Xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy ở các nền kinh tế đang phát triển
Một điều nghịch lý chúng ta đang nhận thấy, đó là sự nghịch lý trong xu hướng tự do giữa thị trường tài chính và nền kinh tế. Trong khi, thị trường tài chính ngày càng có xu hướng tương quan chặt chẽ với nhau, các dòng vốn trên thị trường cũng ngày càng liên thông và dễ dàng dịch chuyển sang quốc gia khác, thì nền kinh tế thực lại theo xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng rõ nét. Biểu hiện cụ thể của những bất ổn trên chính trường thế giới, cũng như sự xáo trộn trong việc tiến tới những thỏa thuận của những hiệp định thương mại.
Kể từ năm 2008, xu hướng bảo hộ toàn cầu đã dần dần lộ rõ, khi nhiều quốc gia sử dụng các chính sách nhằm giảm thiểu đi sức ép cạnh tranh của những doanh nghiệp ngoài nước đối với các doanh nghiệp nội địa. Những biện pháp thuế quan, áp dụng hạn ngạch, gia tăng gắt gao đối với những yêu cầu kỹ thuật.
Trong giai đoạn 2009-2017, chỉ số đo lường mức độ tác động của chính sách bảo hộ thương mại đối với mỗi quốc gia do GTA(*) đo lường. Con số này ngày càng tăng, đã thể hiện thực tế rằng chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng lan rộng. Chỉ tính riêng năm 2017 có đến 73% hoạt động xuất khẩu của các quốc gia thuộc nhóm G20 đối diện với những chính sách hạn chế thương mại năm 2017.
Biểu đồ: Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại trong WTO giai đoạn 1995-2017
Nền kinh tế thế giới đang phải chứng kiến những cú sốc trước động thái bảo hộ của nền kinh tế Mỹ, đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những đời Tổng thống Mỹ trước đó, đã không đi theo hoặc rất hạn chế sử dụng chủ nghĩa bảo hộ nhưng xu hướng bảo hộ ngày càng tăng qua các đời Tổng thống.
Chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng trầm trọng hơn, khi Tổng thống mới nhậm chức của Mỹ là Donald Trump cũng ủng hộ và chống lại xu hướng toàn cầu hóa. Với khẩu hiệu “Make America Great Again”, ông chủ trương mang lại những giá trị tốt nhất cho công dân Mỹ, kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ nên chuyển các nhà máy quay trở về Mỹ sản xuất. Tư tưởng bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được tuyên bố rất nhiều lần trong cuộc tranh cử chứ không chỉ khi nhậm chức. Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố và chính thức đặt bút ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định TPP và đề nghị tái đàm phán về Hiệp định NAFTA. Ngoài ra vị Tổng thống này còn tiến hành áp dụng chính sách thuế quan và hạn ngạch áp vào hàng hóa các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ.
Chủ nghĩa bảo hộ ở các nước châu Âu
Nước Anh, sau hơn 45 năm gắn bó về kinh tế, chính trị xã hội với những quốc gia láng giềng trong khối, đã quyết định rời khỏi tổ chức này. Quá trình rời khỏi EU của nước Anh cũng trải qua thời gian dài, kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 cho đến khi đạt được những thỏa thuận sơ bộ vào tháng 11/2018 và cuộc “chia tay” chính thức kết thúc vào cuối tháng 1/2020. Kể từ đó, Anh sẽ tự chủ hơn trong việc lựa chọn các đối tác thương mại, thoát khỏi những quy định ngặt nghèo trên một sân chơi chung, nơi EU đã lấn át nhiều nước thành viên. Đồng thời, cơ hội việc làm của công dân nước Anh sẽ được bảo vệ và có nhiều cơ hội gia tăng thu nhập hơn, khi không phải chịu sự cạnh tranh từ công dân những quốc gia láng giềng. Một lý do không kém phần quan trọng là giảm tải áp lực lên dịch vụ công của Anh và giảm một khoản đóng góp phải nộp cho EU hàng năm.
Thậm chí Liên minh Châu Âu còn chuẩn bị ứng phó cho một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, bằng những mức thuế đánh vào hàng hóa của Mỹ như rượu và ô tô. Mỹ cũng đe dọa sẽ áp mức thuế trả đũa đối với ô tô của Châu Âu. Tuy nhiên, liên minh Châu Âu đã nhận được lệnh tạm hoãn vào phút cuối.
Chủ nghĩa bảo hộ ở các nước châu Á
Trung Quốc không những quyết định áp mức thuế chống bán phá giá từ 37,3-46,3% đối với mặt hàng thép, tấm mạ điện nhập khẩu từ Nhật Bản, Liên minh Châu Âu… mà còn đã tiến hành điều tra, đánh giá sơ bộ, áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm của Hàn Quốc như máy giặt, thép chịu mài mòn và cao su tổng hợp.
Trung Quốc theo đuổi chính sách giảm nhập khẩu mạnh mẽ bằng nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước. Định hướng của nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi khi tiến dần lên chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung đạt mục tiêu cơ cấu nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa, gia tăng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn.
Xu hướng bảo hộ sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới những quốc gia Châu Á đi theo mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Khi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng có xu hướng lan rộng và ngày càng được ủng hộ, bởi những chính sách của những nền kinh tế hàng đầu thế giới, đã gây ra một áp lực rất lớn lên mô hình phát triển của nhiều quốc gia Châu Á.
Một điều rất đặc biệt là trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng nhưng thực tế là tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của những quốc gia đều trong xu hướng giảm. Việt Nam thì ngược lại khi tỷ lệ này tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP thể hiện độ mở của nền kinh tế đối với các hoạt động thương mại. Tỷ lệ này của Việt Nam hơn hẳn so với những quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, EU, Hàn Quốc và thậm chí cao hơn hẳn so với các quốc gia đang phát triển khác như Trung Quốc và Malaysia. Điều đó hàm ý rằng khi chủ nghĩa bảo hộ thật sự lan rộng thì Việt Nam có thể là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Biểu đồ: Tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa của các quốc gia giai đoạn 2000-2018
Chính phủ nhiều nước đang trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp nhằm thay thế hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu. Quay lưng lại với thương mại là có thể bị đe dọa xóa bỏ các nỗ lực tăng trưởng trong những năm qua của nhiều nền kinh tế trên thế giới, đồng thời cũng có thể sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng vào thời điểm kinh tế toàn cầu.
------------------
(*) Tổ chức cảnh báo thương mại Toàn cầu – Global Trade Alert