Năm 2021: Hoạt động R&D và an ninh y tế quốc gia

      Biến chủng Delta khiến cho các ca nhiễm Covid-19 ở các quốc gia Đông Nam Á đã tăng rất nhanh trong những tháng gần đây, mặc dù khu vực đã thực hiện chống dịch rất tốt trong năm 2020. Tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, những thất bại trong việc đảm bảo nguồn vắc-xin lại đang một lần nữa phơi bày những điểm yếu trong cấu trúc kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tóm lược:

  • Các công ty dược phẩm lớn trên thế giới chi rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)
  • Ở quy mô quốc gia, tỷ lệ đầu tư vào R&D của các quốc gia phát triển đều lớn hơn rất nhiều so với các quốc gia đang phát triển

      Tỷ lệ tiêm chủng các quốc gia Đông Nam Á đang thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới và chỉ cao hơn một chút so với các quốc gia Châu Phi. Thậm chí, các quốc gia khác trong nhóm đang phát triển ở khu vực Châu Á như Bahrain và Mông Cổ cũng đã đạt tỷ lệ tiêm chủng toàn dân lên đến 60%.  Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc từng trải qua giai đoạn có số ca nhiễm lớn nhất thế giới nhưng họ vẫn vượt qua. Anh và Indonesia cùng ghi nhận số ca mắc mỗi ngày với gần 50,000 ca nhiễm nhưng lại là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Anh, Mỹ và Trung Quốc đã dần mở cửa sản xuất và cuộc sống trở lại bình thường với người dân…Trong khi đó tại Đông Nam Á, các quốc gia đang chật vật chống chọi với sự lây lan của biến thể Delta. Chính khả năng tự chủ và tiếp cận vắc-xin đã tạo nên sự khác biệt.

Biểu đồ: Tỷ lệ người dân đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin trên thế giới

      Một câu hỏi đặt ra là tại sao khối kinh tế năng động chiếm tỷ trọng lớn trong xuất nhập khẩu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lại không có quốc gia nào có thể tự chủ sản xuất nguồn vắc-xin?

      Các công ty dược phẩm trên thế giới chi tiêu rất nhiều cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), liên quan đến việc nghiên cứu, bào chế và thử nghiệm lâm sàn các loại thuốc. Sau khi phát minh ra một loại thuốc thì công ty sẽ được cấp bản quyền độc quyền sản xuất trong một thời gian nhất định, gọi là biệt dược gốc. Khi bản quyền hết hạn, các doanh nghiệp sản xuất thuốc khác có thể sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm tương tự có cùng bản chất và chỉ định điều trị.

      Chi phí R&D này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh của các công ty dược phẩm. Phòng nghiên cứu của các công ty dược sẽ đảm bảo việc phát triển trước những nhu cầu cũng như giúp công ty phản ứng nhanh trước những biến động của xã hội như sự xuất hiện của một loại dịch bệnh hoặc một căn bệnh nào đó. Điều đó giải thích tại sao các công ty dược hàng đầu có thể nhanh chóng sản xuất ra vắc-xin trong thời gian qua.

Biểu đồ: Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) trên doanh thu các doanh nghiệp 2020

      Biểu đồ bên trên cho thấy tỷ lệ chi phí R&D trên doanh thu của các công ty dược lớn nhất thế giới. Phần lớn các công ty dược lớn nhất thế giới đều đặt ở Mỹ và Châu Âu, điều đó cũng góp phần lý giải vì sao các loại vắc-xin phổ biến nhất hiện nay đến từ các quốc gia này. Do là một đơn vị sản xuất thuốc generic nên việc đầu tư đối với hoạt động R&D của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (Mã cổ phiếu: DHG) và các công ty dược Việt Nam nói riêng chiếm tỷ lệ rất thấp. Sự chủ động được thuốc bản quyền giúp các công ty dược bản quyền lớn đạt tỷ suất sinh lời cao hơn so với các đơn vị chỉ sản xuất thuốc generic, quan trọng hơn cả là đóng góp giải quyết các vấn đề nhân loại cũng như an ninh y tế của quốc gia họ.

     Các số liệu thống kê cho thấy các quốc gia có tỷ lệ chi phí R&D cao đều là những quốc gia có thể chủ động được việc sản xuất vắc-xin trong nước hoặc liên kết sản xuất với các hãng dược quốc tế. Biểu đồ bên dưới thể hiện tỷ lệ phân bổ các nhà máy sản xuất vắc-xin khắp toàn cầu. Trong đó, ba loại vắc- xin phổ biến trên thế giới và Việt Nam hiện nay (được WHO phê duyệt từ đầu năm 2021) là AstraZeneca, Pfizer và Moderna đều có các nhà máy ở Mỹ và Châu Âu, loại vắc-xin AstraZeneca được phát triển từ phòng nghiên cứu Đại học Oxford tại Vương quốc Anh.

Biểu đồ: Phân bổ các nhà máy vắc-xin lớn trên thế giới

      Ở tầm quốc gia, tỷ lệ đầu tư R&D của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển và đang phát triển khác. Tỷ lệ chi phí R&D thấp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lợi thế cạnh tranh của quốc gia trong dài hạn, không những khiến quốc gia không thể bứt phá được so với thế giới và khu vực mà còn khiến quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, mặc dù thu hút được rất nhiều vốn FDI, nhưng chúng ta không thể nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác.

Biểu đồ: Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) trên GDP theo quốc gia năm 2020

      Như vậy, nền kinh tế của chúng đa đang đầu tư cho những lĩnh vực gì? Nhìn vào dòng vốn đầu tư các doanh nghiệp niêm yết những năm qua, bất động sản và tài chính đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng đầu tư các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, lên đến hơn 75% theo số liệu thống kê năm 2020. Trong khi đó, tại các cuộc thi về khởi nghiệp như Shark Tank Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực F&B hay việc xây dựng các platform để phục vụ cho lĩnh vực dịch vụ trong nền kinh tế.

      Điều này là không sai dưới góc độ cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, ai sẽ đang nỗ lực giải quyết các bài toán liên quan đến xã hội, về vấn đề thực phẩm và y tế hay xa hơn là vấn đề giáo dục và R&D. Hàng năm xã hội dành một nguồn lực rất lớn cho các dự án phát triển bất động sản, tuy nhiên ngành nông nghiệp chúng ta đang bỏ ngõ với những thực phẩm kém chất lượng, các ngành sản xuất èo uột và giờ đây là một nền y tế bấp bênh.

     Hoạt động R&D có cái giá của nó. R&D là những chi phí doanh nghiệp chi tiêu cho tương lai, nó không tốt cho lợi nhuận của doanh nghiệp trong hiện tại. Các doanh nghiệp quan tâm đến lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ xem các chi phí R&D là những gánh nặng về tài chính. Tuy nhiên, khi những con sóng thần xảy ra thì các chi phí cho sự chuẩn bị đó sẽ phát huy tác dụng, điều đó đã minh chứng đúng ở việc quản trị rủi ro cho cả tầm quốc gia và doanh nghiệp.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 08/2021

Chia sẻ: