Năm 2020: Tạo sao quyết định duy trì đóng cửa nền kinh tế rất khó khăn đối với Mỹ
Trong những ngày vừa qua, dịch bệnh tại Việt Nam đã lắng xuống nhưng tại các quốc gia khác đặc biệt là Mỹ tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình yêu cầu mở cửa nền kinh tế ngày càng gay gắt. Đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan cho Tổng thống Mỹ và Thống đốc các bang trong việc lựa chọn liệu có nên tiếp tục duy trì đóng cửa nền kinh tế hay không.
Tóm lược:
- Tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ thấp hơn nhiều so với các khu vực liên minh châu Âu và đặc biệt là các quốc gia châu Á
- Xã hội Mỹ được mệnh danh là xã hội nợ tiêu dùng. Phần lớn người dân Mỹ sẽ chi tiêu dưới hình thức tiêu dùng trước, sau đó mới thanh toán các khoản nợ từ nguồn thu nhập có được trong tương lai.
- Phần lớn các khoản chi tiêu là cố định nên khi thu nhập sụt giảm thì phần lớn chi phí này vẫn phát sinh định kỳ.
Đến thời điểm ngày 13/05 nước Mỹ có hơn 1,4 triệu ca nhiễm bệnh trong đó hơn 85 ngàn ca tử vong. Đường cong phản ánh số ca nhiễm bệnh theo thời gian vẫn chưa đi ngang và số lượt người nhiễm bệnh mới mỗi ngày vẫn từ 20.000-30.000 người mỗi ngày. Do đó, quyết định mở cửa lại nền kinh tế sẽ có thể trả giá bằng sự tiếp tục lây lan nhanh chóng trong cộng đồng dẫn đến kiểm soát dịch bệnh càng khó khăn. Tại sao một nước Mỹ phát triển lại gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định và vì sao người dân Mỹ không chấp nhận gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến khi dịch Covid-19 thực sự được kiểm soát?
Nhiều câu hỏi cũng đưa ra tại sao Mỹ không thể thực hiện các biện pháp cách ly mạnh mẽ xã hội như các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… đã thực hiện. Thực tế, khi một chính phủ đưa ra những quyết định quan trọng đối với toàn bộ người dân như việc đóng cửa nền kinh tế hay không thì họ đã cân nhắc rất nhiều về những lợi ích và chi phí mang lại từ quyết định. Hơn nữa, các quyết định sẽ phải cân nhắc rất nhiều đến sự khác biệt đáng kể trong cấu trúc kinh tế xã hội đặc thù ở mỗi quốc gia. Do đó, các giải pháp cho những quốc này không hẳn phù hợp với những quốc gia khác.
Những đặc điểm khác biệt nào trong cấu trúc nền kinh tế cũng như đặc điểm xã hội đã khiến cho quyết định của người Mỹ trở nên khó khăn hơn trong việc đóng cửa nền kinh tế so với các quốc gia châu Á. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt thông qua việc thực hiện đóng cửa tạm thời nền kinh tế. Bên dưới sẽ trình bày ba đặc điểm cơ bản dưới góc nhìn tài chính về sự khác biệt giữa cấu trúc xã hội của các hộ gia đình ở Mỹ so với các hộ gia đình ở các quốc gia khác trên thế giới:
TỶ LỆ TIẾT KIỆM THẤP
Biểu đồ: Tỷ lệ tiết kiệm quốc nội trên GDP (%)
Tỷ lệ tiết kiệm trên GDP thể hiện trung bình một hộ gia đình sẽ tiết kiệm bao nhiêu phần trăm thu nhập tạo ra trong năm. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ thấp hơn nhiều so với các khu vực liên minh châu Âu và đặc biệt là các quốc gia châu Á. Tỷ lệ tiết kiệm càng cao càng thể hiện được nguồn tài chính dư giả, đặc biệt có thể trang trải được với những khó khăn tài chính khi nguồn thu nhập bị sụt giảm trong đợt dịch bệnh vừa qua. Nếu dịch bệnh kéo dài thì khả năng chịu đựng của hộ gia đình châu Á sẽ tốt hơn so với khả năng chịu đựng của các hộ gia đình Mỹ.
TỶ LỆ NỢ TIÊU DÙNG CAO
Biểu đồ: Tỷ lệ nợ tiêu dùng trên GDP các quốc gia năm 2019
Xã hội Mỹ được mệnh danh là xã hội nợ tiêu dùng. Đồ thị ở trên cho thấy tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP của Mỹ cao hơn hẳn so với các quốc gia khác. Phần lớn người dân Mỹ sẽ chi tiêu dưới hình thức tiêu dùng trước, sau đó mới thanh toán các khoản nợ từ nguồn thu nhập có được trong tương lai. Một người dân Mỹ gánh rất nhiều các khoản nợ, từ các khoản nợ thế chấp nhà, nợ vay mua xe ô tô và đến cả những khoản nợ vay cho học tập. Các khoản nợ đó sẽ được thanh toán thông qua thu nhập của họ khi đi làm. Đồng nghĩa với việc nếu không đi làm được thì khả năng trả các khoản nợ tiêu dùng đó sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
CHI PHÍ CỐ ĐỊNH CỦA HỘ GIA ĐÌNH MỸ CHIẾM TỶ LỆ LỚN
Không giống các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, người Mỹ không dành phần lớn chi tiêu cho thực phẩm. Phần lớn thu nhập sẽ dùng chi tiêu cho dịch vụ, cho các khoản nợ mua nhà, mua xe và đặc biệt chi trả bảo hiểm. Xã hội Mỹ rất coi trọng vấn đề bảo hiểm y tế cho cá nhân, do đó các hộ gia đình sẽ dành ra một khoản thu nhập đáng kể để thanh toán tiền bảo hiểm định kỳ bao gồm cả bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.
Biểu đồ: Cấu trúc chi phí hộ gia đình năm 2019
Dựa trên cơ cấu chi tiêu người dân Mỹ, phần lớn các khoản chi tiêu là cố định nên khi thu nhập sụt giảm thì phần lớn chi phí này vẫn phát sinh định kỳ. Do đó, nguồn tiền dự trữ ít ỏi của người Mỹ sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu như phải ở nhà không đi làm trong vài tháng.
Nước Mỹ về cơ bản có hai nhóm người lao động chủ yếu là nhóm người lao động nhập cư và nhóm người lao động bản địa. Đối với người lao động nhập cư làm công việc tay chân sẽ không có những hợp đồng dài hạn và thu nhập chủ yếu sẽ tính toán dựa trên số giờ làm. Nếu như các cơ sở kinh doanh đóng cửa thì người lao động sẽ mất đi hoàn toàn thu nhập. Chưa kể, họ không có được phúc lợi phù hợp hay chi trả bảo hiểm y tế và thậm chí là không đủ điều kiện để nhận viện trợ liên bang. Đối với những người lao động có hợp đồng rõ ràng thì vấn đề của họ là việc gánh vác những khoản nợ tiêu dùng lớn, bởi thu nhập là nguồn thanh toán định kỳ và các khoản nợ đa phần là dài hạn.
Những đặc điểm trên giải thích lý do vì sao dù đang trong tình huống rất rủi ro nhưng người dân Mỹ vẫn sẵn sàng biểu tình để chính phủ mở cửa nền kinh tế. Họ đã mất đi con đường kiếm sống và thà chết vì dịch bệnh còn hơn chết vì đói. Thực tế tỷ lệ người ủng hộ cho các biện pháp cách ly vẫn lớn hơn 80%, đồng nghĩa với 20% bộ phận người dân trong nền kinh tế không sẵn sàng tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly. Khác với Việt Nam thì tỷ lệ đồng thuận cách ly sẽ cao hơn rất nhiều. Với dân số nước Mỹ hơn 300 triệu dân thì sẽ có đến khoảng 60-70 triệu người đang không đồng tình với quyết định mở cửa. Chưa kể, với số lượng lớn như vậy sẽ tạo được ảnh hưởng can thiệp đến hoạt động của chính phủ ở các bang cũng như chính phủ liên bang.
Mỗi quốc gia đều dựa trên những đặc điểm trong cấu trúc nền kinh tế và xã hội để đưa ra những quyết định lý trí trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 toàn cầu. Chính những đặc thù trong cấu trúc kinh tế và xã hội nói trên đã khiến cho việc đưa ra các giải pháp chống dịch của Mỹ gặp khó khăn hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 06/2020