Chiến lược phát triển kinh tế của Mỹ trong 10 năm tới (P.1)

      Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ vào đầu năm 2017. Nền kinh tế phục hồi mạnh đã giúp khôi phục rất nhiều lượng việc làm mất đi trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2009. Tổng thống Donald Trump thừa hưởng giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài suốt 91 tháng từ nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama và ông đã tiếp tục nối dài thành tích đó. Giai đoạn tăng trưởng kinh tế liên tục kéo dài kỷ lục lên đến 122 tháng trước khi kết thúc lúc dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ vào quý 1/2020.

Biểu đồ :Thời gian tăng của các đợt kinh tế tăng trưởng của Mỹ

      Tăng trưởng kinh tế Mỹ sau đó đã sụt giảm liên tục trong hai quý 1 và 2 của năm 2020, khi mức tăng trưởng kinh tế lần lượt giảm 5% và 31,7%. Xu hướng suy giảm sẽ dự kiến tiếp tục kéo dài nếu như dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Mỹ trở thành tâm dịch của thế giới, do đó những dự báo về xu hướng phát triển kinh tế của Mỹ sẽ có thể bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian tới.

      Tuy nhiên, dựa trên những chính sách của Tổng thống Donald Trump kiên quyết, duy trì trong suốt nhiệm kỳ thì có thể thấy rằng sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì đây sẽ là những xu hướng chính ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong dài hạn.

      Trước khi dịch bệnh xảy ra thì đã có những tranh luận rất lớn giữa giới cầm quyền chính quyền Trump và các chuyên gia về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn cho nền kinh tế Mỹ. Chính quyền Trump cho rằng sẽ đưa nền kinh tế về mức tăng trưởng 3% trong dài hạn, trong khi các chuyên gia cho rằng các chính sách cắt giảm thuế năm 2017 và cả những chương trình hỗ trợ tiếp theo trong năm 2018 chỉ có những tác động ngắn hạn lên GDP. Do đó, họ cho rằng mức tăng trưởng kinh tế hợp lý chỉ có thể là 2%.

      Phần đầu tiên chúng ta sẽ đi vào các động lực tăng trưởng kinh tế Mỹ. Để đánh giá mức tăng trưởng 3% của nền kinh tế Mỹ liệu có khả thi hay không thì chúng ta có thể hiểu rằng mức tăng trưởng của các nền kinh tế như Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố là lực lượng lao động và năng suất lao động. Vấn đề tăng trưởng lao động sẽ ảnh hưởng rất lớn, bởi những yếu tố người nhập cư. Tuy nhiên, với những chính sách cứng rắn của Tổng thống Mỹ về vấn đề này, thì khả năng động lực tăng trưởng từ người nhập cư sẽ bị hạn chế. Trong khi đó, yếu tố thứ hai về năng suất lao động, liên quan đến việc đầu tư vào máy móc và hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D). Vấn đề cải thiện năng suất lao động toàn cầu đang gặp khó khăn và Mỹ cũng tương tự. Những chuyên gia cho rằng, mức tăng trưởng năng suất lao động có thể tốt hơn trong những năm tới nhưng sẽ rất khó để đạt được như mức trung bình 3,1% của giai đoạn 1950-2018.

      Năng suất lao động chỉ tăng nhanh trong giai đoạn 1948-1973, nhưng đã sụt giảm mạnh ở giai đoạn sau từ 1970-1990. Điều đó, đã ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ tăng trưởng tiền lương cho người lao động trong giai đoạn này. Năng suất lao động được cải thiện trong giai đoạn tiếp theo từ 1990 đến những năm đầu của thế kỷ 21 với sự phát triển của công nghệ tiếp theo. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo cho đến gần đây thì năng suất lao động thậm chí còn tăng thấp hơn, tốc độ tiền lương tăng chậm tương ứng nên đã ảnh hưởng đến sức mua của sức lao động ở Mỹ trong những năm gần đây.

      Tăng trưởng từ động lực tăng năng suất lao động là chìa khóa quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động. Những đơn vị sử dụng lao động sẽ sẵn sàng trả tiền lương cho người lao động, để không lo lắng ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối cùng, nếu như lao động có thể cải thiện năng suất để tăng giá trị trong sản phẩm tạo ra hoặc giảm số giờ sản xuất sản phẩm.

      Dựa trên những yếu tố trên, có thể thấy khả năng nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng 3% như chính quyền Trump đưa ra là rất khó có thể đạt được. Thay vào đó, mức tăng trưởng 1,7% sẽ có lẽ là một ước lượng hợp lý hơn.

Biểu đồ: Mức tăng trưởng kinh tế dự kiến của Mỹ trong 10 năm tới

      Tóm lại, có thể thấy các động lực tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đến từ hai yếu tố cơ bản là lao động và năng suất lao động. Triển vọng trong tương lai cho thấy năng suất lao động mới chính là chìa khóa cho sự tăng trưởng, tuy nhiên việc tăng trưởng năng suất lao động sẽ đòi hỏi đi kèm với cải thiện về tiền lương nhằm đảm bảo cho cuộc sống của người lao động ổn định, chú trọng vào công việc hơn.

Chia sẻ: