Bài học từ chiến lược thu hút dòng vốn FDI của Trung Quốc
Việt Nam luôn nằm trong những quốc gia đang phát triển thu hút được nhiều vốn FDI trên thế giới tuy nhiên những gì diễn ra trong vài thập niên vừa qua cho thấy giá trị mang lại của các dự án FDI đối với Việt Nam không lớn như chúng ta đã nghĩ. Câu chuyện sau đây về cách Trung Quốc đã thực hiện thu hút và sử dụng dòng vốn FDI để hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế trong hơn 40 năm qua sẽ cho chúng.
Bất chấp việc đại dịch Covid-19 khiến cho hoạt động đầu tư FDI toàn cầu giảm mạnh tuy nhiên Việt Nam vẫn chứng minh được tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế khi dòng vốn FDI vẫn được duy trì ổn định trong năm 2021 với mức 26 tỷ đô la Mỹ, xấp xỉ mức năm ngoái. Bối cảnh sau đại dịch sẽ mang lại những cơ hội lớn cho những quốc gia như Việt Nam trước xu hướng cơ cấu lại dòng vốn đầu tư toàn cầu, tuy nhiên liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội được dòng vốn FDI để thay đổi cấu trúc nền kinh tế hay hay không vẫn là dấu hỏi lớn.
Tóm lược:
- Không nhiều các quốc gia thực sự hưởng lợi từ dòng vốn FDI, chỉ khoảng 20 quốc gia có thể thu hút được dòng vốn FDI quy mô lớn và ổn định
- Hành trình thu hút dòng vốn của FDI của Trung Quốc được chia ra làm hai giai đoạn rất khác biệt về mặt chiến lược và định hướng phát triển
- Kiểm soát dòng vốn FDI và việc cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu phát triển
Không nhiều các quốc gia thực sự hưởng lợi từ dòng vốn FDI
Các số liệu thống kê về việc nghiên cứu về thực trạng việc thu hút vốn và tác động thật sự của dòng vốn FDI đến nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ lại. Trong hơn 160 quốc gia đang phát triển tích cực thu hút dòng vốn FDI toàn cầu thì chỉ khoảng 20 quốc gia có thể thu hút được dòng vốn FDI với quy mô lớn và ổn định. Trong đó, số lượng quốc gia thực sự có thể khai thác dòng vốn FDI để thực sự giúp quốc gia chuyển mình là rất ít.
Về lý thuyết thì dòng vốn FDI tác động lên tình hình hình kinh tế của quốc gia sở tại theo hai hướng khác nhau, cả tích cực và tiêu cực. Xét về mặt tích cực thì dòng vốn FDI sẽ không những giúp chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại mà còn giúp nâng cấp chất lượng của người lao động tại quốc gia sở tại. Bên cạnh đó, việc xuất hiện của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, sẽ góp phần giúp cho các Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước góp phần đẩy nhanh các cải cách kinh tế. Tuy nhiên, việc không quản lý dòng vốn FDI một cách hiệu quả sẽ có thể dẫn đến việc nền kinh tế nước sở tại sẽ có thể bị chi phối bởi các doanh nghiệp FDI vốn có nhiều lợi thế về vốn và công nghệ, qua đó khiến cho các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong quá trình phát triển. Điều đó đã xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Chúng ta đã thành công trong việc duy trì việc thu hút ổn định nguồn vốn FDI tuy nhiên có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến một chiến lược dài hơi hơn để đóng góp của những doanh nghiệp FDI không chỉ về lượng mà còn giúp cho nền kinh tế Việt Nam có thể chuyển mình về chất.
Quốc gia thành công nhất trong việc thu hút và khai thác dòng vốn FDI để thay đổi về chất cho nền kinh tế chính là Trung Quốc, nước vừa leo lên vị trí số 1 trong việc thu hút dòng vốn FDI trong năm 2020 vừa qua. Bắt đầu từ sau giai đoạn cải cách kinh tế năm 1978, bài học của Trung Quốc về việc khai thác dòng vốn FDI của Trung Quốc chính là bài học kinh điển về việc sử dụng khả năng đàm phán quốc gia để cân bằng lợi ích của quốc gia trong dài hạn và lợi ích tài chính của các tập đoàn đa quốc gia.
Hành trình thu hút dòng vốn FDI của Trung Quốc
Chiến lược thu hút dòng vốn FDI của Trung Quốc được chia ra làm hai giai đoạn rất khác biệt về mặt chiến lược và định hướng phát triển, đó là giai đoạn trước những năm 2000 và giai đoạn từ năm 2000 trở về sau.
