Diễn biến tăng trưởng tín dụng và NIM cuối 2024

Quý 4/2024 tiếp tục thể hiện xu hướng tăng trưởng tốt của kinh tế ViệtNam và tăng trưởng tín dụng diễn biến tích cực hơn thời điểm này cuối năm ngoái rất nhiều. Sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng – quốc doanh, bán lẻ và chuyên doanh nghiệp – phản ánh chiến lược khác biệt và mức độ thích nghi với các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước giữa các nhóm ngân hàng. Việc cân bằng giữa tăng trưởng và NIM chính là sự khác biệt trong kết quả chiến lược giữa các ngân hàng.

Tính đến ngày 7/12/2024, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 12.5%, cao hơn đáng kể so với mức 9% cùng kỳ năm 2023. Tổng dư nợ nền kinh tế đạt 15.3 triệu tỷ đồng, trong khi tổng vốn huy động đạt 14.8 triệu tỷ đồng. Sự chênh lệch này cho thấy áp lực thanh khoản ngày càng lớn khi tín dụng tăng trưởng nhanh hơn huy động vốn. Điều này đã thúc đẩy ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách để hỗ trợ thanh khoản và giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng để đảm bảo lãi suất cho vay có thể duy trì ở mức thấp để gia tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, các nhóm ngân hàng lại có những định hướng tăng trưởng khác nhau dựa trên năng lực cạnh tranh của từng nhóm ngân hàng. Ngân hàng quốc doanh dẫn dắt thị trường với các gói tín dụng ưu đãi, trong khi ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ tập trung vào các nhu cầu vay tiêu dùng và bất động sản. Điều này không chỉ thể hiện chiến lược kinh doanh riêng biệt mà còn bộc lộ những thách thức lớn trong việc duy trì hiệu quả hoạt động và biên lợi nhuận.

Tăng trưởng tín dụng ở các nhóm ngân hàng

Nhóm ngân hàng quốc doanh ghi nhận tăng trưởng tín dụng ổn định nhờ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp và xuất khẩu. BIDV được dự báo đạt mức tăng trưởng cả năm đạt 14%, nâng tổng quy mô dư nợ lên gần 2 triệu tỷ đồng, trong khi Vietcombank và VietinBank kỳ vọng lần lượt đạt mức tăng trưởng 13% và 14.8%. Những gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp sau thiên tai bão YAGI hay thúc đẩy xuất khẩu đã giúp nhóm này đóng vai trò đầu tàu trong hệ thống. Tuy nhiên, áp lực thanh khoản từ chênh lệch tín dụng và huy động vốn vẫn là một thách thức lớn.

Hình 1: Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng

Picture3-50

Nguồn: Tổng hợp từ ngân hàng và MBS Research

Các ngân hàng bán lẻ như ACB, VIB và TPBank ghi nhận sự bứt phá nhờ nhu cầu tín dụng tiêu dùng cao vào cuối năm, đặc biệt khi nhiều dự án bất động sản được giải quyết vấn đề pháp lý và bắt đầu mở bán trở lại. ACB dự kiến tăng trưởng tín dụng 5% trong quý 4 với danh mục tín dụng được cân bằng giữa cho vay cá nhân và SME. VIB tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 22% sau giai đoạn tăng trưởng chật vật giai đoạn đầu năm, tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp tăng nhanh cộng với việc tín dụng cho vay mua xe và mua nhà là động lực chính cho tăng trưởng của VIB trong thời gian tới. TPBank dẫn đầu với tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 18.8%, nhờ đẩy mạnh các gói vay tiêu dùng và mua nhà. Tăng trưởng quý 4 của Sacombank khá khiêm tốn, chỉ đạt gần 4%, khả năng kết thúc cả năm ở mức 12%. Điều này dễ hiểu bởi chiến lược trọng tâm trong năm nay của ngân hàng vẫn là tập trung vào việc thực hiện đề án tái cơ cấu. Nhóm này khai thác tốt nhu cầu tiêu dùng cuối năm và kiểm soát tốt chi phí trích lập nợ xấu, góp phần duy trì tăng trưởng lợi nhuận.

Ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp như Techcombank và HDBank cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng đáng kể, nhưng kèm theo đó là áp lực lớn về chi phí trích lập dự phòng. Techcombank tăng trưởng 5% trong quý 4 nhờ vào các khoản vay bất động sản và các dự án lớn. Tuy nhiên, việc tập trung vào mảng doanh nghiệp lớn với biên lợi nhuận thấp khiến ngân hàng này chịu sức ép giảm NIM. OCB và LPB trong quý 4 cũng có sự tăng trưởng tương đối tốt khoảng 4-5% với chiến lược đẩy mạnh cho các doanh nghiệp SME tuy nhiên việc hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp cũng khiến NIM giảm nhẹ so với đầu năm.

HDBank kỳ vọng Q4 tăng trưởng tín dụng 8%, hưởng lợi từ các chương trình tái cơ cấu nợ và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong khi đó, một số ngân hàng tư nhân như MB Bank chuyển hướng từ doanh nghiệp lớn sang SME để đa dạng hóa danh mục và giảm rủi ro. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào dòng vốn bất động sản và các dự án dài hạn đã khiến các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ gia tăng nợ xấu khi thị trường bất động sản hồi phục chậm, đặc biệt là ở những phân khúc cao cấp.

Biến động NIM trong bức tranh tăng trưởng của các ngân hàng

Nhóm ngân hàng quốc doanh được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng suy giảm nhẹ NIM trong quý 4/2024, chủ yếu do các gói tín dụng ưu đãi và tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, SME – vốn có biên lợi nhuận thấp. BIDV và VietinBank chịu áp lực từ chi phí huy động vốn tăng cao khi CASA duy trì ở mức trung bình, lần lượt là 18.3% và 22.8%. Tuy nhiên, Vietcombank, với tỷ lệ CASA 33.5% sẽ chịu ít áp lực hơn với xu hướng lãi suất gia tăng, tuy nhiên việc quản trị chất lượng tín dụng tốt sẽ có thể khiến lãi suất đầu ra của Vietcombank sẽ có thể tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực để duy trì tăng trưởng. Ngoài ra, các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế cũng làm giảm thu nhập lãi thuần. Điều này đòi hỏi các ngân hàng quốc doanh phải cải thiện quản lý chi phí và tối ưu hóa danh mục tín dụng để duy trì hiệu quả hoạt động.

Ngược lại, các ngân hàng bán lẻ có triển vọng NIM tích cực hơn nhờ tập trung vào mảng tín dụng tiêu dùng và vay mua nhà – những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao. VPBank tiếp tục dẫn đầu với NIM 6%, nhờ sự đóng góp lớn từ mảng tài chính tiêu dùng của FECredit. Các ngân hang như ACB, Saconbank, TPBank và VIB cũng duy trì NIM ở mức 3.6%-3.8%, nhờ sự gia tăng trong danh mục vay cá nhân. Ngoài ra, việc kiểm soát tốt chi phí trích lập nợ xấu và tỷ lệ CASA ổn định ở mức trên 20% giúp các ngân hàng bán lẻ giảm áp lực chi phí vốn. Trong dài hạn, khả năng duy trì danh mục tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để giữ vững biên lợi nhuận.

Nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp như Techcombank, OCB, LPB và MB Bank lại đối mặt với sự suy giảm NIM. Techcombank, mặc dù tỷ lệ CASA đạt 36.5%, vẫn chịu áp lực từ việc chi phí vốn tăng do tỷ lệ CASA đang khó cải thiện thêm trong khi việc cho vay các doanh nghiệp lớn phải chấp nhận mức NIM thấp hơn trong khi không thể phát huy lợi thế CASA như các khoản cho vay hệ sinh thái trước đó. MB Bank, trong khi đó, đang cố gắng cân đối lại danh mục tín dụng để giảm phụ thuộc vào các khoản vay bất động sản. Tỷ lệ CASA cao giúp hai ngân hàng này phần nào ổn định chi phí huy động vốn, nhưng sự suy giảm trong biên lợi nhuận vẫn là một thách thức dài hạn. Trong khi đó, OCB và LPB với tỷ lệ CASA thấp hơn có nguy cơ phải đối mặt với sự suy giảm NIM nhanh hơn, gây áp lực lớn lên hiệu quả hoạt động tài chính

Hình 2: Tỷ lệ CASA của các ngân hàng cuối quý 3/2024

Picture3-51
 

Nguồn: Tự tổng hợp từ BCTC NHTM Q3 2024

Tăng trưởng tín dụng và biến động NIM trong quý 4/2024 phản ánh một bức tranh phức tạp của ngành ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng quốc doanh tiếp tục dẫn đầu nhưng phải đối mặt với áp lực thanh khoản và chi phí vốn gia tăng trong khi lãi suất đầu ra khó cải thiện. Nhóm bán lẻ duy trì lợi thế nhờ nhu cầu vay tiêu dùng và khả năng kiểm soát chi phí, trong khi nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp đối mặt với thách thức từ chi phí dự phòng. Trong năm 2025, các ngân hàng cần tối ưu hóa danh mục tín dụng, quản lý chi phí hiệu quả để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế tiếp tục biến động.

Trương Công Hoàng Duy – Yuanta Việt Nam

Lê Hoài Ân, CFA

Chia sẻ: