Năm 2020: Thực trạng việc định giá trái phiếu doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam

       Không ít người trong chúng ta nhận được các cuộc gọi từ các công ty môi giới để chào bán các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất từ 10%-14%... Mức sinh lời hấp dẫn là vậy nhưng câu hỏi đặt ra tính an toàn về loại hình đầu tư của loại hình này như thế nào so với mức lãi suất.

Tóm lược:

  • Sự dịch chuyển trong chính sách các NHTM gây khó khăn cho các doanh nghiệp
  • Cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp xác định lãi suất giao dịch trái phiếu
  • Cách xác định lãi suất trái phiếu ngoài thị trường

       Đầu tiên để chúng ta trả lời liệu mức lãi suất 10-14% là cao hay thấp so với lãi suất ngân hàng thì chúng ta cần hiểu được bản chất của loại hình đầu tư này và tại sao nó lại phổ biến trong thời gian gần đây. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sôi động với 826 đợt phát hành của 133 doanh nghiệp. Trong đó, phát hành theo hình thức riêng lẻ là chủ yếu, riêng chỉ có 5.8% giá trị trong đầu năm phát hành ra công chúng bởi tập đoàn Masan. Tổng giá trị phát hành trong 6 tháng đạt đạt 171,500 tỷ đồng tương đương tăng 61.3% so với cùng kỳ năm trước. Chúng ta cần nhớ rằng năm 2019 cũng là một năm bội thu của việc phát hành trái phiếu khi tổng số tiền huy động cả năm từ kênh này của doanh nghiệp lên đến 300,588 tỷ đồng.

       Trong khi những năm trước 2018 chỉ chủ yếu các doanh nghiệp lớn và các ngân hàng thực hiện phát hành. Khi đó, mức lợi tức huy động cao hơn từ 1-2% so với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng nhằm thu hút vốn nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2019 thì lãi suất trái phiếu huy động đẩy lên cao khi rất nhiều các doanh nghiệp bất động sản và đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ bắt đầu xuất hiện trên thị trường này. Tính ra, suất sinh lời của trái phiếu doanh nghiệp gần đây đã tăng gấp rưỡi so với những năm trước.

Sự tăng trưởng đột biến đến từ… ngân hàng

       Các ngân hàng thương mại có phần lớn nguồn vốn huy động đến từ nguồn vốn ngắn hạn do đó bản chất trong hoạt động của các ngân hàng thương mại là phần lớn cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho doanh nghiệp hơn là các khoản vay dài hạn. Tuy nhiên, các ngân hàng từ trước đến nay vẫn có một tỷ lệ cho vay trung dài hạn rất lớn. Việc các ngân hàng sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ có thể khiến hệ thống ngân hàng chịu nhiều rủi ro thanh khoản do sự mất cân đối về kỳ hạn nói trên. Chính vì thế NHNN đã lên lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng thương mại trong những năm qua để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống.

       Chính sự dịch chuyển trong chính sách của NHNN nói trên đã gây ra những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản, vốn phụ thuộc vào nguồn vốn dài hạn của ngân hàng. Những doanh nghiệp này sẽ phải tìm đến thị trường chứng khoán như một phương án thay thế. Chính điều đó giải thích cho sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua.

Khó khăn trong việc xác định lãi suất giao dịch

        Sự phát triển quá nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2019 đã khiến mặt bằng lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp cung cấp trong các đợt phát hành tăng mạnh. Một câu hỏi đặt ra lúc này đó là liệu đâu là một cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp xác định lãi suất huy động cùng mức lãi suất nào để các trái phiếu giao dịch trên thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư. Đây là một câu hỏi rất lớn đối với không chỉ nhà đầu tư mà còn đối với giới nghiên cứu về thị trường trái phiếu.

        Ở các thị trường trái phiếu phát triển, mức lãi suất huy động vốn của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào năng lực tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có năng lực tài chính càng tốt thì sẽ được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập cho một thứ hạng cao hơn. Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào mức xếp hạng tín nhiệm để đưa ra mức giá họ sẽ quyết định đặt mua. Tuy nhiên, các vấn đề về hạ tầng phát triển cho thị trường trái phiếu vẫn chưa sẵn sàng khiến cho việc xác định mức lãi suất thị trường vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn: sự thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, đường cong lãi suất không hoàn chỉnh do chính phủ chủ yếu phát hành trái phiếu kỳ hạn dài và cuối cùng là các đơn vị cung cấp nguồn vốn trên thị trường chứng khoán rất hạn chế khi chỉ tập trung vào các ngân hàng thương mại.

Vậy lãi suất ngoài thị trường đang được xác định như thế nào

       Trên thị trường sơ cấp, khi thiếu vắng một cơ chế thị trường để xác định lãi suất thì khi đó mức lãi suất các doanh nghiệp đưa ra sẽ dựa trên mức độ khan hiếm dòng vốn của các doanh nghiệp phát hành. Doanh nghiệp nào có tính cấp thiết của nguồn vốn càng lớn thì khi đó mức lãi suất sẵn sàng vay sẽ càng cao. Điều này sẽ có thể dẫn đến những rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư khi những đơn vị phát hành có mức năng lực tài chính kém sẽ sẵn sàng huy động với mức lãi suất cao để có thể huy động được vốn.

       Mức lãi suất của các doanh nghiệp lúc này sẽ không phụ thuộc vào mức xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp như ở các thị trường phát triển. Thực tế đã xảy ra trường hợp các doanh nghiệp có cùng mức xếp hạng tín nhiệm tuy nhiên lại có mức lãi suất khác nhau. Cuối năm 2019, công ty cổ phần FE Credit được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s xếp hạng là B1, tức là mức xếp hạng bằng với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam như HDBank, Lien Viet Bank, OCB… Tuy nhiên, mức lãi suất huy động các chứng chỉ tiền gởi và trái phiếu doanh nghiệp của FE Credit là cao hơn hẳn so với các ngân hàng thương mại ở trên.

       Thực tế so với các định chế tài chính khác thì việc huy động vốn của ngân hàng dễ dàng hơn rất nhiều. Việc các ngân hàng phải huy động vốn trái phiếu kỳ hạn dài chỉ là để giải quyết vấn đề tăng vốn tự có cấp 2 để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn Basel 2 từ NHNN. Trong khi đó, đối với FE Credit thì việc huy động vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động. Trong mô hình kinh doanh của các công ty tài chính thì họ không được phép huy động vốn từ đại chúng mà chỉ có thể phát hành các giấy tờ có giá từ các doanh nghiệp và tổ chức tài chính. Chính mức độ bức thiết về nguồn vốn mới yếu tố quan trọng nhất quyết định mức lãi suất mà các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận huy động. Trong khi đó trên thị trường thứ cấp thì các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp hầu như không xảy ra do yếu tố bất cân xứng thông tin rất lớn về tình hình của doanh nghiệp.

       Những trở ngại nói trên khiến cho việc xác định mức lãi suất phù hợp dành cho mỗi đợt phát hành tương ứng với những sự thay đổi trong năng lực tài chính của doanh nghiệp là điều không thể thực hiện. Khi đó sẽ rất khó để cho các nhà đầu tư cá nhân có thể đánh giá liệu mức lãi suất đang chào mời liệu có hợp lý hay không, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay khi rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ vẫn phát hành trái phiếu. Khi đó những doanh nghiệp này sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất rất cao để có thể duy trì nguồn vốn hoạt động. Khi đó, việc đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp này sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn.