triển của ngành nói chung và các doanh nghiệp trong ngành nói riêng trong những giai đoạn tới.