Chu kỳ đầu tư các ngành nghề tại Việt Nam

       Nếu chỉ xét trong cổ phiếu thì tính chu kỳ của các ngành nghề cũng thể hiện rất rõ. Những cổ phiếu thuộc các ngành nghề khác nhau không tăng giảm cùng chiều giống nhau mà chia ra thành những giai đoạn biến động khác nhau, tùy thuộc vào những điều kiện vĩ mô khác nhau. Dựa trên những thay đổi trong điều kiện vĩ mô nhất định thì một số ngành nghề sẽ hưởng lợi hoặc gặp bất lợi. Dựa trên những chu kỳ lớn của nền kinh tế mà những xu hướng tăng trưởng ngành nghề sẽ kéo dài trong các chu kỳ ngắn dài khác nhau.

       Biểu đồ bên dưới thể hiện tính chu kỳ trong mức tăng trưởng của những ngành nghề ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2009-2019. Trong suốt 10 năm qua, chỉ số VN-Index đã tăng 207% từ mức 313 điểm đầu năm 2009 lên mức 961 điểm cuối năm 2019. Thị trường chứng khoán tăng trưởng cao như vậy, tuy nhiên giá cổ phiếu tăng trưởng giữa các ngành nghề không bằng nhau. Trong khi những ngành tăng trưởng cao nhất là bán lẻ, bất động sản, dệt may, còn những ngành như thủy điện hay vật liệu lại có mức tăng thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thị trường.

Biểu đồ: Tỷ suất sinh lời của các ngành nghề ở Việt Nam

       Năm 2014, là một cột mốc đặc biệt khi thu nhập bình quân của Việt Nam vượt mốc 2.000 đô la/năm. Những nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, mốc trên là một cột mốc đặc biệt quan trọng vì nền kinh tế tiêu dùng ở nhiều nước thường bùng nổ sau giai đoạn trên. Lịch sử của nền kinh tế Việt Nam cũng đã cho thấy các lập luận trên là có cơ sở. Từ sau năm 2014, xu hướng tiêu dùng và nợ tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong động lực tăng trưởng kinh tế. Bối cảnh kinh tế đó khiến cho những ngành nghề liên quan đến yếu tố tiêu dùng cá nhân như bất động sản và bán lẻ sẽ có nhiều động lực tăng trưởng hơn.

       Việc theo dõi hoạt động đầu tư và huy động vốn của ngành nghề theo thời gian, sẽ có thể giúp chúng ta đánh giá được xu hướng mở rộng hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh của từng ngành nghề theo thời gian. Trong khi đó, việc so sánh mức độ thu hút dòng vốn giữa các ngành nghề, sẽ giúp chúng ta có thể đánh giá sự thay đổi trong định hướng của ngành nghề, vào từng nhóm thị trường. Thông thường, những ngành nghề có triển vọng tăng trưởng hưởng lợi sẽ gia tăng mạnh đầu tư hơn so với những ngành nghề khác.

       Việc phân tích mức độ đồng thuận trong gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành, sẽ lại giúp cho chúng ta thấy được mức độ chắc chắn của làn sóng đầu tư của ngành, liệu hoạt động đầu tư chỉ diễn ra ở cá biệt hay trên diện rộng của ngành. Cuối cùng, việc so sánh mức độ tương quan giữa hoạt động đầu tư và hoạt động huy động vốn sẽ lại cho chúng ta một lăng kính khác về mức độ “đặt cược”, hay thận trọng của các doanh nghiệp vào cơ hội đầu tư. Tất nhiên, những yếu tố đặc thù ngành nghề sẽ khiến cho quá trình phân tích diễn ra không đồng nhất ở những ngành nghề khác nhau.

       Phân tích ngành nghề sẽ giúp chúng ta có thể đánh giá được, đâu là những ngành nghề có được mức tăng trưởng vượt trội hơn những ngành nghề khác trong điều kiện vĩ mô hiện tại. Việc phân tích và lựa chọn ngành nghề hiệu quả dựa trên các phân tích kinh tế, sẽ giúp cho nhà đầu tư có thể lựa chọn hiệu qua cơ hội đầu tư. Những cơ hội đầu tư trung bình trong những ngành tốt, có thể sẽ vẫn tốt hơn rất nhiều so với những cơ hội đầu tư tốt trong những ngành nghề có mức triển vọng kém.

       Nhận thức về tính chu kỳ trong hiệu quả đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển tư duy đầu tư của nhà đầu tư. Việc hiểu những sự thay đổi trong diễn biến vĩ mô, cũng như việc tìm cách kết nối những thông điệp trên với sự tác động khác nhau lên từng nhóm ngành nghề. sẽ tạo ra cho nhà đầu tư những lợi thế cạnh tranh trong quá trình phân tích để đưa ra quyết định đầu tư.

Bảng: Mức sinh lời của của các ngành nghề giai đoạn 2007-2019