Trong giai đoạn 1978-2001 thì Trung Quốc chủ yếu tập trung kêu gọi các doanh nghiệp FDI thiên về xuất khẩu các sản phẩm ra các thị trường nước ngoài, thông qua việc thành lập các đặc khu kinh tế quản trọng. Trong giai đoạn này, FDI vào Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các ngành gia công, chế tạo, sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, để hạn chế các tác động của các doanh nghiệp FDI lên ngành sản xuất trong nước thì Chính phủ áp đặt những hạn chế đối với các doanh nghiệp FDI sản xuất các mặt hàng cho thị trường nội địa. Những hạn chế này góp phần giúp cho các doanh nghiệp trong nước có thời gian để học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các doanh nghiệp FDI và tranh thủ thiết lập nền tảng thị trường vững chắc cho giai đoạn cạnh tranh sắp tới.
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có thể xuất khẩu, thông qua các hình thức trợ giá xuất khẩu cũng như việc ưu đãi lãi suất. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng chất lượng cao trong giai đoạn này ở Trung Quốc cũng góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc khi chi phí logistics của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Trong giai đoạn từ 2001 trở về sau thì Chính phủ Trung Quốc giảm bớt các hạn chế đối với các doanh nghiệp FDI hướng về thị trường nội địa. Bên cạnh đó, việc liên doanh của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa được đẩy mạnh bởi Chính phủ. Thông qua chính sách này thì Chính phủ không chỉ khiến thị trường Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn bởi các doanh nghiệp FDI sẽ có thể tiếp cận thị trường tiêu thụ tỷ dân mà còn giúp cho các doanh nghiệp trong nước sẽ có thể tiếp cận được với các công nghệ sản xuất hiện đại. Các FDI thiên về nghiên cứu phát triển và có hàm lượng công nghệ cao được các chính phủ Trung Quốc khuyến khích. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước được Chính phủ khuyến khích việc nghiên cứu về công nghệ để đảm bảo khả năng tương thích với xu hướng chuyển giao công nghệ với giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa.
Kiểm soát dòng vốn FDI và việc cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu
Trong giai đoạn ban đầu thì các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc cả về vấn đề xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, bắt đầu giai đoạn 2003-2005 thì các tỷ lệ đó đã bắt đầu giảm dần, cụ thể các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 58% trong xuất khẩu năm 2005 nhưng đến 2019 thì chỉ còn 41%. Trong khi đó, tỷ lệ sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI cũng giảm từ mức 36% năm 2003 về mức 25% năm 2019. Các con số trên cho thấy việc Chính phủ Trung Quốc đã có thể tận dụng năng lực của các doanh nghiệp FDI để tăng cường năng lực của các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc theo thời gian như thế nào.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp một quốc gia có thể khai thác được nguồn vốn FDI đó là việc đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu phát triển. Quốc gia sở tại sẽ cần phải đạt được một mức độ tối thiểu về trình độ lao động chất lượng cao để có thể vừa thu hút được dòng vốn FDI chất lượng, qua đó lại vừa có thể tối đa được sự gia tăng trong giá trị nguồn lao động với sự hiện diện của dòng vốn FDI. Thống kê cho thấy kể từ giai đoạn năm 2000 trở về sau thì Trung Quốc đã thực hiện đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ và giá trị đầu tư ngày càng thu hẹp so với các quốc gia phát triển khác và hiện tại chỉ còn thấp hơn Mỹ.
Trong khi đó, các quốc gia tiếp nhận dòng vốn FDI nhiều nhưng nếu không có chiến lược phù hợp sẽ rất dễ rơi tình huống gia công, vốn có giá trị thấp nhất trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Đối với các quốc gia gia công này thì các dòng vốn FDI chỉ tập trung vào việc khai thác nguồn tài nguyên và nguồn lao động giá rẻ của những quốc gia này. Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI sẽ ở mức rất thấp khi hầu như các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước sẽ không đủ khả năng công nghệ để phối hợp sản xuất cùng các doanh nghiệp FDI. Phần lớn nguồn nguyên liệu và linh kiện sản xuất đều sẽ nhập từ nước ngoài, khi đó có thể tạo ra những áp lực cho cán cân vãng lai của quốc gia.
Các con số tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay sản phẩm công nghiệp sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như các doanh nghiệp FDI vẫn xem chúng ta như một cơ sở gia công giá trị thấp. Câu chuyện Trung Quốc cho chúng ta thấy những bài học về việc hoạch định dòng vốn FDI một cách chiến lược để khai thác nguồn vốn này trong việc khơi thông giá trị tiềm năng của nền kinh tế trong dài hạn.
Saigontimes, 12/2021