Ngành tiêu biểu năm 2017: Biến động giá nguyên liệu đã tác động đến tăng trưởng ngành công nghiệp như thế nào?
Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu luôn là một bài toán khó khăn mà các doanh nghiệp ngành công nghiệp đang phải đối mặt. Đặc biệt, khi giá của các nguyên liệu thường xuyên biến động trên thị trường. Ảnh hưởng của tác động trên đối với ngành công nghiệp như thế nào được phản ánh rất rõ thông qua mức tăng trưởng của ngành trong năm 2017.
Tóm lược:
- Các doanh nghiệp ngành công nghiệp có mức độ phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào, mức độ tự chủ nguyên liệu còn thấp ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành
- Các doanh nghiệp trong nhóm ngành công nghiệp đều đạt mức tăng trưởng doanh thu tốt trong năm. Tuy nhiên, có sự phân hóa giữa các nhóm doanh nghiệp
- Hoạt động đầu tư của ngành vẫn diễn ra ổn định trong năm, mặc dù không sôi nổi so với cùng kỳ năm 2016
- Cổ phiếu các doanh nghiệp ngành công nghiệp có mức tăng trưởng không đồng đều giữa các nhóm ngành
Sản phẩm của các công ty ngành công nghiệp nước ta chủ yếu là các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, nên biên lợi nhuận của đa số các công ty trong ngành đều không cao, tăng trưởng thấp. Những đặc điểm trên của ngành công nghiệp khiến các công ty trong ngành trở nên kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với ngành tiêu dùng, dệt may, bất động sản...
Phần lớn các cổ phiếu nhóm ngành công nghiệp đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài và mức độ tự chủ nguyên liệu trong nước còn thấp. Do đó, những ngành nghề này thường chịu sự biến động của giá nguyên liệu từ nước ngoài, chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, dẫn đến biên lợi nhuận thấp và kém lợi thế cạnh tranh.
Đáng chú ý nhất là các ngành công nghiệp nhựa, dệt may và dược phẩm, nhóm doanh nghiệp phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Trong đó, nguyên liệu ngành dệt may nhập khẩu chính là nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, trong nước chưa chủ động cung ứng được bông, vải và một số nguyên phụ liệu khác đều phải nhập khẩu. Dược và nhựa cũng là 2 ngành phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, khi đó hạt nhựa PE phải nhập khẩu 100% và nguyên liệu sản xuất dược phẩm nhập khẩu đến 99%.
Biểu đồ: Tỷ lệ phụ thuộc nguồn nguyên liệu của các ngành công nghiệp
Các doanh nghiệp trong nhóm ngành công nghiệp đều đạt mức tăng trưởng doanh thu tốt trong năm. Tuy nhiên, trong ngành có sự phân hóa giữa nhóm các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng và những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất những sản phẩm công nghiệp. Ngành xây dựng hưởng lợi từ xu hướng bùng nổ của thị trường bất động sản nên đạt mức tăng trưởng cao, trong khi các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp không có những tiến triển lớn, do sản phẩm sản xuất không có giá trị gia tăng lớn nên biên lợi nhuận thấp và bị ảnh hưởng nhiều bởi nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã cổ phiếu: CTD) tăng trưởng 31% về doanh thu đạt 27.154 tỷ. Với vị thế đầu ngành cộng với sự tăng ổn định của của nền kinh tế trong năm 2017, CTD có nhiều hợp đồng lớn dẫn đến doanh thu tăng trưởng trong năm 2017. Bên cạnh đó, ngành xây dựng có triển vọng lạc quan trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng và dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng ghi nhận tăng so với năm 2016.
Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Mã cổ phiếu: VCG) ghi nhận mức doanh thu đạt 10.897 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 27% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động xây lắp đóng góp chủ yếu khoảng 57% trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, nhờ việc đảm bảo tiến độ thi công công trình. Bên cạnh đó, hai mảng kinh doanh bất động sản và sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá mạnh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng doanh thu. Việc tái khởi động lại dự án Bắc An Khánh thông qua việc thực hiện khu biệt thự BT5 đã mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp trong năm.
Mặc dù, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (Mã cổ phiếu: BMP) đã đạt doanh thu hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2016. Doanh thu không tăng trưởng cao do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm, cụ thể như: Sự biến động giá và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, thị trường cạnh tranh không lành mạnh, rào cản gia nhập ngành bị tháo bỏ ngày càng thấp.
Biểu đồ: Tăng trưởng doanh thu các doanh nghiệp ngành công nghiệp năm 2017
Ngành công nghiệp trong năm 2017 thể hiện mức tăng trưởng đầu tư thấp so với năm 2016 và có đến hai quý hàng tồn kho của các doanh nghiệp trong ngành sụt giảm. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm đầu tư của ngành công nghiệp khai khoáng và xây dựng. Nhờ vào định hướng tái cơ cấu lại ngành công nghiệp, hoạt động đầu tư mở rộng trong năm chủ yếu tập trung vào ngành xây dựng và công nghiệp chế biến chế tạo.
ROS là doanh nghiệp có hoạt động đầu tư cao nhất ngành. Trong năm, doanh nghiệp nổi bật lên nhờ hàng loạt các dự án có quy mô và phức tạp được hoàn thành vượt tiến độ như FLC SeaTower, FLC Star Tower, FLC Green Home.
VGC trong năm đã thực hiện mở rộng các dự án ở Khu công nghiệp Yên Phong. Đây là một hoạt động mà doanh nghiệp sẵn sàng về hạ tầng, nhằm đón đầu làn sóng đầu tư đến từ Tập đoàn Samsung và các doanh nghiệp vệ tinh. Tập đoàn Samsung đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Yên Phong thêm 2,5 tỷ đô la, nâng tổng mức đầu tư lên 6,5 tỷ đô la dựa trên các chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ. Việc triển khai khu biệt thự cao cấp của chuỗi dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh là một trong những điểm nổi bật nhất của hoạt động đầu tư mở rộng VGC. Lợi nhuận của doanh nghiệp tăng là nhờ vào việc gia tăng một phần đầu tư từ trong chuỗi dự án siêu lớn nà.
Đối với AAA, hoạt động đầu tư nổi bật trong năm là đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất số 6 có công suất 3.200 tấn sản phẩm/tháng chuyên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Nhà máy sản xuất số 7 có công suất 800 tấn sản phẩm/tháng cho thị trường Hoa Kỳ.
Riêng với BMP, hoạt động đầu tư khá ảm đạm chủ yếu là các hoạt động đầu tư duy trì hàng năm. Ngay từ đầu năm 2017, công ty đã triển khai thành công dự án đầu tư xây dựng mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất Nhà máy Nhựa Bình Minh Long An. Công ty đã thực hiện đầu tư với tổng giá trị 430 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục xây dựng nhà xưởng mới, phát triển sản phẩm mới và đầu tư thêm máy móc thiết bị, khuôn mẫu... Do những thách thức liên quan đến giá nguyên liệu đầu vào tăng, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt đã khiến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp sụt giảm.
Biểu đồ: Tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp ngành công nghiệp
Mặc dù, ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, tuy nhiên mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong ngành khác. Đối với các cổ phiếu trong ngành công nghiệp thì có hai nhóm chính, nhóm các doanh nghiệp xây dựng và nhóm doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghiệp. Trong năm, hai nhóm ngành này đã thể hiện hai xu hướng tăng trưởng khác nhau.
Nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng có mức tăng trưởng cao hơn so với nhóm cổ phiếu chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng. Khi nhóm xây dựng được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng của thị trường bất động sản, kết quả tăng trưởng giá cổ phiếu của doanh nghiệp này ở mức trung bình từ 60-80% như: VCG hay ROS, tức là cao hơn mức trung bình của thị trường. Cũng là một cổ phiếu có vốn hóa lớn trong ngành, nhưng kết quả kinh doanh tăng trưởng chậm dần cũng như mức định giá cao trong những năm trước, khiến cho giá cổ phiếu CTD chỉ đạt mức tăng trưởng thấp hơn với 27%.
Trong khi đó, giá cổ phiếu về sản phẩm công nghiệp như BMP giảm 17% so với đầu năm, khi ngành nhựa gặp khó khăn dưới áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khi các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2017. Một số cổ phiếu ngành nhựa khác trong ngành như AAA cũng chỉ có mức tăng trưởng thấp hơn so với thị trường. Một động lực chính tăng trưởng nhất của ngành nhựa trong năm đó là các thông tin liên quan đến kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp như BMP hay AAA. Tuy nhiên, đến cuối năm thì các hoạt động thoái vốn vẫn chưa tiến triển.
Mức tăng trưởng cao nhất của ngành trong năm thuộc về VGC, tuy nhiên mức tăng trưởng của doanh nghiệp không đến từ hoạt động kinh doanh chính là mảng gạch ngói. Thay vào đó, những kỳ vọng về việc gia tăng tỷ trọng của mảng bất động sản công nghiệp và văn phòng cho thuê, khi công ty phát hành lớn vốn cổ phần đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua cổ phiếu VGC trong năm.
Biểu đồ: Kết quả tăng trưởng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghiệp
Tăng trưởng của ngành công nghiệp luôn có sự phân hóa giữa các nhóm doanh nghiệp. Tuy là ngành có nhiều cơ hội phát triển, nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào biến động giá của nguồn nguyên liệu đầu vào khiến một số doanh nghiệp ngành công nghiệp trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư. Từ đó, cổ phiếu cũng không có nhiều sự khởi sắc. Đây là một khó khăn rất lớn mà các doanh nghiệp ngành công nghiệp hiện vẫn đang chưa thể khắc phục nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp trong giai đoạn hiện tại và sắp tới.