Năm 2021: Chiến lược đầu tư tự doanh của các công ty chứng khoán sáu tháng đầu năm 2021

      Kết thúc quý hai thì cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn rung lắc liên tục so với giai đoạn tăng trưởng ổn định trong suốt một năm trước. Sau giai đoạn giảm mạnh thì thị trường dù đã hồi phục nhưng yếu tố không chắc chắn vẫn là rất lớn. Việc theo dõi động thái của các nhà đầu tư tổ chức sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm nhiều thông tin trong việc ra quyết định.

Tóm lược:

  • Lợi nhuận các công ty chứng khoán tăng từ mảnh tự doanh và các công ty đang tích cực cơ cấu lại danh mục.
  • Các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh mảng cho vay Margin và gia tăng tỷ trọng vào các trái phiếu.

      Mô hình hoạt động của một công ty chứng khoán điển hình sẽ bao gồm doanh thu từ ba mảng chính là mảng môi giới, mảng cho vay ký quỹ (margin) và mảng tự doanh. Đối với hoạt động cấp margin thì công ty chứng khoán sẽ dùng nguồn vốn của mình cho các nhà đầu tư vay để mua chứng khoán trong khi đó mảng tự doanh sẽ liên quan đến việc giao dịch các chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết để kiếm lời.

Lợi nhuận tăng nhưng các công ty đang tích cực cơ cấu danh mục

      Thu nhập của hầu hết các công ty chứng khoán nửa đầu năm 2021 đều đạt kết quả tốt do thanh khoản thị trường tăng mạnh cộng với lại kết quả hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán đều tăng trưởng tốt. Cơ cấu doanh thu hoạt động các công ty đa phần đều chuyển dịch lớn sang mảng tự doanh do phần lợi nhuận từ hoạt động tự doanh đều được tăng trưởng tốt. Sau khi đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng và thị trường đã đạt vùng đỉnh trong ngắn hạn thì các công ty chứng khoán đã cho thấy xu hướng cơ cấu chiến lược lại cho danh mục.

      Động thái các công ty chứng khoán giai đoạn này là chốt lời danh mục nhằm bảo toàn thành quả tăng trưởng năm 2020. Giai đoạn tiếp theo, mặc dù thị trường chứng khoán tăng rất mạnh và liên tục thiết lập các đỉnh mới nhưng xu hướng bán ròng của các công ty chứng khoán vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, tháng 7 ghi nhận mức bán ròng cao nhất kể từ đầu năm lên đến gần 5.000 tỷ đồng so với mức 482 tỷ đồng tháng 6. Như vậy, có thể thấy xu hướng chủ đạo của các nhà đầu tư tổ chức trong nước là bán ròng trong năm 2021. Các quỹ đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam cũng đang cơ cấu danh mục theo hướng bán bớt cổ phiếu và gia tăng tỷ trọng tiền mặt cũng như các tài sản nợ, đặc biệt là các quỹ cân bằng. Thông tin chi tiết về sự thay đổi trong chiến lược đầu tư của các quỹ sẽ được trình bày chi tiết trong bài viết “Thay đổi về chiến lược đầu tư của các quỹ”.

      Các công ty chứng khoán đang có sự thay đổi trong cơ cấu danh mục tự doanh. Mặc dù có một số công ty chứng khoán có quan điểm đầu tư khác với phần lớn trên thị trường như Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), nhưng xu hướng chung của hầu hết công ty trên thị trường là hạ dần tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục đầu tư trong 6 tháng đầu năm. Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) có mức hạ tỷ trọng cổ phiếu mạnh nhất từ mức 8,8% cuối năm 2020 xuống chỉ còn 1,1% cuối quý 1/2021 và sau đó tăng trở lại mức 3,6% cuối quý 2. Danh mục của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND) hay của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI  cũng sụt giảm đều đặn trong 3 quý vừa qua.

      Xét về góc độ ngành nghề tập trung đối với cổ phiếu niêm yết thì các công ty chứng khoán cho thấy những xu hướng đầu tư trái ngược nhau. Phần lớn các công ty chứng khoán khác đều đang giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng và vật liệu (HPG), vốn đã tăng giá mạnh trong giai đoạn vừa qua đồng thời duy trì tỷ trọng cao cho các cổ phiếu công nghệ (FPT) và bán lẻ (như MWG). Danh mục tự doanh của VND lại tập trung nhiều vào các cổ phiếu dòng “Vingroup” như VHM và VIC. Điểm đặc biệt của VND ở chỗ công ty vừa mở chứng quyền cho các cổ phiếu này và cả cho hoạt động đầu tư tự doanh. Ngược lại, danh mục tự doanh cổ phiếu của MBS lại đang gia tăng tỷ trọng đối với các cổ phiếu các ngân hàng tầm trung như TCB, VPB và STB.

Bảng: Xu hướng thay đổi trong danh mục cổ phiếu các công ty chứng khoán 6T-2021

Đầu tư trái phiếu duy trì và tỷ lệ vay margin tăng nhanh

      Các công ty chứng khoán cũng bắt đầu có sự gia tăng hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị mua các công ty chứng khoán ở mức 71.744 tỷ đồng chiếm 34,4% trong cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường. Trong đó, các công ty chứng khoán tập trung vào giải ngân ở các lĩnh vực ngân hàng (chiếm 53% tổng giá trị mua của công ty), bất động sản (33%) và năng lượng – khoáng sản (9%).

      Công ty chứng khoán mua phần lớn các trái phiếu ngân hàng với vai trò là trung gian phân phối từ thị trường sơ cấp của tổ chức tín dụng này sang tổ chức tín dụng khác (Thông tư 34/2013/TT-NHNN, TCTD không được mua trái phiếu phát hành trên sơ cấp của TCTD khác). Tuy nhiên, quy định đã được gỡ bỏ tại Thông tư 01/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021.

      Hoạt động cho vay ký quỹ cũng được các công ty chứng khoán chú trọng và dành một tỷ lệ lớn trên tổng tài sản. Nhu cầu vay ký quỹ các nhà đầu tư rất cao trong giai đoạn thị trường tăng nóng và năng lực tài chính các công ty chứng khoán chưa thể đáp ứng được hết, thậm chí nhiều công ty chứng khoán đã vượt mức trần quy định. Theo dữ liệu thống kê từ thị trường, dư nợ vay margin quý 2-2021 của 20 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường đã tăng lên đến hơn 122.000 tỷ đồng từ mức 98.400 tỷ quý 1-2021.

      Nhận thức được điều đó, hàng loạt các công ty chứng khoán đang đang hối hả chuẩn bị cho bài toán tăng vốn nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới. Đây có thể được xem là một trong những hoạt động có mức tăng trưởng lớn và ổn định về lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021 do đó dành được rất nhiều sự quan tâm của các công ty cho chiến lược kinh doanh trong giai đoạn tới. Chứng khoán SSI là công ty đi tiên phong trong việc đẩy mạnh cho vay ký quỹ trong quý 2 với kết quả ghi nhận phần lãi từ hoạt động cho vay và phải thu ở mức 338 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi HSC ghi nhận tăng gấp 2 lần, tỷ lệ tương tự cũng diễn ra ở các công ty khác như VND và MBS.

      Như vậy, thời gian tới các công ty chứng khoán có thể tiếp tục duy trì xu hướng hạ dần tỷ trọng cổ phiếu, đồng thời chuyển hướng tập trung hoạt động cho vay ký quỹ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản gia tăng của thị trường.