Năm 2020: Vai trò chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc sẽ thay đổi

       Các quốc gia luôn muốn duy trì mức tăng trưởng kinh tế, đồng thời gia tăng hiệu quả sử dụng vốn nên ngày càng sử dụng nhiều mô hình kinh doanh hiệu quả, như mô hình “Just-in-time” hay “Lean business” . Những mô hình này sẽ hạn chế việc duy trì mức dự trữ bằng cách kết nối và phối hợp giữa các nhà cung cấp một cách hiệu quả bằng hệ thống tự động. Nhờ đó, nên hàng tồn kho dự trữ được giảm xuống dưới mức tối thiểu và qua đó giải phóng được nguồn vốn lớn để thực hiện các hoạt động kinh doanh.

 

Tóm lược:

  • Trung Quốc là mắc xích rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
  • Trung Quốc đã tận dụng vai trò là công xưởng thế giới để tạo áp lực lên các quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng.
  • Các quốc gia trên thế giới sẽ phải suy nghĩ lại bài toán đầu tư ra nước ngoài của mình, cũng như bài toán tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu.

       Hầu hết, các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đều lựa chọn Trung Quốc trở thành mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất. Trung Quốc trở thành động lực chính, góp phần tạo ra giá trị cho những tập đoàn khổng lồ của Mỹ và Châu Âu. Sau khi đạt được mức tăng trưởng bão hòa thì các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn việc dịch chuyển nguồn lực sản xuất về Trung Quốc, để tối ưu hóa nguồn vốn lưu động sử dụng trong quá trình sản xuất, cũng như hưởng lợi từ chi phí nhân công giá rẻ ở Trung Quốc.

       Vai trò của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn, khi các doanh nghiệp sản xuất ở Trung Quốc sẽ có thể tận dụng một hệ sinh thái sản xuất toàn diện, bao gồm các thế mạnh về cơ sở hạ tầng, mạng lưới logistic và nguồn lao động tay nghề hoàn toàn vượt trội so với nhóm những quốc gia đang phát triển khác. Chính những lợi thế đó, đã giúp cho nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Biểu đồ: Tỷ trọng các hoạt động kinh tế của Trung Quốc so với toàn cầu

       Thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 20 năm qua thì vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu đã ngày càng gia tăng. Trong báo cáo kinh tế đột xuất mới nhất vào tháng 03/2020 của OECD trước tác động của diễn biến dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu, OECD nhấn mạnh việc các số liệu thống kê đang cho thấy thế giới đang trao cho Trung Quốc một sức mạnh rất lớn.

       Điều nghịch lý nhất là trong giai đoạn trỗi dậy của Trung Quốc thì cũng là giai đoạn thịnh vượng nhất của các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ và nhiều nước phương Tây. Những doanh nghiệp này, tạo ra một mô hình sản xuất hiệu quả và giải phóng lớn lượng tiền ra khỏi hoạt động của họ. Trong vòng 10 năm qua thì những tập đoàn này, thừa tiền nhiều đến mức chi một lượng lớn tiền đến cả nghìn tỷ đô la để thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ để làm lợi cho các cổ đông. Hãy nghĩ về Apple hay Microsoft khi phần lớn hoạt động đầu tư và sản xuất của họ diễn ra ở Trung Quốc chứ không phải ở nước Mỹ.

Khi công xưởng thế giới trở thành kho súng

      Câu chuyện sẽ không dừng lại ở đó, khi đợt dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc và họ lợi dụng vị thế trở thành công xưởng thế giới, để tạo ra sức ép về chính trị cho những quốc gia khác trong dài hạn. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, những quốc gia khác đều viện trợ cho Trung Quốc khá “vô tư”. Cho đến khi dịch bệnh lan rộng ở nhiều nước như Mỹ và Châu Âu, thì Trung Quốc đã “cứu trợ” những trang thiết bị y tế và xem đây là một cơ hội để đàm phán lại các điều kiện thương mại, hay gia tăng tầm ảnh hưởng đối với những quốc gia khác. Những quốc gia hoàn toàn bị động vì họ không chủ động được nguồn nguyên liệu để sản xuất thiết bị y tế. Số liệu chứng minh rằng Mỹ và Châu Âu đã trao cho Trung Quốc một vai trò quá quan trọng trong việc kiểm soát nguồn cung nguyên liệu, cũng như các thiết bị, công cụ và dụng cụ cho các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị y tế.

Biểu đồ: Xuất khẩu thiết bị y tế của Trung Quốc giai đoạn 2001-2016

       Biểu đồ trên cho thấy, vai trò của Trung Quốc đã gia tăng trong việc xuất khẩu các thiết bị y tế. Chỉ trong vòng 20 năm qua, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp hàng chục lần, chỉ từ mức khoảng 200 triệu đô la lên mức 15 tỷ đô la vào cuối năm 2016. Hơn hết, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng cao, điều này càng chứng tỏ rằng những nước phương Tây đang chuyển giao dần công nghệ sản xuất nhiều nguyên liệu, cũng như các vật phẩm trung gian trong quá trình vận hành ngành y tế cho Trung Quốc.

Biểu đồ: Xuất khẩu đồ bảo hộ y tế của Trung Quốc năm 2013 theo thị trường

       Chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi y tế toàn cầu nói riêng, đang bộc lộ những khuyết điểm lớn liên quan đến việc tối ưu hóa mọi vấn đề và chúng ta đẩy toàn bộ trách nhiệm trong việc vận hành nguồn nguyên liệu về một quốc gia là Trung Quốc.

       Khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc, những quốc gia trên thế giới sẽ phải suy nghĩ lại bài toán đầu tư ra nước ngoài của mình, cũng như bài toán tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề quản trị rủi ro của chuỗi giá trị toàn cầu, trong mối quan hệ với Trung Quốc qua cách họ ứng xử với những quốc gia trong đợt dịch đã qua, chắc chắn sẽ được xem xét lại.

       Trung Quốc đã xác lập một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và việc tách rời Trung Quốc lúc này, có thể sẽ khiến các doanh nghiệp và quốc gia bị mất lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, thế giới sẽ phải dần cân nhắc lại về sự đánh đổi giữa tính tối ưu hóa và tính bền vững của nền kinh tế.Các quốc gia đã bắt đầu thấy sức ảnh hướng của đại dịch Covid sau khi nhiều quốc gia xem nhẹ việc phòng chống dịch trong giai đoạn đầu năm 2020.

       Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận thức rõ tình hình thiếu trang thiết bị y tế, do tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung ứng nước ngoài và kêu gọi “khôi phục lại sự độc lập kinh tế” của nước Pháp. Đây là một quốc gia có nền y học tiên tiến nhất trên thế giới nhưng lại đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn khi phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thiết bị y tế cùng với dược phẩm từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tháng 05/2020

Chia sẻ: