Chiến lược phát triển kinh tế Trung Quốc trong 10 năm tới (P.1)

      Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ, quốc gia này đã vượt qua nhiều quốc gia với tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm, trong hơn 3 thập kỷ liên tiếp và giữ vững vị thế thứ 2 từ năm 2010 đến hiện tại. Nhưng đặc điểm nào của nền kinh tế đã giúp cho họ có được vị thế vững chắc như vậy trên trường quốc tế. Bài viết này sẽ làm rõ các vấn đề về đặc điểm cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc, qua đó giúp người đọc nắm bắt được các yếu tố nền tảng cho chiến lược phát triển 10 năm tới của nền kinh tế Trung Quốc.

      Mặc dù, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm thấp hơn nhiều trong những năm gần đây, nền kinh tế của nước này vẫn mở rộng với tốc độ hơn hai lần so với tốc độ của Mỹ trong năm 2018. Tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp của Trung Quốc cao hơn đáng kể so với phần lớn nước và cả Mỹ, khi đó tổng đóng góp vào GDP của 2 khu vực này trong năm 2019 của Mỹ là 19,1% và 46,1%. Mặc dù, nông nghiệp cũng là một ngành công nghiệp chính của Mỹ, nhưng ngành này chỉ chiếm khoảng 1% trong cơ cấu nền kinh tế trong nhiều năm, trong khi của Trung Quốc có mức trung bình là 7%.

Biểu đồ: Cơ cấu GDP của Trung Quốc theo ngành giai đoạn 2009-2019

      Dịch vụ và công nghiệp là hai khu vực kinh tế quan trọng đóng góp hơn 90% trong cơ cấu GDP. Tỷ trọng này, có xu hướng thay đổi dần qua từng năm, nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm dần qua từng năm trở thành khu vực kinh tế thứ yếu của quốc gia. Đóng góp của khu vực nông nghiệp đã giảm từ 10% năm 2009 xuống ở mức 7,1% năm 2019. Công nghiệp là ngành đóng góp khoảng 40% trong cơ cấu GDP, khu vực công nghiệp cũng giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu GDP. Thực tế có thể thấy, dịch vụ chiếm khoảng 53,9% năm 2019 trong khi năm 2009 là 46,2%, tăng hơn 10% kể từ năm 2009 trong khi hai khu vực còn lại giảm dần trong 10 năm qua. Sự phát triển của dịch vụ đã từng bị kìm hãm bởi chính sách tập trung phát triển công nghiệp của quốc gia. Nền kinh tế thứ 2 thế giới đã là công xưởng lắp ráp và sản xuất toàn cầu với ưu điểm về khả năng đáp ứng đủ nguồn nhân lực và chi phí rẻ. Do đó, tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GDP luôn lớn hơn hẳn so với nông nghiệp và dịch vụ trong giai đoạn trước năm 2015.

      Từ sau năm 2015, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tập trung vào thị trường tiêu dùng nội địa như là động lực tăng trưởng chính, thay vì tập trung vào xuất khẩu và đầu tư như trước đây. Từ đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ ngày càng lớn khi tỷ trọng này gia tăng từ mức 48% lên 54% chỉ trong giai đoạn từ 2014-2019. Đồ thị bên dưới đang thể hiện mức đóng góp của tiêu dùng trong nước ngày càng lớn với mức tăng trưởng của GDP, thay vào đó là mức độ thu hẹp dần của các hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư sụt giảm, cũng giúp cho tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc được điều chỉnh giảm, từ đó góp phần đảm bảo an toàn của hệ thống tiền tệ ngân hàng. Vì Chính phủ Trung Quốc chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhưng đổi lại nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.

Chia sẻ: