Tỷ lệ CASA tăng có liên quan gì tới sự sôi động của thị trường chứng khoán không?
Tóm lược:
- Giải mã sự phục hồi của CASA
- Các vấn đề đằng sau sự phục hồi của CASA
Báo cáo tài chính quý 2/2023 của các ngân hàng được công bố với những kết quả tích cực khi tỷ lệ CASA của các ngân hàng thương mại đã phục hồi sau 4 quý sụt giảm. CASA phục hồi được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện chi phí vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên, sự phục hồi này cũng mang đến những điểm cần chú ý khi mức phục hồi trong tỷ lệ CASA rất khác nhau giữa các nhóm ngân hàng.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đóng một vai trò quan trọng đối với hệ thống ngân hàng thương mại trong những năm gần đây trong việc giảm thiểu chi phí vốn và góp phần cải thiện mức NIM cho các ngân hàng. Mức CASA được cải thiện từ hệ thống ngân hàng phần nhiều đến từ các giải pháp số hóa mà hệ thống ngân hàng đã triển khai trong những năm qua. Tuy nhiên, cũng có những nhóm ngân hàng có tỷ lệ CASA tăng nhanh chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh việc cấp tín dụng trong cho hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan. Nội dung chi tiết về việc CASA được tạo ra và tăng nhanh như thế nào từ việc phát triển hệ sinh thái có thể đọc ở bài viết https://thesaigontimes.vn/giai-ma-cau-chuyen-casa-cua-nganh-ngan-hang/.
Giải mã sự phục hồi của CASA
Trong thời gian qua, tỷ lệ CASA của hệ thống ngân hàng đã trải qua nhiều biến động chỉ trong vài năm khi tăng nhanh trong giai đoạn 2021 đến đầu 2022, sau đó giảm mạnh trong 4 quý gần đây, đặc biệt là trong quý 1/2023, trước khi có những cải thiện trong quý 2 vừa qua. Chúng ta cũng thực hiện việc phân nhóm các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán thành các nhóm cùng tính chất để phục vụ mục tiêu phân tích. Kết quả tổng hợp cho thấy mức độ cải thiện trong tỷ lệ CASA không đồng đều giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp có mức tỷ lệ CASA phục hồi mạnh nhất trong khi tỷ lệ CASA của các ngân hàng có vốn Nhà nước không có sự cải thiện đáng kể.
Các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống như MBB và TCB cũng là các ngân hàng có mức phục hồi cao nhất so với quý 1/2023. Trong nhóm này thì ngân hàng MSB cũng có mức cải thiện CASA rất đáng kể. Điểm đáng lưu ý đó là đây cũng chính những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 6 tháng đầu năm vừa qua và phần lớn tín dụng chủ yếu đi vào trong các doanh nghiệp. Với những ai đã tham khảo bài viết ở trên về CASA thì có thể hiểu được việc phát triển CASA của các ngân hàng có thể phát triển theo hai hướng, hiểu nôm na là tỷ lệ CASA được phát triển từ các tiền gửi không kỳ hạn do các giải pháp số hóa và tỷ lệ CASA được phát triển từ các khoản vay trong hệ sinh thái. Như vậy, khả năng cao việc TCB và MBB thực hiện đẩy mạnh việc cho vay các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm chính là yếu tố chính trong việc kích hoạt lại dòng tiền chảy trong hệ thống các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, qua đó góp phần tạo nên sự phục hồi đáng kể trong tỷ lệ CASA ở nhóm các ngân hàng này.
Các vấn đề đằng sau sự phục hồi của CASA
Có những vấn đề chúng ta cần phải lưu ý sau sự cải thiện của mức cải thiện của tỷ lệ CASA trong quý vừa rồi. Trước hết, mặc dù việc phục hồi của tỷ lệ CASA được kỳ vọng sẽ tác động giảm chi phí huy động vốn của ngân hàng CASA là nguồn vốn giá rẻ, tuy nhiên kết quả tổng hợp từ báo cáo tài chính quý 2 của các ngân hàng niêm yết cho thấy tỷ lệ chi phí vốn huy động của các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng đạt đỉnh trong quý 2. Mặc dù các lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất huy động của thị trường đã giảm trong những tháng gần đây tuy nhiên tác động từ các khoản tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất huy động cao của giai đoạn trước vẫn đang ảnh hưởng mặt bằng chung lãi suất đầu vào của các ngân hàng. Điều đó, khiến lãi suất cho vay ra của các ngân hàng sẽ khó có thể giảm nhanh ngay lập tức.
Một vấn đề khác cũng rất đáng chú ý đó là sự chênh lệch đáng kể giữa tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng kéo dài từ năm 2021 đến nay. Trong điều kiện kinh tế bình thường thì mức tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trưởng cùng nhau. Tuy nhiên, sự lệch pha bắt đầu xuất hiện trong năm 2021 khi tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn tương đối so với tăng trưởng cung tiền, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid 19.
Trong năm 2022, sự chênh lệch này diễn ra càng lớn. Tổng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14,5%, trong khi tăng trưởng cung tiền chỉ đạt 5,5%. Mức tăng trưởng cung tiền thấp hơn có thể được lý giải bởi việc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện việc bán ra một lượng lớn đô la từ Quỹ dự trữ ngoại hối của quốc gia, từ đó hút về lượng tiền đồng đáng kể trong nền kinh tế, và gây ra một số khó khăn về thanh khoản trên thị trường tại một số thời điểm. Nếu loại bỏ sự tác động của việc bán ngoại tệ quy mô lớn ảnh hưởng đến lượng cung tiền đồng trong nền kinh tế thì mức chênh lệch tăng trưởng tín dụng và cung tiền vẫn duy trì ở mức 4-5% trong năm 2022.
Mới đây, trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng, mặc dù chỉ tăng nhẹ ở mức 4,7%, vẫn vượt trội so với tăng trưởng cung tiền, chỉ đạt 2,7%. Bên cạnh việc tăng trưởng cung tiền thấp hơn dai dẵn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ LDR (Tỷ lệ cho vay trên huy động) của các ngân hàng thương mại khi vẫn duy trì ở mức cao, qua đó giảm khả năng có thể cho vay của các ngân hàng, mà nó còn có thể tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn.
Nguy cơ tiềm ẩn sẽ có thể liên quan đến việc một phần dòng vốn tín dụng được cấp cho doanh nghiệp nhưng lại không thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Thay vào đó, tiền có khả năng sẽ chảy vào các hoạt động phi sản xuất, hoặc thậm chí làm gia tăng giá của các các tài sản tài chính. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn rất ảm đạm thì dòng tiền nếu có chảy vào lĩnh vực phi sản xuất thì thị trường chứng khoán sẽ là nhóm được hưởng lợi chính.
Sự tăng vọt về thanh khoản trong thị trường chứng khoán trong những tháng cuối quý 2 đã gợi mở một loạt rủi ro tiềm ẩn, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ phía các nhà quản lý chính sách tiền tệ cũng như chứng khoán. Như đã từng được thể hiện từ cuối quý 2 năm 2021, khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bắt đầu gia tăng mạnh vượt xa tốc độ tăng trưởng cung cung tiền, dòng tiền tín dụng lớn tràn vào nền kinh tế trong bối cảnh các hoạt động kinh tế vẫn rất ảm đảm đạm trong dịch Covid 19 đã tạo ra những dòng tiền khổng lồ chảy vào thị trường chứng khoán. Thanh khoản có những thời điểm lên đến 30.000 – 40.000 tỷ đồng/phiên. Thị trường tăng mạnh bởi yếu tố đầu cơ đã không thể duy trì tăng trưởng bền vững và sau đó thị trường liên tục giảm sút, tạo ra những biến động giá rất lớn và ảnh hưởng nặng nề đến danh mục của các nhà đầu tư.
Trong bối cảnh hiện tại, khi phần tăng trưởng tín dụng từ đầu năm xuất phát từ phía các doanh nghiệp, nhưng lại nằm ở nhóm các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ là phần nhiều do mức tăng trưởng tín dụng của các doanh nghiệp niêm yết vẫn chỉ ở mức thấp thì rủi ro về việc quản trị dòng tiền của doanh nghiệp sử dụng nợ vay của hệ thống ngân hàng lại tiếp tục là điều cần quan tâm.
Sự phục hồi của tỷ lệ CASA trong bối cảnh hiện nay đằng sau sự suy thoái liên tục cần được hiểu rõ về bản chất, trong sự tương quan với các yếu tố vĩ mô khác. Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng và đảm bảo dòng vốn được định hướng vào sản xuất kinh doanh là những thách thức cần được giải quyết để đảm bảo sự ổn định và bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế.
SaigonTimes,08/2023