Giải mã việc bãi bỏ đào tạo chất lượng cao hệ đại học tại các trường đại học
Tóm lược:
- Những tranh luận liên quan đến vấn đề chương trình đại trà và chất lượng cao
- Chương trình chất lượng cao nhìn ở góc độ chiến lược kinh doanh
Vào ngày 15 tháng 6 vừa qua Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT – BGDĐT bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT – BGDĐT ban hành quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Mặc dù Bộ giáo dục đào tạo gần đây khẳng định việc bãi bỏ không có nghĩa là cơ sở giáo dục không được phép đào tạo các chương trình đào tạo “đặc biệt” do trường thiết kế, tuy nhiên đằng sau quyết định này cũng để lại cho chúng ta những vấn đề đáng suy nghĩ.
Theo thông tư 23 thì chương trình đào tạo trong nước có hai loại chương trình là chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao. Chương trình đào tạo đại trà sẽ bị áp mức trần học phí theo quy định của Nhà nước trong khi chương trình chất lượng cao sẽ linh hoạt áp đặt mức phí tương xứng với chất lượng đào tạo. Mục đích của chương trình chất lượng cao là nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường học, đặc biệt là các trường công lập, nhằm giúp các trường linh hoạt xây dựng các ngành mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu trình độ nhân sự ngày càng cao của xã hội và nhu cầu hội nhập.
Sự ra đời của Thông tư 23 đã bắt đầu mở ra thời kỳ triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao ở các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học công lập. Chương trình chất lượng cao đóng vai trò như một bước cởi trói cho mức học phí của các trường Công lập khi với hệ chất lượng cao thì trường đại học có thể tự chủ ấn định mức thu, thường là cao từ 2-4 lần so với mức học phí của chương trình chính quy chuẩn. Biểu đồ bên dưới thể hiện tỷ trọng tuyển sinh của chương trình chất lượng cao đã gia tăng liên tục từ năm 2019 đến nay, tất nhiên tổng số lượng tuyển sinh của các trường cũng đã gia tăng mạnh về số tuyệt đối trong những năm qua. Thậm chí một số trường đại học giờ đây số lượng tuyển sinh chất lượng cao đã ngang bằng so với chương trình đại trà.
Những tranh luận liên quan đến vấn đề chương trình đại trà và chất lượng cao
Về bản chất, chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao không có quá nhiều khác nhau về lượng kiến thức truyền tải cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy. Hai chương trình chỉ khác nhau về những yếu tố gia tăng khi các trường đại học thường sẽ sử dụng chương trình đào tạo cho chương trình thường và thực hiện những điều chỉnh nhỏ. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở yếu tố dịch vụ khi chương trình chất lượng cao sẽ có số lượng sinh viên ít hơn, cơ sở vật chất tốt hơn cũng như các tiện ích hỗ trợ của trường sẽ tốt hơn.
Điểm tích cực nhất của chương trình chất lượng cao đó là việc sinh viên có thể được đào tạo một số môn học hoặc gần như toàn bộ bằng tiếng Anh (Tỷ lệ đào tạo số môn tiếng Anh có thể khác nhau ở các trường). Điều này có thể góp phần nâng cao chất lượng tiếng Anh đầu ra của sinh viên khi ra trường. Một số sinh viên nếu có thể tận dụng tốt những điều kiện thuận lợi và sự đầu tư của nhà trường của chương trình chất lượng cao thì hoàn toàn có thể tạo ra kết quả học tập và nghiên cứu tốt hơn rất nhiều.
Nếu như vậy thì điểm tranh luận và đề xuất bãi bỏ chương trình này trong những năm qua là gì? Mấu chốt nằm ở vấn đề liệu sinh viên chương trình chất lượng cao có thật sự là sinh viên tốt hơn sinh viên đại trà hay không. Để có thể thu hút nhiều sinh viên tham gia chương trình chất lượng cao thì các trường đại học thường lấy mức điểm chuẩn cho chương trình chất lượng cao thấp hơn tương đối so với chương trình đại trà. Như vậy, nhiều sinh viên tham gia chương trình chất lượng cao một phần vì các em có điều kiện kinh tế tốt và muốn một chất lượng dịch vụ tốt hơn thì cũng một phần trong đó tham gia chương trình chất lượng cao vì không đủ điểm tham gia vào chương trình chuẩn.
Nhiều tranh luận xoay quanh việc chương trình chất lượng cao không khác gì trường đại học thực hiện điều chỉnh điểm chuẩn cho một số nhóm đối tượng có điều kiện tài chính tốt hơn trong khi năng lực lại kém hơn so với sinh viên chính quy. Trong khi đó, khi tham gia học thì những sinh viên này lại được ưu ái hơn các sinh viên chương trình chuẩn nhiều trong việc tiếp cận các tiện nghi và dịch vụ cao cấp của trường. Thực tế thì dù như thế nào thì các trường công vẫn đang sử dụng các tài sản công, vốn nhằm mục đích phục vụ cho đại chúng chứ không chỉ một bộ phận nào. Tỷ trọng sinh viên chất lượng cao càng lớn thì việc phân phối cơ sở vật chất của trường lại đang dựa vào học phí đóng chứ không phải được xác định trên cơ sở công bằng.
Chúng ta vẫn có điểm ưu tiên thi đại học cho nhóm các đối tượng ưu tiên do khó khăn về hoàn cảnh, vị trí địa lý và gia đình chính sách. Đó là những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo yếu tố nhân văn và công bằng về mặt xã hội và nên nhớ là mức trần điểm ưu tiên cho nhóm ưu tiên 1 chỉ là 2 điểm. Nếu mức chênh lệch điểm chuẩn của chương trình thường và chương trình chất lượng cao cũng ở mức đó thì chẳng lẽ tiền có thể giúp quy đổi ra điểm ưu tiên. Một trường đại học có điểm cho hệ đại trà là 24 điểm và một sinh viên thi được 22 điểm. Vì không được hỗ trợ điểm ưu tiên của nhóm 1 là 2 điểm nên sinh viên này không đủ 24 điểm để trúng tuyển. Tuy nhiên vì trường đại học đã mở ra hệ chất lượng cao với điểm chuẩn chỉ là 22 điểm nên sinh viên này lại thành trúng tuyển. Vấn đề lớn nhất sẽ xảy ra đối với sinh viên thi 23,75 điểm và gia đình không đủ điều kiện tài chính để hỗ trợ bạn học hệ chất lượng cao. Như vậy bạn rớt trong khi sinh viên thấp điểm hơn lại đậu. Chúng ta nên lưu ý rằng số lượng tuyển sinh tối đa của mỗi trường đại học là có giới hạn, khi tăng tỷ trọng sinh viên chương trình chất lượng cao thì số lượng sinh viên chương trình đại trà có thể tuyển sinh sẽ giảm xuống. Khi đó sẽ đẩy điểm chuẩn của trường tăng cao hơn. Nói cách khác, xét về mặt cơ học thì chỉ cần cơ cấu tuyển sinh thay đổi thì điểm chuẩn của hệ đại trà sẽ có xu hướng tăng lên và tạo ra sự bất lợi cho các sinh viên thi hệ đại trà.
Chương trình chất lượng cao nhìn ở góc độ chiến lược kinh doanh
Về cơ bản thì việc triển khai chương trình chất lượng cao đã là xu thế chung của các trường đại học sau Thông tư 23. Tuy nhiên, cách tiếp cận giữa các trường rất khác nhau, giữa trường công lập và trường tư thục và thậm chí cách làm cũng khác nhau giữa các trường công lập. Chiến lược xây dựng chương trình chất lượng cao có thể được chia thành các nhóm sau đây:
- Chiến lược 1: Phát triển thương hiệu qua chương trình mũi nhọn
- Chiến lược 2: Phát triển các chương trình đào tạo bán gia tăng (Up-selling)
- Chiến lược 3: Nhóm chiến lược tận dụng cơ hội để phát triển kinh doanh
Chiến lược 1: Một số trường đại học công lập sẽ lựa chọn việc phát triển các chương trình chất lượng cao để xây dựng các ngành học mũi nhọn tạo ra thương hiệu nhận diện cho trường. Dù đã gần 20 năm từ lúc học đại học nhưng tôi vẫn ấn tượng chương trình Việt Pháp của Đại học Bách Khoa về mức uy tín và chất lượng. Chương trình Việt Pháp rất khắt khe về số lượng sinh viên tuyển sinh cho chương trình. Đại học Bách Khoa mỗi năm tuyển sinh 5.000 sinh viên, tuy nhiên số lượng sinh viên được tuyển cho chương trình chất lượng cao chỉ là 200, tương ứng với 4%. Việc tuyển sinh đã khó nhưng yêu cầu về chất lượng của chương trình cũng rất cao, cả về chuyên môn lẫn ngoại ngữ Anh-Pháp để có thể tạo ra sự khác biệt so với chương trình hệ đại trà.
Chương trình đào tạo này không hướng đến việc tối đa hóa nguồn thu cho trường, mà góp phần mang lại một hình ảnh định vị thương hiệu cho trường nhiều hơn. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp góp phần tạo một môi trường phát triển để các cá nhân tài năng có thể phát triển nhiều nhất có thể, theo đúng tinh thần “chất lượng cao”.
Chiến lược 2: Một số trường đại học có chủ trương khác biệt trong việc xét tuyển sinh viên vào chương trình đạo tạo chất lượng cao, tuy nhiên khi tuyển sinh ra ngoài thì chỉ có một chương trình. Các thí sinh sau khi trúng tuyển vào một số ngành trường quy định trước xét dựa trên điểm thi, điểm tiếng Anh từ Phổ thông hoặc các chứng chỉ tiếng Anh để được xét tuyển vào chương trình đào tạo chất lượng cao.
Mô hình cho các trường kể trên là sau khi sinh viên trúng tuyển vào trường có thể lựa chọn chương trình đào tạo chất lượng cao hoặc đại trà. Điểm đầu vào của các sinh viên là như nhau giữa hai hệ. Giống như mô hình “upselling” trong kinh doanh, quyền lựa chọn hoàn toàn nằm trong tay của sinh viên. Cách làm này đảm bảo được yếu tố công bằng giữa các sinh viên và vẫn phát triển tỷ trọng chương trình chất lượng cao theo định hướng của trường.
Chiến lược 3: Đây chính là cách làm của một số trường đại học công lập mà chúng ta đã thảo luận ở phần trên. Bảng bên dưới thể hiện về điểm chuẩn so sánh giữa chương trình chất lượng cao và chương trình đại trà của một số trường đại học công lập giấu tên. Mức chênh lệch điểm trung bình giữa hai hệ này thực tế đã được nới lên đáng kể từ năm 2018 đến nay. Nếu mức chênh lệch điểm trung bình là 1 điểm cho mùa tuyển sinh 2018 thì đến mùa 2022 mức chênh lệch này đã xấp xỉ 2 điểm.
Điểm chuẩn, tỷ lệ tuyển sinh và học phí cho hai hệ đào tạo chính là 3 biến số quan trọng trong mô hình tài chính của các trường đại học công lập này. Tuyển sinh hệ đại trà chính là nguồn khách hàng sẵn sàng mua sản phẩm với mức giá cơ bản trong khi đó tuyển sinh hệ chất lượng cao lại là nguồn lợi nhuận chính của các trường. Các trường đại học sẽ từng bước tối ưu tỷ lệ chuyển đổi giữa hai nhóm chương trình này song song với công tác truyền thông về chất lượng của chương trình chất lượng cao để thị trường quen dần với khái niệm này và sẵn sàng đầu tư cho con em. Điều này không có gì sai ở góc nhìn về tài chính đặc biệt là trong bối cảnh các trường công lập đang dần được trao quyền tự chủ tài chính trong những năm qua. Họ cũng giống như các đơn vị làm kinh tế và cũng phải suy nghĩ về việc phát triển kinh doanh để có thể có nguồn thu phát triển cơ sở đào tạo và chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, khi xét ở góc độ công bằng xã hội thì những tranh luận chỉ trích trên vẫn hoàn toàn có cơ sở bởi xét cho cùng thì các trường công vẫn đang khai thác tài sản công, vốn dĩ có sứ mệnh phải phục vụ cho những lợi ích của đại chúng, chứ không phải chỉ cho một nhóm nhỏ cá nhân. Nếu tỷ trọng tuyển sinh chương trình chất lượng cao, hay các chương trình đặc biệt sau này nhằm thu học phí cao chiếm tỷ trọng ngày càng cao thì các yếu tố tác động đến bình đẳng xã hội cần thực sự được cân nhắc đến.
Tóm lại, việc xây dựng các chương trình đào tạo chuyên biệt nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo luôn là một định hướng chung của Bộ giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, do hệ thống trường công giữ một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội nên các chính sách xây dựng hoạt động đào tạo của họ phải luôn được cân nhắc và xem xet để đảm bảo yếu tố công bằng giữa các nhóm trong xã hội. Việc điều chỉnh vừa rồi có thể thiện bước đi điều chỉnh ban đầu về chính sách của Bộ giáo dục đào tạo trước những tranh luận diễn ra trong nhiều năm qua. Tất nhiên, sắp tới sẽ cần những điều chỉnh tiếp theo để cân nhắc những yếu tố được đề cập trong bài viết.
SaigonTimes, 06/2023