Năm 2020: Dịch Covid 19 là cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ
Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới khi các hoạt động kinh tế đã dần trở lại bình thường. Các hoạt động xã hội đối với chúng ta dường như đã trở lại bình thường tuy nhiên đối với các doanh nghiệp thì câu chuyện khó khăn vẫn ở phía trước. Tuy nhiên, đợt dịch này lại đang giúp doanh nghiệp ngỡ ra nhiều điều…
Tóm lược
- Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã trải qua giai đoạn rất khó khăn trong do dịch bệnh
- Nâng cao năng suất lao động là giải pháp hàng đầu được các doanh nghiệp lựa chọn sau mùa dịch.
- Chất lượng lao động đóng vai trong quan trọng đối với sự sống còn của doanh nghiệp trong đại dịch.
“Sao đổi ngôi” đang là những cụm từ mà giới đầu tư và kinh doanh đang nói về thế giới trong những ngày gần đây. Có ai ngờ những quốc gia siêu cường như Mỹ và Châu Âu lại đang gặp muôn vàng khó khăn trong khi đó những nước nhỏ như Việt Nam thì lại đang kiểm soát tốt tình hình. Có ai ngờ những doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới phải lâm vào cảnh phá sản trong những tháng vừa qua.
Trong giai đoạn khó khăn thì các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các giải pháp để sống sót như đẩy mạnh kinh doanh online, tìm thị trường mới cho nguồn nguyên liệu đầu vào, thay đổi sản phẩm, mở rộng thị trường… Tuy nhiên, giải pháp thực tế được ghi nhận từ kết quả khảo sát đó là việc nâng cao năng suất của người lao động. Thực tế, kết quả cho thấy việc nâng cao năng suất lao động là giải pháp hàng đầu được các doanh nghiệp lựa chọn sau mùa dịch.
Chuyên môn hóa dường như trở thành một điều hết sức bình thường của nền kinh tế hiện đại, ở đó mỗi người lao động sẽ được giao một công việc cụ thể liên quan đến quy trình cung cấp sản phẩm. Việc chuyên môn hóa khiến các doanh nghiệp lớn gặp rất nhiều khó khăn do bộ máy cồng kềnh nhiều ban bệ. Khi chi phí sụt giảm thì doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm nhân sự ở các bộ phận tuy nhiên việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm do các lao động đã quen với việc chuyên môn hóa từng khâu.
Trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp siêu nhỏ thì các lao động thời vụ đóng vai trò rất đáng kể. Việc tham gia của các doanh nghiệp thời vụ giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí nhưng thực tế lại khiến doanh nghiệp rất khó để tăng trưởng bởi sự hạn chế trong năng suất của người lao động. Lao động thời vụ thông thường có mức độ tập trung thấp hơn rất nhiều so với lao động chính thức do phải phân tâm cho các mục tiêu khác.
Khi dịch bệnh xảy ra thì số lượng nhân sự thời vụ của doanh nghiệp siêu nhỏ đã sụt giảm rất nhiều do những quy định về hạn chế đi lại. Trong những giai đoạn này thì chỉ một vài nhân viên đang phải gánh một khối lượng lớn công việc của phần lớn các nhân viên khác. Tuy nhiên, chính trong giai đoạn khó khăn đó thì năng suất lao động đã được gia tăng đáng kể khi doanh thu của chỉ ba nhân viên lại đạt hiệu quả cao hơn so số lượng nhân viên nhiều hơn lúc trước dịch.
Lĩnh vực dịch vụ có sự khác biệt rất lớn trong chất lượng và năng suất của người lao động. Đó cũng là lý do tại sao mà công ty café hàng đầu thế giới như Starbuck rất hạn chế trong việc tuyển dụng lao động thời vụ. Thay vào đó họ lựa chọn được những nhân viên có thể gắn bó lâu dài với công ty, xem công ty như một gia đình. |
Một trong những lợi ích của việc có ít nhân viên đó là tần suất nhân viên phải làm việc với khách hàng được gia tăng đáng kể so với việc chỉ trực theo ca như trước đây. Việc lặp đi lặp lại công việc khiến cho các kỹ năng của nhân viên. Trước đây có một sự tách biệt rất rõ giữa các bộ phận chốt sales và chăm sóc khách hàng nhưng khi số lượng nhân viên sụt giảm khiến cho việc cùng một nhân viên sẽ phải làm tất cả các khâu.
Kỹ năng trong lĩnh vực dịch vụ cũng giống như các kỹ năng thông thường khác, nó sẽ mất một thời gian tiếp xúc rất lâu để có thể quen thuộc. Tuy nhiên, một khi đã thuần thục rồi thì các kỹ năng sẽ ở mãi trong người lao động, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Hãy nghĩ về những kỹ năng cơ bản như kỹ năng đánh máy hoặc kỹ năng chơi một loại nhạc cụ chẳng hạn, một khi đã hình thành thì chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện các cử động bằng cảm giác.
Trong điều kiện hạn chế thì nhân viên lại có điều kiện tiếp xúc với toàn bộ quy trình kinh doanh, đồng thời với tần suất hơn rất nhiều. Việc tham gia vào toàn bộ quá trình khiến họ hiểu hơn những gì đang làm và có thể ý thức được mình cần phải làm gì để kết quả công việc chung sẽ tốt hơn.
Những nhân viên trưởng thành trong mùa dịch không chỉ nâng cao được sức lao động của họ mà nó còn trở thành một tấm gương cho những nhân viên khác noi theo. Sức lao động của con người có một khả năng lan tỏa rất nhanh. Khi mọi người nghĩ là không thể thì mọi thứ sẽ thay đổi theo hướng không thể nhưng khi sự thay đổi xuất hiện thì nó sẽ tạo ra những đột phá.
Vấn đề của người Việt là không phải chúng ta không có năng lực mà là vì chúng ta chưa từng bị đẩy vào thế khó để phải thực sự phải nỗ lực hết sức. Lịch sử dân tộc đã từng chứng minh chính trong những giai đoạn khó khăn đó thì ý chí chiến đấu và khả năng sống còn của người Việt lại trỗi dậy và giai đoạn dịch bệnh vừa qua cũng là một minh chứng cho điều đó.
Đợt dịch này đã giúp các chủ sử dụng lao động và cả người lao động thấy được những sức mạnh tiềm tàng vẫn chưa được khai phá của lao động của doanh nghiệp. Những hiện tượng mùa dịch sẽ là những gợi ý để cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tái cấu trúc lại lực lượng lao động sau này.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tháng 06/2020