Năm 2019: Sự tương phản giữa kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán
Mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2019 tiếp tục được duy trì ổn định khi tăng trưởng kinh tế được duy trì trên mức 7%, lạm phát được giữ ở mức thấp và dòng vốn FDI vẫn duy trì nhịp điệu ổn định, thị trường chứng khoán lại có một năm hết sức biến động và nhiều khả năng sẽ kết thúc năm 2019 gần như không đổi so với năm ngoái. Thị trường chứng khoán được xem là một thước đo quan trọng của nền kinh tế, do đó những xu hướng biến động của nó cũng sẽ chỉ báo cho những xu hướng sắp tới của hoạt động kinh tế thực.
Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2019 tương đối ổn định so với tình hình chung của thế giới. Tăng trưởng GDP trong quý 3 đạt 7.31% và vẫn cho thấy xu hướng tăng trưởng trong thời gian qua, trong khi đó lạm phát vẫn đang được Chính phủ kiểm soát rất tốt, tạo tiền đề cho sự ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, rõ ràng xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế từ những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc duy trì xu hướng thu hút dòng vốn FDI.
Tóm lược:
- Vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng quan trọng
- Dòng vốn huy động các quốc gia Châu Á và Việt Nam có dấu hiệu sụt giảm trong giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
- Ngành ngân hàng, tài chính tiêu dùng và bán lẻ Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi từ xu hướng bất ổn của thế giới
Vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam đang ngày một quan trọng hơn. Số liệu cho thấy khối FDI đang đóng góp hơn 70% vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và do đó những tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong suốt những năm qua có sự đóng góp không hề nhỏ từ khu vực FDI này.
Biểu đồ: Tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp của khối FDI
Tuy nhiên, đang có một sự sai lệch nhất định giữa kết quả của nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Với thực tế là các doanh nghiệp FDI không niêm yết, thị trường chứng khoán lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác của các doanh nghiệp trong nước. Bức tranh vĩ mô tươi sáng dưới sự hỗ trợ từ khu vực kinh tế nước ngoài đang che đậy những vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp niêm yết, vốn là nguyên nhân chính khiến cho thị trường chứng khoán không thể tăng trưởng trong hai năm qua.
Biểu đồ: Biến động chỉ số VN-Index từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2019
Tính từ mức đỉnh 1,200 được thiết lập trong quý đầu tiên của năm 2018, chỉ số VN-Index đã giảm về dưới 1,000 điểm và giao dịch trong biên độ hẹp suốt từ thời điểm đó cho đến nay. Khác với giai đoạn 2015 – 2018 khi xuất hiện các “sóng ngành” đến từ kết quả kinh doanh tốt và động lực tăng điểm của thị trường được dẫn dắt bởi nhiều cổ phiếu, trong năm 2019 mức tăng của VN-Index hầu hết chỉ đến từ một vài doanh nghiệp riêng lẻ như nhóm Vingroup, Vietcombank hay BIDV mà thiếu đi sự lan tỏa giữa các ngành nghề khác nhau cũng như giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành.
Chiến tranh thương mại – Kỳ vọng và hiện thực
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các quốc gia châu Á, vốn phụ thuộc vào thương mại và các hoạt động xuất – nhập khẩu, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Thống kê cho thấy, ngoại trừ các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin của Nhật Bản đã huy động thêm vốn mới, các nền kinh tế châu Á khác đều cho thấy xu hướng giảm vốn trong thời gian qua khi phần lớn các doanh nghiệp đều không chắc chắn về những biến động có thể xảy ra trong thời gian tới.
Biểu đồ: Vốn huy động mới các quốc gia Châu Á (đơn vị: tỷ USD)
Trái với kỳ vọng của giới đầu tư về việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi như thế nào từ những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giới doanh nghiệp Việt Nam lại tỏ ra thận trọng nhiều hơn là phấn khởi. Trong quý 3, dòng vốn huy động của các doanh nghiệp niêm yết chỉ đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, thấp hơn con số 23.5 nghìn tỷ đồng trong quý 2 và cho thấy sự sụt giảm rõ rệt so với giai đoạn năm 2018.
Biểu đồ: Vốn huy động mới các ngành trong 3Q2019 (đơn vị: tỷ đồng)
Xét về sự thay đổi trong cơ cấu huy động vốn giữa các ngành thì phần lớn các ngành nghề chủ lực của nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy nhiều dấu hiệu tiêu cực. Ngành tiêu dùng thiết yếu duy trì xu hướng giảm vốn dài hạn. Trái với những thông tin tích cực mà bạn thường nghe trên các phương tiện truyền thông rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng của ngành bán lẻ, mức độ cạnh tranh quá lớn của ngành khi các tập đoàn lớn trên thế giới đã tham gia giành giật miếng bánh thị phần trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp nội địa chật vật ngay trên chính “sân nhà” của mình và không huy động thêm vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Ngành bất động sản – một trong những ngành lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam – tiếp tục là ngành huy động vốn nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu xem xét bức tranh toàn cảnh, lượng vốn mới của các doanh nghiệp bất động sản (kể cả Vingroup) cũng đã cho thấy xu hướng giảm. Đây cũng là một điều dễ hiểu khi thị trường bất động sản ở các thành phố lớn đã cho thấy dấu hiệu chững lại; bên cạnh đó những chính sách nhằm siết dòng vốn tín dụng vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước cũng góp phần không nhỏ khiến hoạt động kinh doanh của ngành kém tích cực hơn. Với việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành lộ trình tăng hệ số rủi ro của bất động sản trong các hoạt động cho vay từ 2020 và giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ngành bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.
Biểu đồ: Vốn huy động của ngành bất động sản theo quý (đơn vị: tỷ đồng)
Trong khi mà các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang tỏ ra thận trọng trong việc đầu tư mở rộng thì hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đang thể hiện sự giảm rõ rệt. Dòng tiền hoạt động kinh doanh, thể hiện khả năng tạo tiền của các doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh của mình, cho thấy các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu hoạt động không hiệu quả trong những năm gần đây.
Biểu đồ: Dòng tiền hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp Việt Nam (đơn vị: tỷ đồng)
Phân tích chi tiết thì chúng ta sẽ thấy rằng những đóng góp từ kết quả kinh doanh không hiệu quả của các doanh nghiệp bất động sản đang là yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả tạo tiền chung của toàn thị trường. Những rào cản về pháp lý cũng như những thay đổi trong quy định cho vay ngắn hạn từ nguồn vốn trung dài hạn sẽ tiếp tục là trở ngại chính cho xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Biểu đồ: Dòng tiền hoạt động kinh doanh 3Q2019 theo nhóm ngành (đơn vị: tỷ đồng)
Ngành nào sẽ hưởng lợi trong năm 2020?
Như đã phân tích, ngành sản xuất tiêu dùng thiết yếu và bất động sản sẽ còn gặp không ít khó khăn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các nhóm ngành liên quan đến bất động sản như xây dựng và vật liệu xây dựng cũng sẽ chững lại khi thị trường bất động sản “đóng băng”. Vậy, nếu xem xét trên khía cạnh vĩ mô, đâu sẽ là ngành có động lực phát triển trong tương lai?
Biểu đồ: Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng giai đoạn 2015 - 2018
Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng các khoảng vay tiêu dùng của Việt Nam luôn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trong các năm qua. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của phân khúc này là vẫn còn nhiều, các ngành nghề liên quan đến xu hướng tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình sẽ có thể phát triển tốt hơn các ngành nghề khác dựa trên những hỗ trợ từ xu hướng tiêu dùng của các hộ gia đình.
Trong bối cảnh những bất ổn sắp tới của nền kinh tế thì ngành ngân hàng, tài chính tiêu dùng và bán lẻ sẽ có thể được hưởng lợi từ xu hướng trên. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn nhiều biến động thì những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định và duy trì tăng trưởng sẽ có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư hơn. Tiêu dùng liên quan đến tiêu dùng cá nhân sẽ có triển vọng phát triển tốt hơn những ngành khác trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng cá nhân như FE Credit, HD Saison đã và đang cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ, các ngân hàng lớn cũng đang dần chú trọng hơn đến phân khúc khách hàng cá nhân.
Một ngành khác có rất nhiều tiềm năng khi xét đến các yếu tố nhân khẩu học của Việt Nam là bán lẻ, mà câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của Mobile World là một ví dụ điển hình. Các công ty như PNJ, Mobile World, FPT Retail hay Vincom Retail có kết quả kinh doanh và khả năng sinh lời tương đối tốt trong thời gian qua, cho thấy triển vọng trong dài hạn của lĩnh vực này vẫn còn khá lớn.
Hiểu biết những dịch chuyển của cấu trúc nền kinh tế trong trung hạn sẽ không những giúp cho các nhà đầu tư cá nhân đưa ra các quyết định đầu tư cổ phiếu tốt hơn mà còn giúp cho các chủ doanh nghiệp có thể ra các quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh tốt hơn theo xu hướng của nền kinh tế.
Forbes Việt Nam, tháng 01/2020