Xu hướng nền kinh tế Việt Nam (P.Cuối): Chiến tranh Thương mại và dịch bệnh phủ mây đen toàn cầu
Thế giới chưa bao giờ phải trải qua một giai đoạn biến động và thiếu chắc chắn như những gì đã diễn ra trong 3 năm qua từ chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung cho đến tác động của đại dịch Covid-19. Hoạt động thương mại quốc tế gặp trắc trở chưa từng có tiền lệ. Điều này cũng tác động tiêu cực đến hoạt động huy động vốn các doanh nghiệp niêm yết trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, hai sự kiện trên cũng đem đến những cơ hội chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam nếu như chúng ta giải quyết được những thút thắt cố hữu trong nền kinh tế.
Tóm lược:
- Dòng vốn huy động các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm trong bối cảnh Thương chiến bộc lộ những khó khăn nội tại trong việc phát triển
- Dịch bệnh mang đến cơ hội nhưng cần phải giải quyết được các nút thắt trong nền kinh tế
Xu hướng phát triển các doanh nghiệp Việt Nam
Bối cảnh chiến tranh thương mại của Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, dẫn đến không nhiều doanh nghiệp niêm yết đang thực hiện hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh. Tình hình huy động vốn của cách doanh nghiệp Việt Nam đang sụt giảm, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mặc dù đạt 14%, nhưng thực tế mức diễn biến tăng trưởng nguồn vốn của các doanh nghiệp trên sàn thì không thật sự lạc quan. Điều đó, có nghĩa là bản thân nền kinh tế trong nước đang gặp phải rất nhiều khó khăn nội tại để có thể duy trì tăng trưởng. Bên cạnh đó, động lực chính duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm qua chủ yếu đến từ tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho ngành bán lẻ và dịch vụ Việt Nam bị tổn thất mạnh. Dịch bệnh kéo dài thì càng nhiều cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa trong thời gian tới, qua đó khiến tiêu dùng nội địa, vốn là nguồn động lực tăng trưởng quan trọng nhất của quốc gia bị tổn thương.
Dịch bệnh Covid-19 là một trong những yếu tố góp phần làm tình hình kinh tế trở nên trầm trọng hơn, cả về nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho xuất khẩu cũng như sản xuất trong nước, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán. Điều đó lý giải tại sao Việt Nam phòng chống, kiểm soát dịch tốt nhưng nền kinh tế thiệt hại nhiều hơn và thị trường chứng khoán giảm sâu hơn nhiều nước trong khu vực có tình trạng dịch bệnh trầm trọng hơn.
Biểu đồ: Vốn huy động mới của các doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2015-2019
Viễn cảnh của nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong bối cảnh chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc ngày càng gia tăng
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2018-2019, lượng vốn FDI từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam có sự gia tăng đột biến. Trong giai đoạn đó, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những quốc gia sẽ được hưởng lợi rất nhiều làn sóng dịch chuyển sản xuất, cũng như đầu tư từ Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam không thực sự được hưởng lợi, nếu như chúng ta không thể có những thay đổi đột phá trong thời gian tới để thật sự thuyết phục những nhà đầu tư quốc tế.
Biểu đồ: Vốn FDI đăng ký mới từ Trung Quốc vào Việt Nam giai đoạn 2014-2019
Đại dịch Covid-19 đã mở ra cho chúng ta một cơ hội chuyển mình, nhưng có lẽ rất lâu nữa mới có lại cơ hội tiếp theo, bởi chúng ta đã bỏ qua những cơ hội chuyển mình trong quá khứ. Khi đó, sẽ là cơ hội để cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn và môi trường đầu tư đáng tin cậy. Do đó, để có thể đón nhận được làn sóng đầu tư lần này, Việt Nam cần phải giải quyết được những nút thắt trong nền kinh tế làm nghẽn dòng chảy FDI. Thứ nhất là hạ tầng giao thông, thứ hai là công nghiệp phụ trợ.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng đều đặn nhưng quy mô dự án trung bình lại có xu hướng sụt giảm theo thời gian. Qua đó, thể hiện các doanh nghiệp đầu tư FDI vào thị trường Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, hàm lượng công nghệ thấp và chủ yếu tập trung vào hoạt động gia công.
Đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam chưa tương xứng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị. Mạng lưới giao thông phụ thuộc nhiều vào đường bộ, nhưng lại thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt tại các khu công nghiệp hay các cảng. Trong khi đường hàng không, đường thủy thiếu kết nối và chưa thực sự phát triển. Do đó, chi phí logistics của Việt Nam là cao nhất trên thế giới với gần 21% GDP và trong đó chi phí vận tải chiếm đến 59%. Xét về mặt này, thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là kém hơn so với những quốc gia khác trong khu vực.
Biểu đồ: Vốn trung bình của dự án FDI đăng ký mới giai đoạn 2009-2019
Điểm nghẽn thứ hai là công nghiệp phụ trợ. Việt Nam ngay từ đầu đã không quan tâm đúng mức phát triển công nghiệp phụ trợ, thay vào đó muốn đi nhanh vào các ngành công nghiệp nặng. Kết quả là chúng ta chỉ đóng góp vào khâu lắp ráp, khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong dây chuyền của các doanh nghiệp FDI.
Việt Nam còn thiếu đi những doanh nghiệp có quy mô, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước bán những nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp FDI là nhỏ và ngày càng có xu hướng giảm. Một ví dụ điển hình chứng minh cho điều này, đó là mặc dù Samsung đóng góp đến 28% GDP của Việt Nam, nhưng thu nhập của nền kinh tế Việt Nam có thể nhận từ phần sản xuất điện thoại của Samsung là rất thấp. Điện thoại Samsung được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam, tuy nhiên đóng góp của Việt Nam chỉ là một phần vỏ hộp và dây nối, phần còn lại đều do các doanh nghiệp FDI khác cung ứng.
Đó là những điểm yếu của Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam phải nhìn nhận. Chúng ta cần phải có giải pháp quyết liệt nhằm thể hiện thiện chí, cũng như quyết tâm thay đổi để các tập đoàn kinh tế toàn cầu đặt niềm tin vào Việt Nam trong quyết định thay đổi của họ.
Những thay đổi âm thầm trong đại dịch chứng tỏ Việt Nam đang rất quan tâm và muốn nắm bắt được cơ hội lần này. Những dự án hạ tầng quốc gia tưởng chừng như bị trì trệ trước đây lại đột nhiên tăng tốc như một phép lạ.
Sân bay Long Thành ở Đồng Nai đã được động thổ, đồng thời báo cáo trình Thủ tướng trong tháng 4 năm 2020 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã gỡ vướng mắc, cũng như đẩy nhanh tiến độ đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020. Tại TP.HCM - đầu tàu phát triển của đất nước, mới đây hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông lớn đã được khởi công xây dựng với số vốn hơn 3.500 tỷ đồng. Những dự án lớn khác như tuyến Metro Số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Cầu Thủ Thiêm 2, Bến xe Miền Đông mới… cũng đang gấp rút về đích trong năm 2020.
Biểu đồ: Chi phí vận tải của Việt Nam so với thế giới (%GDP)
Bên cạnh đó, với Luật Đầu tư công sửa đổi 2020 hay Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hứa hẹn sẽ đem lại hành lang pháp lý rõ ràng cho môi trường đầu tư. Trong khi đó, hoạt động cắt giảm đầu tư công trong những năm trước cũng đã tạo “room” an toàn cho tỷ lệ tăng trưởng đầu tư công sắp tới, khi tỷ lệ nợ công/GDP Việt Nam năm 2019 chỉ hơn 56%, thấp hơn đáng kể so với mức trần 65% GDP.